Với hơn 32.000 ca mắc, 81 trường hợp tử vong (riêng TP.HCM có tới 22 ca tử vong) và tình hình bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, ngày 15.8, tại buổi họp với các tỉnh phía Nam, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, bộ trưởng bộ Y tế đã lên tiếng đề nghị công bố dịch tay chân miệng. Tuy nhiên, sau công bố này thì những biện pháp gì sẽ được đưa ra để kiểm soát được căn bệnh chưa có vắcxin phòng ngừa này khi năm học mới đã bắt đầu.
{iarelatednews articleid='9691'}
Phụ huynh và thầy cô đều căng thẳng
Chị Nguyễn Hà Hải Anh, ngụ tại phường 12, quận 3, tỏ ra lo lắng: “Nhà tôi có hai bé đều phải gửi vào trường mầm non ở phường, nhưng tôi thấy không an tâm vì theo ngành y tế trẻ nào cũng có khả năng mắc bệnh. Ngày nào đón con về vợ chồng tôi cũng phải đo nhiệt độ, sờ trán và thăm khám khắp người xem con có sốt, nổi ban hay không. Thật là căng thẳng”.
Ông Lê Hồng Sơn, giám đốc sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM, cho biết, từ hai tuần qua, các trường đã thực hiện tổng vệ sinh và phun hoá chất khử khuẩn trường, lớp và đồ chơi cho học sinh. Ngành giáo dục phối hợp với ngành y tế, các trường học phối hợp với trung tâm y tế dự phòng và phòng giáo dục các quận, huyện bám sát tình hình và xử lý kịp thời diễn biến các dịch bệnh xuất hiện ở học sinh.
Trong số các huyện ngoại thành, Bình Chánh là địa phương dẫn đầu về trẻ mắc bệnh tay chân miệng. Bà Nguyễn Thị Trúc Ly, phó phòng giáo dục đào tạo huyện cho biết, ngày 25.8 tới, huyện sẽ tổ chức tập huấn cho hơn 500 giáo viên mầm non công lập và dân lập. Hiện các trường mầm non công lập đã có đầy đủ đội ngũ cán bộ y tế, còn một số trường dân lập chưa có đội ngũ cán bộ y tế cơ hữu, phòng giáo dục yêu cầu phải ký hợp đồng với y tá, hoặc bác sĩ của trạm y tế đến làm việc tại trường mỗi tuần từ 3 – 4 buổi. Tuy nhiên, khi trường có sự cố thì có thể điện thoại cho những người này đến để xử lý.
“Vẫn trong tầm kiểm soát” Ngày 16.8, TS Nguyễn Văn Bình, cục trưởng cục Y tế dự phòng cho biết, bệnh tay chân miệng tại Việt Nam dẫn đầu về số ca mắc và tử vong trong các bệnh truyền nhiễm hiện nay và Việt Nam đứng thứ hai thế giới về số ca tử vong do bệnh này. Tuy nhiên, bệnh tay chân miệng vẫn trong tầm kiểm soát. Đây là bệnh chưa có vắcxin, lại truyền qua đường hô hấp, vệ sinh nên phòng chống dịch là việc làm của cả cộng đồng, một mình bộ Y tế không thể làm hết. |
Phòng giáo dục đào tạo huyện đã tổ chức ba đoàn kiểm tra công tác phòng chống bệnh của tất cả các trường mầm non và tiểu học. Nhìn chung, các trường có xây dựng kế hoạch cụ thể về phòng chống dịch bệnh, tập huấn cho giáo viên; tập huấn hướng dẫn cách pha thuốc, tẩy rửa, cách phát hiện bệnh để khi đón trẻ lưu ý những trẻ sốt, phát hiện những hiện tượng lạ trên bàn tay, bàn chân, miệng... báo cho phụ huynh biết đưa các cháu đi khám và điều trị kịp thời.
Hiện tại trên địa bàn huyện Bình Chánh có năm trường mầm non có trẻ mắc bệnh tay chân miệng (gần 30 cháu), trong đó trường mầm non Hoa Hồng có số trẻ mắc bệnh cao nhất, 16 cháu. Để chuẩn bị cho ngày tựu trường 5.9 tới, bà Phạm Thị Hồng Hạnh, phó hiệu trưởng trường mầm non Hoa Hồng cho biết, cuối tháng 8 này, trường sẽ tổ chức tập huấn lại kiến thức về bệnh tay chân miệng cho toàn bộ 19 giáo viên của trường.
Trường đã đăng ký với trạm y tế xã 4kg cloramine B để vệ sinh tám lớp học và mua thêm 8 lít javen để rửa dụng cụ sinh hoạt, học tập. Mỗi lớp học khoảng 30 bé, được bố trí ba bồn rửa tay, các bé được rửa tay trước khi ăn, sau khi ăn và sau khi vui chơi.
Tất cả chỉ cậy nhờ chloramine B
Ngày 16.8, khảo sát thực tế tại các trường mầm non trên địa bàn TP.HCM cho thấy, nhiều trường học đang ra sức phòng chống dịch bệnh bằng cách làm vệ sinh, khử khuẩn trường lớp, bàn ghế, vật dụng… Tại phường 12, quận 3, bà Vũ Thị Bích Hợp, hiệu phó trường mầm non 12, cho biết giáo viên được phân công làm vệ sinh, khử khuẩn bằng chloraminB và nước javen. Ban giám hiệu trực tiếp đi kiểm tra, giám sát và phát tờ bướm, tuyên truyền cho phụ huynh học sinh cách phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ ở nhà cũng như ở các khu vui chơi, giải trí.
Bà Vũ Thị Xuân Liên, hiệu trưởng trường mầm non Vàng Anh, phường 2, quận 5, cho biết trường cũng phòng dịch bằng cách khử khuẩn hàng tuần trong trường bằng hoá chất chloraminB. Ban giám hiệu cũng chú trọng tăng cường dinh dưỡng cho trẻ để trẻ có sức đề kháng, tập huấn cho giáo viên cách rửa tay phòng bệnh và phân bổ khu vực rửa tay có kèm xà bông khử khuẩn sau khi trẻ ăn, chơi.
Liên minh châu Âu viện trợ 60.000 euro Gói cứu trợ sẽ được chuyển tới hội Chữ thập đỏ Việt Nam tập trung vào công tác truyền thông và công tác vệ sinh nhằm kiểm soát và phòng trừ bệnh tay chân miệng. Cha mẹ và những người chăm sóc trẻ dưới năm tuổi, các giáo viên và học sinh tiểu học sẽ là đối tượng của chương trình này. Các hoạt động sẽ được thực hiện tại 75 xã ở năm tỉnh, thành, gồm: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Quảng Ngãi và Thanh Hoá. |
Theo SGTT