VPF chật vật kiếm tiền nuôi V-League

26/01/2013 11:45
TÙY PHONG (TTVH)
“Thời buổi này, tiền quý lắm nhà báo à. Tôi đang như người ăn xin, nhưng nếu xin được cho bóng đá Việt Nam, tôi cũng sẽ xin”...
Sau khi lặn lội xuống tận Long An để mời mọc một đối tác, trên đường trở về TP.HCM, ông Phạm Phú Hòa, đương kim Phó TGĐ phụ trách truyền thông và tài trợ của VPF, hồ hởi như bắt được vàng: “Có thể chúng tôi sẽ có thêm 5 tỷ đồng nữa từ nhôm Minghua”.

“Thời buổi này, tiền quý lắm nhà báo à. Tôi đang như người ăn xin, nhưng nếu xin được cho bóng đá Việt Nam, tôi cũng sẽ xin”, ông phó TGĐ VPF chia sẻ.

Nếu không có khoản tiền tài trợ gần 50 tỷ của Eximbank (bên phải là TGĐ Eximbank Trương Văn Phước) thì VPF do ông Phạm Ngọc Viễn làm TGĐ (trái) sẽ xoay sở như thế nào ở mùa bóng 2013.
Nếu không có khoản tiền tài trợ gần 50 tỷ của Eximbank (bên phải là TGĐ Eximbank Trương Văn Phước) thì VPF do ông Phạm Ngọc Viễn làm TGĐ (trái) sẽ xoay sở như thế nào ở mùa bóng 2013.

Theo như cam kết ban đầu kể từ khi VPF mới được thành lập, sẽ có ít nhất 10 doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ, hay chính xác ra là bảo trợ cho bóng đá Việt Nam, trước khi các giải đấu chuyên nghiệp được Cty này tổ chức sinh lời. Nhưng, kể từ sau khi bầu Kiên (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT VPF Nguyễn Đức Kiên-PV) vướng vào vòng lao lý, lần lượt các doanh nghiệp có trong danh sách đều đã ngoảnh mặt làm ngơ. Hiện chỉ còn HA.GL và mới có thêm ĐT.LA cam kết sẽ dốc sức vì nền bóng đá, nhưng chỉ mới 10 tỷ đồng tổng cộng (5 tỷ đồng/doanh nghiệp) thì quá lọt thỏm so với mức chi hiện tại.

“Kể từ ngày bầu Kiên gặp chuyện như tất cả đã biết, công việc trở nên nặng nề hơn  rất nhiều với cá nhân tôi. Nhưng tôi may mắn vẫn có được sự ủng hộ của anh Dũng (ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT ngân hàng Eximbank, nhà tài trợ chính thức cho V-League 2013, Phó Chủ tịch VFF và VP-FPV), bởi nếu không có anh ấy, có thể mùa giải 2013 sẽ phải tạm hoãn. Vì tài chính khó khăn, nên chúng tôi mới phải điều chỉnh các mức thưởng cho danh hiệu ở mùa giải năm nay. Tôi mong muốn được mọi người hiểu, chia sẻ và giúp đỡ nếu có thể, để VPF hoàn thành lộ trình vạch ra”, ông Phạm Phú Hòa tiếp lời.

Người ta vẫn chưa quên ở buổi Hội nghị các ông bầu “Doanh nghiệp làm bóng đá và hướng đi cho bóng đá Việt Nam” diễn ra tại TP.HCM (do báo Pháp luật TP.HCM tổ chức hồi trung tuần tháng 9/2011-PV), các ông bầu phần lớn đều rất mạnh miệng. Nhưng, như TT&VH đã đề cập, có đến 2/4 ông bầu dự buổi họp hôm đó, hoặc vướng vào vòng lao lý (bầu Kiên), hoặc đã cự tuyệt bóng đá đỉnh cao (bầu Lê Tiến Anh của K.KH) và hiện chỉ còn bầu Đức (HA.GL) và bầu Thắng (ĐT.LA) trụ lại. Nhưng ngay cả ĐT.LA, ban đầu họ cũng không có tên trong danh sách các nhà bảo trợ, cho đến khi tình huống vạn bất đắc dĩ xảy ra.

Câu hỏi đặt ra lúc này là, hướng đi nào cho bóng đá Việt Nam?! Phải chăng là chẳng có hướng đi nào cả, khi VPF đang phải sống rất chật vật. Theo Phó TGĐ Phạm Phú Hòa, ngoài nguồn quỹ các CLB phải đóng góp theo Quy chế thì gói “tiền bảo trợ” từ các doanh nghiệp là hết sức quan trọng, nếu không muốn nói là thiết yếu, để duy trì sự hoạt động của VPF, cũng là duy trì sức sống cho các giải chuyên nghiệp được tổ chức như V-League, Cúp QG và giải hạng Nhất. Năm nay, sẽ là thời hạn cuối trong bản hợp đồng tài trợ 3 năm tài trợ mà Eximbank đã ký, vậy còn sang năm, rồi sang năm nữa, nếu ngân hàng này quay lưng thì sao?!

Có câu: “Cái khó ló cái khôn”. Tuy nhiên, trước khi “ló được cái khôn”, thì những người chịu trách nhiệm trực tiếp như ông Phạm Phú Hòa, ngay lúc này phải đi gõ cửa từng doanh nghiệp để vận động tài trợ. Và như Minghua, hãng sản xuất nhôm kính, tivi, máy lạnh có xuất xứ Đài Loan (Trung Quốc) này, vốn chẳng có liên quan gì đến bóng đá, nhưng nếu vận động được thì ông Hòa cũng cứ làm. “Ở thời điểm khác, 5 tỷ đồng là con số không quá lớn so với doanh thu của doanh nghiệp, nhưng ngay lúc này, nó lớn, lớn lắm. Tôi mừng là đã nhận được sự ủng hộ bước đầu của họ. Và tôi cũng thiết tha tất cả sẽ cùng chung tay vì nền bóng đá”, vẫn lời ông Hòa.

Thế mới nói, nếu qua được khúc cua tay áo này, đó phải là nỗ lực phi thường của người trong cuộc! Nhưng cũng nên nhớ luôn rằng người xưa từng có câu: “Của biếu là của lo, của cho là của nợ”.
TÙY PHONG (TTVH)