"Thấy những lĩnh vực của đất nước còn yếu kém thì xót xa, xấu hổ lắm"

09/02/2013 07:23
Tuấn Nam
(GDVN) - “Mỗi lần tiếp xúc với nhân dân lúc nào tôi cũng thấy người dân hớn hở, vui vẻ, bắt tay, lúc nào cũng động viên là phải cố gắng mà thấy chạnh lòng nhất là khi nhớ lại những lĩnh vực của đất nước còn khó khăn, thậm chí còn yếu kém so với các nước xung quanh và thế giới thì mình thấy xót xa lắm, xấu hổ lắm”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói.
LTS: Ngày 8/2, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có buổi trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Việt Nam. Sau đây, Giáo dục Việt Nam xin gửi tới độc giả toàn bộ buổi phỏng vấn trước thềm năm mới này.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Giải quyết vấn đề Biển Đông trên cơ sở ngoại giao hoà bình

PV: Thưa Chủ tịch nước, năm 2012, chúng ta đã chứng kiến hoàng loạt sự kiện ngoại giao sôi động cả song phương lẫn đa phương. Xin Chủ tịch nước cho biết những hoạt động đó đã đem lại nhưng kết quả cụ thể gì?

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Đại hội XI có một chủ trương hết sức quan trọng là chúng ta không chỉ hội nhập kinh tế quốc tế mà còn hội nhập toàn diện từ chính trị - đối ngoại đến kinh tế - thương mại - đầu tư đến văn hoá giáo dục, quốc phòng… tức là hội nhập toàn diện.

Và chúng ta đã khẳng định với bạn bè rằng Việt Nam là nước tin cậy có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế vì hoà bình, hợp tác, phát triển tất cả cùng có lợi. Việc này chúng ta đã tiến hành nhiều năm và ngày càng được bạn bè tin yêu, quý mến. 

Năm qua, tình hình kinh tế trong nước và thế giới  gặp nhiều khó khăn. Kết quả của công tác đối ngoại là nguồn ngoại lực góp phần quan trọng hợp với nguồn nội lực tạo ra sự phát triển của đất nước cả về kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh, chính trị, đối ngoại.

Năm qua, nhiều lãnh đạo cấp cao nước ngoài đến thăm và làm việc với lãnh đạo Nhà nước ta. Trong các cuộc gặp gỡ đó, ngoài việc tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau còn xây dựng được nhiều thoả thuận, hiệp định tạo ra xung lực hết sức quan trọng.

PV: Thưa Chủ tịch nước, năm vừa qua, dư luận hết sức quan tâm đến quyền chủ quyền, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Trong đó, Biển Đông là vấn đề hết sức phức tạp và chúng ta sẽ xử lý bài toán này như thế nào?

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Đảng và Nhà nước ta đã tuyên bố một cách rất rõ ràng lập trường của Việt Nam là mọi tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông phải được giải quyết trên cơ sở Luật pháp Quốc tế trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, thoả thuận các nguyên tắc giải quyết vấn đề Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), đồng thời thoả thuận đi đến ký kết một văn bản mới là COC (nâng giá trị pháp lý và sự ràng buộc lên tầm cao hơn). 

Về tư tưởng, phải giải quyết trên cơ sở hoà bình, hữu nghị thông qua con đường ngoại giao chứ không phải dùng vũ lực để giải quyết. Và người ta cũng thống nhất lập trường này.

"Chúng ta phải hội nhập"



Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp Tổng thống Nga Putin
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp Tổng thống Nga Putin

PV: Thưa Chủ tịch nước, trong Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam là một trong nước tham gia tương đối sớm. Vậy, Việt Nam đã tính toán được hết các đáp án trong tương lai?

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Trong quá khứ, khi tham gia Thoả thuận về Khu Thương mại tự do ASEAN (AFTA), chúng ta cũng bàn rất nhiều, rất lo sợ vì một nền kinh tế mới đi từ kế hoạch tập trung chuyển sang thị trường, một nền kinh tế Nông nghiệp đang Công nghiệp hoá gặp cạnh tranh thì mình sẽ thua thiệt nhưng rõ ràng không phải như vậy. 

Thứ hai là khi tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ở mức độ to lớn hơn, toàn cầu hơn, chúng ta lo sợ những sức mạnh của những nước khác rất lớn đè bẹp nền kinh tế Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam không phải do vào WTO mà chúng ta bị suy sụp, lạm phát. Nguyên nhân là do chính chúng ta, lãnh đạo và quản lý của chúng ta phải thừa nhận điều này. Chính vì thế mà Đảng chủ trương tái cấu trúc. Trong nền kinh tế thị trường, muốn có một tốc độ tăng trưởng cao thì phải có thị trường. Vậy thì chúng ta phải hội nhập, chúng ta phải mở cửa ra bên ngoài với một không gian rộng lớn.

