Mới đây, lại thêm một đứa trẻ uống thuốc diệt cỏ tự tử vì không đạt học sinh giỏi. Đó là em V.T.T. (16 tuổi), HS lớp 10 của một Trường THPT tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Đây không phải là lần đầu tiên một học sinh tự tử vì không đạt thành tích học tập.
Ngay trước đây ít ngày, một học sinh lớp 8 cũng đã uống thuốc để tự tử chỉ vì bị điểm kém. Sự việc xảy ra hôm 21/1 vừa qua. Học sinh T.T.L (14 tuổi, ngụ tại Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh) nhiều năm liền luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi, hiện đang học lớp chọn của một trường điểm trên địa bàn huyện Củ Chi. Bước sang năm học lớp 8, em bất ngờ bị tuột dốc khi bị nhiều điểm kém trong kết quả thi học kỳ. Vừa buồn vừa sợ bị cha mẹ mắng, L. nghĩ quẩn nên đã uống cùng lúc 20 viên Panadol Extra. Rất may, em L. đã được phát hiện và cấp cứu kịp thời nên chưa đến nỗi thiệt mạng. Tuy nhiên, việc uống thuốc tự tử chắc chắn sẽ ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe tinh thần của em.
Trước đó, khoảng 18h30 ngày 21/4/2012, em Phạm Đình Tuyên (học sinh lớp 6D Trường THCS Trưng Vương, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đi học về thì bị mẹ la mắng vì bị điểm kém môn Mỹ thuật. Đến khoảng 19h, khi người thân lên phòng thì phát hiện Tuyên đã thắt cổ. Tuyên được đưa tới bệnh viện nhưng chết trên đường đi cấp cứu.
Trên đây chỉ là 3 vụ việc thương tâm xảy ra trong thời gian gần đây. Nhưng những hậu quả nặng nề do sự kỳ vọng, đòi hỏi quá đáng ở trẻ dẫn đến thất vọng thì không phải là ít. Phổ biến nhất có lẽ là tình trạng học sinh bị căng thẳng dẫn đến chán nản, nói dối bố mẹ, bỏ nhà đi lang thang hoặc tâm thần phải vào điều trị tại bệnh viện. Đó là chưa kể, việc tự tử của học sinh có thể không bắt nguồn tự một vụ việc cụ thể, nhưng lại là hậu quả của cả một quá trình học tập căng thẳng do sức ép của gia đình, nhà trường và chính bản thân các em.
Áp lực từ nhà trường, cha mẹ... đã khiến cho trẻ gặp nhiều bất hạnh. Ảnh minh họa |
Học sinh giỏi là… đương nhiên!?
Có một thực tế là hiện nay, số học sinh được điểm 9, 10 ở hầu hết các môn học là rất nhiều, do vậy việc đạt được học sinh giỏi của nhiều học sinh, cha mẹ và thầy cô giáo được coi là chuyện đương nhiên phải thế.
“Sau đợt thi học kỳ I vừa qua, tôi hỏi đứa cháu đang học tại một trường cấp II thuộc Hà Nội xem cháu có được học sinh giỏi không, cháu trả lời tôi một câu gọn lỏn rằng: Đương nhiên chứ ạ. Không giỏi có mà chết à!” – anh Nguyễn Tiến Tuấn (Ba Đình, Hà Nội) kể.
“Khi xem bảng kết quả mà cháu mang về nhà, tôi thật sự thấy… choáng váng vì số điểm mà chúng đạt được. Trong lớp, có tới xấp xỉ 90% học sinh đạt loại giỏi và một số học sinh đạt 10 phẩy một số môn. Còn số học sinh đạt trên 9 phẩy thì khá nhiều. Thậm chí, môn giáo dục công dân thì gần như tuyệt đối cả lớp có điểm thi là… 10.” – anh Tuấn cho biết.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị N. - bán hàng khô ở một chợ cóc buồn bã tâm sự sau khi đi họp phụ huynh về: “Chị ơi em buồn quá. Học kỳ vừa rồi, con em không được học sinh giỏi, chỉ được học sinh tiên tiến thôi. Đến già nửa lớp được học sinh giỏi mà con mình lại không được. Em tiếc cái công mình, tối nào cũng ngồi học cùng con. Rồi thì nhịn ăn để cho con đi học thêm mấy lớp, thế mà vẫn không được giỏi”.
“Tôi là cán bộ công đoàn. Lâu nay, cơ quan tôi vẫn có chế độ khen thưởng cho con em can bộ là học sinh giỏi và học sinh tiên tiến. Gần 10 năm qua, tôi chưa thấy cháu nào không được khen thưởng. Chỉ đến hè vừa rồi mới có một chị có con chỉ đạt học sinh tiên tiến. Thế là ở trong cơ quan đã xì xào: Mẹ là phó tiến sĩ, thế mà con không được học sinh giỏi!” - Chị Minh, công tác ở một văn phòng tại Hà Nội cho biết.
Việc con đi học là phải đạt học sinh giỏi đã trở thành một chuyện đương nhiên đối với đa số các bậc phụ huynh ở Thành phố. Còn thực chất của danh hiệu đó đến đâu thì rất khó nói. Có điều trớ trêu là ở chỗ, chính các bậc phụ huynh ai cũng nói rằng, thời họ đi học thì học sinh giỏi rất hiếm, mỗi lớp may lắm cũng chỉ có vài ba người, học sinh tiên tiến lúc đó đã là một sự hãnh diện lắm rồi.