"Dự thảo sửa đổi Hiến pháp vẫn đậm đà ngôn ngữ văn chương"

01/02/2013 07:30
Ngọc Quang
(GDVN) - "Dự thảo Hiến pháp sửa đổi 2013 không đổi khác so với Hiến pháp 1992 vì vẫn sử dụng rất nhiều ngôn ngữ văn chương..."
Trao đổi với PV Báo Giáo dục Việt Nam, GS Nguyễn Minh Thuyết - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (đồng thời cũng là chuyên gia cao cấp về ngôn ngữ học) nhận định: “Lời nói đầu tuy dài tới 448 chữ, gần kín một trang giấy khổ A4 nhưng chưa nói lên được tư tưởng cơ bản của Hiến pháp là gì, cũng không xác định chủ thể thiết lập Hiến pháp là ai. Đây là những điều rất khác so với bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta (Hiến pháp năm 1946) và Hiến pháp nhiều nước”.
Lời nói đầu Hiến pháp năm 1946 chỉ dành có 65 chữ khẳng định thành quả của 80 năm đấu tranh giành độc lập, tiếp đó nêu rõ Quốc hội “được quốc dân giao cho trách nhiệm thảo bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa” trên 4 nguyên tắc: “đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo; đảm bảo các quyền tự do dân chủ; thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân”. 

GS Nguyễn Minh Thuyết nhận định, trong dự thảo Hiến pháp còn sử dụng quá nhiều ngôn ngữ văn chương.
GS Nguyễn Minh Thuyết nhận định, trong dự thảo Hiến pháp còn sử dụng quá nhiều ngôn ngữ văn chương.
Lời nói đầu của Hiến pháp một số nước như Hoa Kỳ, Nga, Pháp, Nhật cũng hết sức súc tích mà đầy đủ. Ví dụ, toàn bộ lời nói đầu của Hiến pháp Hoa Kỳ (năm 1787) dịch ra tiếng Việt chỉ gồm có 66 chữ nhưng thể hiện được cả tư tưởng cơ bản của Hiến pháp và chủ thể thiết lập Hiến pháp, đó là: “Chúng tôi, nhân dân Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, với mục đích xây dựng một liên bang hoàn hảo hơn nữa, thiết lập công lý, duy trì an ninh trong nước, tạo dựng phòng thủ chung, thúc đẩy thịnh vượng chung, giữ vững nền tự do cho bản thân và con cháu chúng ta, quyết định thiết lập Hiến pháp này cho Hợp chúng quốc Hoa Kỳ”.

Theo GS Thuyết, không chỉ có lời nói đầu, gần như toàn bộ các điều ở chương “Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường” đều là những tuyên bố về nhận thức, không có tính pháp lý, như: “Nước CHXHCN Việt Nam xây dựng  nền kinh tế độc lập, tự chủ trên cơ sở phát huy nội lực, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát triển kinh tế kết hợp chặt chẽ, hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường” (Điều 53); “Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực phát triển của đất nước. Nhà nước và xã hội chăm lo xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhân văn, dân chủ, tiến bộ; bảo tồn, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa của các dân tộc Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại” (Khoản 1 Điều 64). 
“Trong Hiến pháp năm 1946 của nước ta và Hiến pháp nhiều nước, các chế định kinh tế, văn hoá, giáo dục và khoa học - công nghệ thường được thể hiện dưới hình thức quyền con người, quyền công dân, cụ thể là quy định công dân có quyền tự do kinh doanh, sáng tạo khoa học, văn hóa - nghệ thuật, hưởng thụ giáo dục và Nhà nước có trách nhiệm đảm bảo các quyền này. Dự thảo Hiến pháp sửa đổi cũng nên giải quyết theo hướng này cho phù hợp với nhận thức chung về Hiến pháp”, GS Thuyết nhấn mạnh.
Ngoài ra, GS Nguyễn Minh Thuyết cũng cho rằng chương “Bảo vệ Tổ quốc” cần được thể hiện lại. Cụ thể, cả chương có 5 điều thì 4 điều chỉ là những tuyên bố về nhận thức, ví dụ: “Nhà nước củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; lực lượng vũ trang nhân dân giữ vai trò nòng cốt; phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới” (Đoạn 2 Điều 69).
Có những quy định vừa đậm chất văn chương vừa quá tỉ mỉ, không phù hợp với yêu cầu khái quát rất cao của Hiến pháp, ví dụ: “Nhà nước phát huy tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân, giáo dục quốc phòng và an ninh cho toàn dân; thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự, chính sách hậu phương quân đội; xây dựng công nghiệp quốc phòng, bảo đảm trang bị cho lực lượng vũ trang, kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ và chiến sĩ, công nhân, nhân viên quốc phòng; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân hùng mạnh, không ngừng tăng cường khả năng bảo vệ đất nước” (Điều 73). Có những chỗ lặp lại nhau nguyên xi: “Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng được xây dựng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại… ”; “Công an nhân dân Việt Nam cách mạng được xây dựng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại… ”. 

Luật sư Hoàng Nguyên Hồng – Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Tư pháp Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn:

Trong lời nói đầu, nên viết gọn, theo cách viết thông thường của các bản hiến pháp các nước đã có trên thế giới; không nên liệt kê, kể lể thành tích và công lao quá rườm rà.

Theo tôi, nên bỏ nội dung từ dòng thứ 6 (Từ năm 1930...) đến dòng thứ 30 (...các nước trên thế giới), bởi lẽ đất nước do toàn thể dân tộc Việt Nam khai phá, xây dựng, gìn giữ và bảo vệ, nền Văn hiến Việt Nam do toàn thể các cộng đồng dân tộc, các thế hệ tiền bối, các bậc sỹ phu yêu nước, thương dân trong dân chúng và các triều đại lịch sử lập nên. Do đó, không nên viết nhiều về công lao của thế hệ hiện tại và lý thuyết chủ nghĩa Mác Lên nin vào Lời nói đầu.

Tôi đề nghị viết lại Lời nói đầu như sau:

“Trải qua mấy chục nghìn năm lịch sử, các thế hệ người Việt Nam lao động siêng năng, cần cù, sáng tạo, chiến đấu anh dũng kiên cường để dựng nước và giữ nước, đã hun đúc nên ý chí đoàn kết, nhân nghĩa, hòa hiếu của dân tộc và xây dựng nên nền văn hiến Việt Nam.

Chúng tôi, Nhân dân Việt Nam, với mục đích xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; giữ vững độc lập chủ quyền đất nước, tự dọ cho dân tộc, quyết định xây dựng Hiến pháp này cho Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Ngọc Quang