Theo thông tin từ Ban quản lý di tích danh thắng Yên Tử, lễ hội xuân Yên Tử năm nay, ngoài những nội dung truyền thống như khai mạc lễ hội, gióng trống, thỉnh chuông, lễ cầu quốc thái dân an và lễ đóng dấu thiêng Yên Tử, còn có nghi lễ đặc biệt: Công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt và trao Bằng Di tích quốc gia đặc biệt cho Khu di tích danh thắng Yên Tử.
Sự kiện này sẽ chính thức diễn ra vào tối 18/2/2013 (Tức ngày mùng 9 tháng Giêng năm Qúy Tỵ) tại chùa Trình - Yên Tử
Non thiêng Yên Tử đón Bằng công nhận di tích quốc gia đặc biệt. |
Du khách sẽ được thưởng thức màn biểu diễn nghệ thuật chào mừng của gần 400 diễn viên đến từ 3 đoàn nghệ thuật của tỉnh Quảng Ninh, tạo nên một không gian văn hoá đặc sắc cho mùa lễ hội Yên Tử năm nay.
Để chuẩn bị cho lễ hội Xuân Yên Tử, UBND TP Uông Bí đã chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai nhiều biện pháp nhằm đảm bảo cho buổi lễ diễn ra trang trọng, an toàn. Các tuyến đường từ quốc lộ 18 vào Khu di tích được chỉnh trang. Tăng cường cờ lễ hội, băng rôn giới thiệu về lễ hội dọc các trục đường chính của thành phố và trên tuyến đường vào Khu di tích Yên Tử.
Ông Trương Công Định ở Ban quản lí Di tích và rừng quốc gia Yên Tử cho biết. “Yên Tử được đưa vào quản lí từ 21 năm nay. Thời gian đầu do sự quản lí của nhà nước còn chưa chặt chẽ nên có xảy ra tình trạng ăn xin ăn mày, trộm cắp móc túi. Nhưng lâu nay, tình trạng này đã không còn nữa”.
Một góc chùa Hoa Yên trong quần thể khu di tích Yên Tử |
Về công tác đảm bảo an ninh trật tự, ông Định nói: “Yên Tử là một lễ hội lớn của Việt Nam, lượng khách về Yên Tử rất đông và tăng theo hằng năm, theo mùa. Chỉ tính riêng trong ngày mùng 4 Tết, Yên Tử đã đón trên 3 vạn lượt du khách. Như năm ngoái là có 2,5 triệu lượt khách, năm nay chắc chắn sẽ còn tăng lên.
Vì lượng du khách lớn nên năm nay, Công an TP Uông Bí cũng đã huy động 70 cán bộ chiến sĩ công an chuyên nghiệp, nâng tổng số gần 200 người tăng cường đảm bảo an toàn cho Lễ hội xuân Yên Tử. Trong số những chiến sỹ mặc quân phục còn có nhiều cảnh sát hình sự mặc thường phục nằm vùng tại các khu vực của Yên Tử, đảm bảo cho du khách gần như an toàn tuyệt đối khi đến đây”.
Để tránh tình trạng du khách bị “chặt chém” vào mùa lễ hội đến, UBND TP.Uông Bí đã ủy quyền cho Phòng Tài chính Uông Bí kết hợp cùng Ban quản lí họp các hộ kinh doanh và niêm yết giá, đặc biệt là các cửa hàng ăn uống lớn nên không có hiện tượng ‘chặt chém”. Ông Định cũng khẳng định thêm, nếu như du khách nào mà bị mua đắt ở đây và phản ánh lại với Ban quản lí, lập tức sẽ bị rút giấy phép kinh doanh và chấm dứt hợp đồng.
“Từ năm 2006 tại Yên Tử đã bỏ việc bán vé vãn cảnh. Du khách đến đây nếu như đi cáp treo thì mua vé chứ không mất một đồng tiền nào vẫn có thể đi bộ lên chùa Đồng và nhất tâm nhất bái”, ông Định cho biết thêm.
Núi Yên Tử là ngọn núi cao trong dãy núi Đông Triều vùng đông bắc Việt Nam. Núi thuộc xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Trên đỉnh núi thường có mây bao phủ nên ngày trước có tên gọi là Bạch Vân sơn hay Phù Vân Sơn. Núi Yên Tử cao 1.068 mét so với mặt nước biển. Tại vùng núi non Yên Tử tiên cảnh bồng lai này, vua Trần Nhân Tông (1258-1308) sau hai lần lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống giặc Nguyên - Mông thắng lợi đã rời bỏ ngai vàng, xuất gia về Yên Tử tu hành (năm 1299), lấy pháp hiệu Trúc Lâm Đại Đầu Đà, sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm. Yên Tử trở thành trung tâm của Phật giáo với một dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử, đặc trưng Phật giáo của Việt Nam.