Bệnh viện Nội tiết TƯ: Nhiều dấu hiệu bao che cho tham nhũng

23/01/2013 10:39
N.B
(GDVN) - Trước phản ứng gay gắt của dư luận về hàng loạt tiêu cực tại Bệnh viện Nội tết T.Ư đã bị bản Kết quả thanh tra số 101/BC-TTrB ngày 10.10.2011 của Thanh tra Bộ Y tế che dấu, ngày 04/05/2012 Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký quyết định số 1486/QĐ-BYT thành lập đoàn Thanh tra khác để thanh tra lại những vấn đề mà viên chức Bệnh viện Nội tiết TW tố cáo.
Trái với mong đợi của dư luận, Thanh tra Bộ Y tế ngày 12/12/2012 đã ra văn bản số 1341 khẳng định việc khiếu nại tố cáo ở Bệnh viện Nội tiết là không đúng, dù có vụ việc đang bị cơ quan pháp luật xử lý.  Án đang bị khởi tố… 
Điển hình của việc bao che được nêu trong văn bản thanh tra lần này là việc che đậy thủ đoạn lập “danh sách ma” học viên dự lớp tập huấn để chiếm đoạt tiền ngân sách. Từ năm 2010, ông Nguyễn Vinh Quang (khi đó là Phó Giám đốc trực tiếp phụ trách dự án phòng bệnh) đã lập kế hoạch tập huấn để xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên phòng chống các rối loạn do thiếu i-ốt ở tỉnh Ninh Bình, TP Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Quảng Bình, Hà Nam, Bến Tre và nhiều lớp khác về phòng chống bệnh đái tháo đường.  Theo các chứng từ thanh toán được ông Nguyễn Vinh Quang phê duyệt, 60 học viên lớp tập huấn Hải Phòng đều ký nhận vào phần nhận tiền với các khoản mỗi người được 700.000 đồng tiền ngủ, 300.000 đồng tiền ăn, tổng cộng 1 triệu đồng/học viên. Tổng chi cho lớp tập huấn Tiên Lãng là 75 triệu đồng, Củ Chi hết 86 triệu đồng… 
Tuy nhiên, điều tra theo danh sách các học viên lớp tập huấn, có ký nhận tiền ở Tiên Lãng, Hải Phòng, thì Trưởng Công an các xã có học viên trong danh sách đều khẳng định (bằng văn bản) không có những cán bộ mang tên như thế. Tương tự, tại huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh theo danh sách duyệt chi tiền cũng là “danh sách ảo”. Bà Nguyễn Thị Đức, Chủ tịch UBND xã Thái Mỹ ngạc nhiên: “Các tên cán bộ trong danh sách tập huấn thấy rất lạ. Không ai là cán bộ của xã cả”. Xác minh ở các xã Trung An, Phước Hiệp, An Nhơn Tây đều có kết quả tương tự.  Tại 8 xã ở huyện Mỏ Cày tỉnh Bến Tre, danh sách lớp tập huấn truyền thông phòng, chống thiếu muối iốt, bướu cổ cho cán bộ không hưởng lương ngày 6 và 7/10/2011 nhiều trường hợp xác nhận bằng văn bản: Không tham gia lớp học, không nhận bất kỳ khoản tiền nào. Chữ ký trên bảng danh sách là giả.  Trước những bằng chứng nêu trên, việc mở lớp học ảo tại Hải Phòng đã bị Công an Quận Dương Kinh thành phố Hải Phòng ra quyết định khởi tố về tội danh tham ô tài sản.  Xử lý vụ tham ô nêu trên, tại công văn số 25/CV-PC44-Đ2 (ngày 21/11/2012) của Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP Hà Nội gửi Công an TP Hải Phòng đã nêu rõ: Căn cứ tình tiết diễn biến của vụ án, tài sản các đối tượng liên quan đã chiếm đoạt được từ tiền ngân sách thuộc trách nhiệm quản lý của Bệnh viện Nội tiết T.Ư để quyết toán cho các lớp tập huấn.  Hành vi làm khống chứng từ ở Hải Phòng chỉ là thủ đoạn để quyết toán với bệnh viện Nội tiết T.Ư, chiếm đoạt số tiền 78.175.000 đồng, có căn cứ xác định tội phạm xảy ra tại Bệnh viện Nội tiết T.Ư.  Theo tài lệu chứng cứ đã thu thập được có đủ căn cứ xác định hành vi tham ô tài sản, căn cứ điều 126 Bộ luật TTHS, Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội đề nghị Cơ quan CSĐT Công an TP Hải Phòng chỉ đạo Cơ quan CSĐT Công an quận Dương Kinh khởi tố bị can áp dụng biện pháp ngăn chặn, chuyển vụ án cho Cơ quan CSĐT Công an quận Đống Đa TP.Hà Nội để điều tra theo quy định của pháp luật. Thanh tra vẫn bao che Tình tiết vụ việc rõ như vừa nêu trên, nhưng Thanh tra Bộ Y tế trong thông báo kết quả giải quyết đơn thư tố cáo số 1341/TB-BYT đã bao che bằng nội dung:  Đối với lớp tập huấn tại Hải Phòng do hiện nay Cơ quan CSĐT công an quận Dương Kinh TP. Hải Phòng đang tiến hành điều tra, Đoàn Thanh tra không tiến hành xem xét về lớp tập huấn này.  Đối với 05 lớp tập huấn tại Ninh Bình, TP HCM, Hà Nam, Quảng Bình, Bến Tre qua xem xét, xác minh thấy các lớp đều có kế hoạch của Bộ Y tế giao thực hiện; Bệnh viện đã xây dụng kế hoạch chi tiết để thực hiện tại các địa phương, khi triển khai ở các địa phương đều có cán bộ Y tế của các Trung tâm Y tế trực tiếp tham gia phối hợp.  Các lớp tập huấn đều có thời gian, địa điểm tổ chức cụ thể, có hồ sơ chứng từ hợp lệ. Chỉ với những lý lẽ nêu trên mà Thanh tra Bộ Y tế đã đưa ra kết luận rằng: “Như vậy, nội dung tố cáo các cán bộ dùng thủ đoạn lập “danh sách ma” học viên dự lớp tập huấn để chiếm đoạt tiền Nhà nước là không có cơ sở”.  Văn bản này còn yêu cầu người tố cáo phải bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra đối với người bị tố cáo.  Nói về nội dung bản kết luận thanh tra số 101/BC-TTrB ngày 10/10/2011 của đoàn Thanh tra Bộ Y tế trước đây đã bị “bóp méo” sự thật, tại Webside ngày 9/8/2012 của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương đã có ý kiến: “Kết luận Thanh tra Bộ Y tế là thiếu khách quan, chưa chính xác.  Tới đây, sau khi các cơ quan chức năng điều tra làm rõ vụ việc trên, cần phải xem xét xử lý trách nhiệm của Đoàn Thanh tra Bộ Y tế trong việc thanh tra giải quyết đơn tố cáo đối với những sai phạm trong việc mở lớp tập huấn bệnh lý tuyến giáp 2010 tại Hải Phòng”. Bài học “nhãn tiền” như vậy mà đoàn thanh tra lần này vẫn đi theo “vết xe đổ”?                        

* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!


N.B