Michel Platini là một thiên tài, cả từ ngày còn chơi bóng cho tới khi lên làm chủ tịch UEFA. Nhưng đến thiên tài cũng không thể tránh đưa ra những quyết định khó hiểu, thậm chí là những quyết định tồi. Bối cảnh xã hội chi phối nhiều thứ, và đôi khi ta phải ngả theo cái bối cảnh ấy để đưa ra cái quyết định mà ta đã biết trước là sẽ bị chỉ trích.
Đó là trường hợp EURO 2020 được tổ chức ở 13 thành phố của 13 quốc gia khác nhau, một quyết định UEFA vừa công bố chính thức.
Phản ứng của dư luận rất đa dạng. Người thích thì nói rằng đó cũng là cơ hội để thưởng thức nhiều nền văn hóa châu Âu, còn người ghét thì cho rằng các đội tuyển sẽ kiệt sức vì di chuyển.
Với EURO 2020, Michel Platini buộc phải đưa ra quyết định dựa theo hoàn cảnh. |
Thực tế thì hầu hết những ai sẽ bám giải từ đầu tới cuối đều sẽ phải kiệt sức chứ không riêng gì các cầu thủ. Các khán giả sẽ phải di chuyển theo đội, tức họ phải bỏ ra kha khá tiền chi phí đi lại (may rằng nhiều nước thuộc khối EU, tức không gò bó về thủ tục xuất nhập cảnh). Đó là chưa nói tới những vấn đề khác, ví dụ như ngôn ngữ (những ai dự định di chuyển nhiều thì sẽ phải học nhiều thứ tiếng).
Còn cánh nhà báo thì sẽ phải mệt phờ râu nếu họ đi theo một đội tuyển. Phương án khả dĩ nhất cho các đài truyền hình là đưa tới 13 thành phố 13 nhóm tác nghiệp khác nhau, nhưng điều đó cũng sẽ làm tăng chi phí đi lại, ăn ở cũng như nhiều thứ linh tinh khác.
Khổ vì khủng hoảng
Việt Nam xin đăng cai Asiad 2019, việc này hẳn nhiều người cũng biết. Nhưng ý kiến đồng tình thì ít, mà ý kiến phản đối thì nhiều, vì trong lúc kinh tế đi xuống trầm trọng, bỏ tiền ra tổ chức một Á vận hội thì sẽ chỉ khiến ngân sách thêm eo hẹp.
Đó cũng chính là trường hợp của EURO 2020.
Ý tưởng tổ chức đa thành phố đã manh nha xuất hiện từ giữa năm 2012 sau khi UEFA nhận ra rằng rất ít quốc gia muốn tổ chức đăng cai giải vô địch bóng đá châu Âu. Có 3 đơn xin đăng cai được gửi tới, của Thổ Nhĩ Kỳ, của liên minh Scotland-Ireland-Wales và của liên minh Azerbaijan-Georgia. Trong số này thì chỉ Thổ Nhĩ Kỳ thực sự quan tâm tới việc đăng cai và là quốc gia gửi đơn sớm nhất, 2 liên minh kia đều gửi đơn khá muộn, thậm chí liên minh 3 nước gửi đơn vào ngày chót.
Khủng hoảng kinh tế toàn châu Âu đã khiến cho một loạt quốc gia phải cân nhắc tới việc tổ chức những sự kiện quy mô rất lớn. Những chi phí xây dựng hay cải tạo công trình vào lúc này được cho là vô cùng tốn kém và không cần thiết. Đó là chưa kể số phận chính trị của rất nhiều chính phủ hay đảng phái ở các quốc gia châu Âu cũng còn chưa chắc chắn cũng vì khủng hoảng, và chẳng ai nghĩ sâu xa tới việc đăng cai một giải đấu 7 năm nữa mới diễn ra. Các quốc gia vì thế thờ ơ với EURO.
Thổ Nhĩ Kỳ hiện có 4 sân vận động có sức chứa hơn 50.000 người và có tổng cộng 7 sân có sức chứa trên 30.000 người. Đây là quốc gia gửi đơn đăng cai EURO 2020 sớm nhất. |
Bên cạnh đó, một trong những lý do khác dẫn tới một EURO 2020 đa quốc gia là bởi thể thức thi đấu mở rộng. Từ 16 đội, EURO 2016 sẽ là lần đầu tiên có 24 đội tham dự, với 51 trận đấu diễn ra. Số trận đấu tăng lên giúp UEFA có thể kiếm lời từ những bản hợp đồng truyền hình có số tiền được trả lớn hơn so với thời còn 16 đội. Nhưng, điều này sẽ khiến bất cứ nước nào định đăng cai phải dè chừng. Họ sẽ phải bỏ tiền ra để xây các khu cư trú cho các đội tuyển cũng như phải xây thêm sân vận động để phục vụ thêm trận đấu.
Trong bối cảnh như thế, Michel Platini và các quan chức UEFA buộc phải tính tới những phương án khả thi hơn, chia sẻ chi phí tổ chức giữa nhiều nước và vẫn mang tới cho khán giả một giải đấu bóng đá được chờ đợi 4 năm một lần. Không còn cách nào khác, chúng ta phải chấp nhận thực tế đó, dù đó là một quyết định lợi người hại ta.
Chỉ hy vọng rằng tới 2020, đời sống kinh tế sẽ khá lên, và khi đó việc tổ chức EURO cũng như việc thưởng thức giải đấu của khán giả sẽ thuận lợi hơn.