Vĩnh biệt Đạo diễn, NSND Hải Ninh

06/02/2013 06:27
Theo Minh Ngọc (Thanh Niên)
“Bác Hải Ninh đã đi rồi”, câu nói của người bạn khiến tôi lặng người đi. Từ tuần trước, tình trạng sức khỏe của ông đã rất xấu, nhưng có lẽ tin buồn này vẫn khiến những người yêu quý ông thảng thốt.
Hôm nay 5.2 là ngày buồn của nền điện ảnh Việt Nam khi hay tin đạo diễn, NSND Hải Ninh đã từ biệt cõi trần.

Năm ngoái, nhân thực hiện bài viết về phim chiến tranh Việt Nam, tôi có dịp được gặp gỡ, trò chuyện với ông thật lâu. Khi tôi xin phép được phỏng vấn cho bài viết, ông đã nhận lời và bảo rằng có nhiều điều muốn chia sẻ. 

Đạo diễn Hải Ninh và con trai Nguyễn Thanh Vân.
Đạo diễn Hải Ninh và con trai Nguyễn Thanh Vân.


Đã nhiều năm, hai vợ chồng ông sống cùng với vợ chồng con trai, đạo diễn Thanh Vân và Nhuệ Giang, trong ngôi nhà nhỏ ở Gia Lâm. Ông đón tôi với nụ cười hiền hậu. Và tôi vẫn nhớ như in cảm giác như được sống trong những bộ phim xưa của ông khi vừa bước vào phòng khách.

Những kỷ vật, hình ảnh của Em bé Hà Nội (NSND Lan Hương), nhân vật Dịu (NSND Trà Giang) của Vĩ tuyến 17 ngày và đêm… được ông lưu giữ cẩn thận và đặt ở những vị trí trang trọng nhất trong căn phòng.

Ông bảo: “Đề tài nào của cuộc sống trong điện ảnh cũng quan trọng, vấn đề là có sâu sắc, có hay hay không, chứ không phải đề tài lớn hay đề tài nhỏ”. Nhưng có lẽ với ông phim về chiến tranh đã là một phần cuộc sống, một phần máu thịt. Bởi ông là người gần như đi trọn cả cuộc chiến lớn của dân tộc.

“Bác sung sướng nhất là được gắn trọn vẹn cuộc đời mình với cách mạng, là người lính Vệ quốc đoàn khi mới 16 tuổi, rồi được cách mạng nuôi dưỡng trở thành người nghệ sĩ”, ông chia sẻ.

Điều ông tự hào hơn là bản thân đã vượt qua thử thách cùng những chặng đường lịch sử. Lần làm phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, đạo diễn Hải Ninh cùng người bạn là Hoàng Tích Chỉ đi thực tế ở Vĩnh Linh. Trên hai chiếc xe đạp, họ đồng hành cùng nhau vượt qua những chặng đường máu lửa từ Hà Nội vào tới Vĩnh Linh (Quảng Bình). Di chuyển chủ yếu vào ban đêm.Có lần hai người đi đến đèo Ngang vào lúc 1 giờ sáng. Ngày ấy, những ai đi từ Hà Nội tới Vĩnh Linh đã xứng đáng được phong là anh hùng.

Nhưng người đạo diễn không muốn nhận mình là người anh hùng. “Những tác phẩm ra đời không phải gán với ông này, ông kia mà là sản phẩm văn hóa chung của dân tộc. Tôi muốn khán giả trong nước và thế giới xem phim hiểu dân tộc Việt Nam đã đứng lên từ những cuộc chiến tranh như thế”, ông nói.

Ông mong những bộ phim của mình phản ánh hiện thực lịch sử chân thực, khách quan, được biến thành một sức mạnh năng lượng, truyền từ đời này sang đời khác. Và cho đến tận khi trò chuyện với ông, tôi vẫn thấy người đạo diễn mái tóc đã bạc phơ vẫn còn nhiều trăn trở với điện ảnh, với phim chiến tranh. Không phải chúng ta không đầu tư cho những bộ phim lịch sử lớn, nhưng ông buồn vì nhiều tác phẩm không mang tính văn hóa, mà đơn thuần chỉ là tuyên truyền. “Chính điều đó đã hạ thấp lịch sử, cuộc sống”, ông nói.

Những lời nói của ông giống như những lời căn dặn khiến tôi nhớ mãi: “Cháu còn trẻ mà quan tâm đến điện ảnh về chiến tranh là điều rất đáng quý”. Hôm ấy, đạo diễn Thanh Vân và Nhuệ Giang vắng nhà để thực hiện bộ phim Huyền thoại 1C. Ông nhắc đến con dâu và con trai với những lời trìu mến và đầy tự hào. Vì các con là những người được ông truyền tình yêu với điện ảnh và sẽ tiếp tục những bước dài thêm cuộc hành trình với điện ảnh mà ông đã gắn gần trọn cả cuộc đời.

Lễ viếng của đạo diễn, NSND Hải Ninh bắt đầu từ lúc 10-11 giờ ngày 7.2 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Đạo diễn, NSND Hải Ninh, sinh năm 1931 tại Hoằng Hoá, Thanh Hóa. Ông thuộc thế hệ đạo diễn đầu tiên của Trường Điện ảnh Việt Nam, nguyên là Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam.

Những tác phẩm điện ảnh tiêu biểu của đạo diễn:

Người chiến sĩ trẻ giải Bông sen vàng tại Liên hoan phim (LHP) VN lần I; Bằng khen của Hội Điện ảnh và của Đoàn Thanh niên Komxomon Liên Xô tại LHP quốc tế Matxcơva,

Rừng O thắm giải Bông sen bạc LHPVN lần I, 1970.

Vĩ tuyến 17, ngày và đêm giải Bông sen bạc LHPVN lần II, giải thưởng Hòa bình thế giới của Liên bang Xô viết tại LHP quốc tế Matxcơva

Em bé Hà Nội giải Bông sen vàng LHPVN lần II, 1973; giải đặc biệt của LHP quốc tế Matxcơva 1975. Thành phố lúc rạng đông, Giải thưởng Lớn (Grand Prix) của Nhà nước Đức trao tặng, 1975.

Mối tình đầu, giải Bông sen bạc LHPVN lần V, 1980; giải Đạo diễn xuất sắc, giải nhất chính thức tổ chức UNESCO tại Karlovy Vary, 1978; giải bạc LHPQT phim Tân hiện thực lần thứ 21 ở Ý, 1981.

Kiếp phù du, giải Bông sen bạc LHPVN lần IX, 1990.

Đất mẹ, Bằng khen LHPVN lần VI, 1983.

- Năm 1984, ông được tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.


Theo Minh Ngọc (Thanh Niên)