Thúc đẩy quốc tế hóa tranh chấp biển Đông

24/01/2013 14:29
H.Trung (Tuổi trẻ)
Theo TS Nguyễn Ngọc Trường, hành động chính trị - pháp lý của Philippines sẽ thúc đẩy hơn nữa tiến trình “quốc tế hóa” tranh chấp biển Đông.

TS. Nguyễn Ngọc Trường cho rằng, hành động của Philippines cũng có thể dẫn tới phản ứng dây chuyền tại các quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền tại biển Đông. Có thể các quốc gia này sẽ theo gương Manila đưa tranh chấp với Trung Quốc ra Tòa án trọng tài quốc tế.

"Lường định những rủi ro có thể có, các nhà hoạch định chính sách ở Manila không hề hành động một cách bất cẩn. Trong nhiều tháng qua, dưới sự chủ trì của Ngoại trưởng Albert del Rosario, các học giả và luật sư Philippines và quốc tế đã hình thành một chiến lược pháp lý.

Sự khôn khéo của Manila là việc chọn một khía cạnh pháp lý - chính trị liên quan “đường lưỡi bò” mà dư luận quốc tế đều thừa nhận là phi lý. Một khi “đường lưỡi bò” bị bác bỏ về mặt pháp lý và công lý quốc tế, lợi ích của Philippines tại bãi cạn Scarborough cũng sẽ được bảo vệ. Ở mức độ, vụ kiện này sẽ góp phần vào cuộc đấu tranh chung về pháp lý, chính trị, ngoại giao để tìm một giải pháp cho cuộc tranh chấp trên biển Đông. “Cách tiếp cận luật pháp quốc tế” luôn là một sự lựa chọn có giá trị, một lá bài chiến lược để ngỏ", TS.Nguyễn Ngọc Trường nói.

Ba bước đi của Philippines

Theo thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Philippines, phụ lục VII của UNCLOS xác định quá trình trọng tài bắt đầu bằng việc thông báo cho bên bị kiện. Philippines đã thông báo về vụ kiện cho Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila. Bước kế tiếp là thành lập một ủy ban trọng tài năm thành viên và hai nước đạt thỏa thuận về việc lựa chọn địa điểm phán xử. Sau khi ủy ban được thành lập, các bên liên quan sẽ đưa ra tài liệu để khẳng định lập luận của mình. Dựa trên các vụ phân xử về tranh chấp hàng hải trước đây, quá trình kiện tụng có thể kéo dài 3-4 năm.

Theo Giáo sư Carl Thyer (Học viện Quốc phòng Úc), với việc kiện Trung Quốc ra Tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc, Philippines đang theo đuổi chiến lược ba mũi nhọn nhằm đối phó với những yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên biển Đông.

Giáo sư Carl Thyer khẳng định, chính quyền Philippines đã lựa chọn một cách cẩn thận những khía cạnh pháp lý đặc thù trong tranh chấp với Trung Quốc để đưa ra tòa án Liên Hiệp Quốc. Bất kỳ một phán quyết nào của Tòa án trọng tài phủ nhận “đường lưỡi bò” của Trung Quốc cũng đều có lợi cho các quốc gia khác có đòi hỏi chủ quyền trên biển Đông.


H.Trung (Tuổi trẻ)