Lúc 9h sáng ngày 4/2, chị V.T.H, ở Thanh Xuân (Hà Nội) đi rút tiền từ ATM để sắm Tết. Dừng lại cây ATM của Vietcombank ở 32 phố Quang Trung – kiểm tra tài khoản, số dư hơn 7 triệu đồng và thẻ ATM của chồng cũng báo số dư trên 2 triệu đồng.
Tuy nhiên, loay hoay với hai chiếc thẻ, chờ mãi không thấy tiền “chạy” ra. Lúc này, hai bảo vệ của ngân hàng tới bảo: "ATM hết tiền rồi chị ạ". Vì vội nên chị V.T.H không muốn vào quầy giao dịch.
2 ngày cuối tuần và sáng đầu tuần 4/2, ATM luôn trong tình trạng hết tiền mặc dù một hàng dài người xếp hàng đợi rút. |
Đi tiếp đến cây ATM của Ngân hàng Vietinbank cũng trên phố Quang Trung, cả hai cây ATM của Ngân hàng này đều có 3-4 người xếp hàng đợi lấy tiền. Một thanh niên đứng loay hoay hồi lâu mà không thấy rút được tiền. Bảo vệ của ngân hàng này giải thích: “ATM hết tiền rồi. Đầu tuần nào chẳng thế”.
Chị V.T.H nghĩ ra cách, cầm thẻ ATM của chồng để chuyển sang tài khoản của mình trong cùng hệ thống của Viettinbank rồi vào quầy để rút tiền. Nhưng cách này chỉ khiến chị không muốn rút tiền nữa khi nghe giải thích của giao dịch viên: “Nếu rút 30 triệu thì chị sẽ phải trả phí 22.000 đồng”.
Tiếc tiền mà chẳng biết làm cách nào, chị V.T.H đành quay ra tay không và đợi đến giờ nghỉ trưa sẽ trở lại các cây ATM của hai ngân hàng trên và tất cả trông chờ vào sự “hên –xui”.
Đây chỉ là một trong số nhiều trường hợp gặp tình huống khó chịu vào đầu giờ sáng nay. Chúng tôi mang thắc mắc này gọi theo số hotline của Vietcombank thì được giải thích: Thời điểm tiếp quỹ của chi nhánh thì trung tâm không nắm được.
“Ngay đó có phòng giao dịch thì có thể vào quầy để rút tiền. Nhưng nếu cây ATM đó ở ngay quầy giao dịch thì các bạn sẽ không để hết tiền đâu ạ. Nếu hết tiền thì chỉ sau đó mấy tiếng hoặc trong ngày có thể được tiếp quỹ ngay. Ví dụ máy ATM đứng riêng lẻ ngoài đường thì thời gian tiếp quỹ sẽ lâu hơn, nhưng ngay phòng giao dịch thì các sự cố này sẽ được khắc phục nhanh”.
Trước đó, vào chiều ngày 2/2, điểm giao dịch của Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) tại số 4 - 6 Nguyễn Oanh, Q.Gò Vấp, TP.HCM có 4 máy ATM nhưng nhiều người vào rồi lại ra khá nhanh. Khi bước vào buồng ATM, màn hình vẫn báo hoạt động bình thường nhưng khi bỏ thẻ ATM vào thì máy báo “Xin lỗi quý khách. Máy ATM tạm thời ngưng phục vụ”.
Ra phía ngoài, mới phát hiện một thông báo bằng giấy A4 từ BIDV về việc ngưng giao dịch thứ bảy ngày 2/2 để... tổ chức hội nghị tổng kết năm 2012. Đến ngày 4/2, chi nhánh trở lại hoạt động bình thường!
Tăng hạn mức rút
Trong văn bản số 736 được ban hành ngày 31/1, Ngân hàng Nhà nước đề nghị tổ chức phát hành thẻ phải xây dựng và cài đặt chương trình phần mềm dịch vụ thẻ phù hợp với các quy định tại Thông tư 35, 36, trong đó hạn mức rút tiền mặt một lần tối đa được khuyến khích nâng cao hơn 2 triệu đồng nhằm gia tăng thêm quyền lợi cho khách hàng sử dụng thẻ.
Công tác kiểm tra, rà soát lại mạng lưới ATM tại từng địa bàn tỉnh, thành phố, có kế hoạch bố trí cán bộ thường xuyên trực theo dõi hoạt động của hệ thống ATM để kịp thời thực hiện công tác tiếp quỹ, giải quyết các sự cố, khiếu nại, thắc mắc của khách hàng, đảm bảo hệ thống ATM hoạt động thông suốt, an toàn, ổn định, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ cũng như sau khi Thông tư 35, 36 có hiệu lực thi hành cũng là một trong những yêu cầu cấp thiết của Ngân hàng Nhà nước đối với các đơn vị phát hành thẻ.
Duyên Duyên (Theo TNO, VOV, VNE)
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!