Với TPP, những nước tham gia muốn tự do hoá thương mại mạnh hơn nhưng số lượng thành viên tham gia ít hơn. Rút kinh nghiệm 2 lần trước (tham gia AFTA và WTO) để củng cố thực lực của chúng ta, thắng lợi hay thất bại là do chính nội lực của chúng ta.

PV: Thưa Chủ tịch nước, để hấp thu có hiệu quả các nguồn lực cả từ trong nước và nước ngoài, chúng ta đã thực hiện những chính sách gì?

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Sau 20 năm đổi mới chúng ta có nhiều thành tựu và có ý nghĩa lịch sử. Nhưng đồng thời muốn đi vào giai đoạn tăng trưởng như thế hoặc cao hơn trong giai đoạn tiếp theo thì không thể chấp nhận sự hiện hữu của cơ sở hạ tầng như hiện nay.

Trong vấn đề đường bộ, nhất thiết phải có xa lộ chứ thế này thì không thể tải được. Về cảng biển cũng không được, những nước tiên tiến trong ASEAN, chi phí cho một đơn vị hàng hoá tại cảng của người ta bằng khoảng một nửa của chúng ta thì làm sao mà chúng ta cạnh trạnh được. Tóm lại là chúng ta phải đẩy nhanh tốc độ. Văn bản của Đảng và Nhà nước nói rất nhiều: có Nghị quyết, có kế hoạch rất nhiều và bây giờ lo triển khai. 

Vấn đề về thể chế thì rộng hơn. Đây là một trong 3 trọng tâm lớn mà Đại hội XI đã đề cập. Còn rất nhiều việc phải làm. Hiện giờ, sửa đổi bổ sung Hiến pháp 1992, sau khi có những văn bản chính thức rồi, được Quốc hội thông qua thì vào cuối năm 2013, một loạt các văn bản khác được triển khai khẩn trương.

Trong đó có một bộ phận thể chế rất quan trọng đảm bảo cho sự hoàn chỉnh thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là một mục tiêu với một khối lượng công việc khổng lồ. Tóm lại là nhân tố bên trong – nhân tố chủ quan phải rà soát hết sức khẩn trương từ từng doanh nghiệp, địa phương, từng ngành và toàn bộ nền kinh tế.

Món nợ của người lãnh đạo với nhân dân

PV: Thưa Chủ tịch, Chủ tịch đánh giá như thế nào về quá trình làm vững mạnh và tiếp tục củng cố lòng tin của nhân dân?

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Năm nay có một số sự kiện cho thấy sự quan tâm của nhân dân đối với hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước và Quốc hội đã tăng lên. Trong lần tiếp xúc cử tri gần đây nhất, nhân dân ca ngợi Quốc hội lắm. Với tư cách là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước là Quốc hội với ba chức năng, đây là nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng cao nhất của nhân dân và ngày càng đáp ứng được điều đó.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm hỏi bà con cử tri TP.HCM (Ảnh: Đào Ngọc Thạch)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm hỏi bà con cử tri TP.HCM (Ảnh: Đào Ngọc Thạch)

Chúng ta hết sức vui mừng nhưng chúng ta cũng không quên bên cạnh đó còn những nhược điểm cần phải nhớ để khắc phục và sửa chữa. Mỗi lần tiếp xúc với nhân dân lúc nào tôi cũng thấy người dân hớn hở, vui vẻ, bắt tay, lúc nào cũng động viên là phải cố gắng mà thấy cạnh lòng nhất là khi nhớ lại những lĩnh vực của đất nước còn khó khăn, thậm chí còn yếu kém so với các nước xung quanh và thế giới thì mình thấy xót xa lắm, xấu hổ lắm.

Xấu hổ thật chứ không phải mình lãnh đạo kém, mình để chuyện này chuyện kia xảy ra, nhân dân vẫn tin tưởng mình, tin tưởng chế độ, tin tưởng vào Đảng mà mình thấy yên tâm. Đó là món nợ lớn của những người lãnh đảo của Đảng và Nhà nước Việt Nam với nhân dân vốn đã đi theo Bác Hồ, theo Đảng trên 80 năm rồi.

PV: Bước sang năm mới, Chủ tịch nước có thông điệp gì gửi tới nhân dân?

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Chúng ta đang cố gắng hết sức 2 năm qua và kể cả năm 20113  là giai đoạn chúng ta tái cơ cấu nền kinh tế, chấp nhận mức độ tăng trưởng ở mức độ thấp hơn giai đoạn trước nhưng đồng thời phải thay đổi chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế để chuẩn bị tiền đề cho những giai đoạn sau: nhanh và bền vững hơn.

Tôi mong đồng chí, đồng bào cả nước hết sức nỗ lực phấn đấu trên mỗi cương vị khác nhau của mình để làm thế nào để thực hiện tốt mục tiêu Công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước mà cụ thể là những nhiệm vụ mà Quốc hội vừa rồi đã thông qua cho năm 2013, tạo tiền đề tốt hơn cho các giai đoạn tiếp theo.

Xin cảm ơn Chủ tịch nước!
Tuấn Nam