Bài viết "Tứ đại ngu" và chuyện "Tứ đại kị" của ông nghị Phước

20/02/2013 07:22
Bùi Hải
(GDVN) - Mặc dù ông nghị Hoàng Hữu Phước đã chính thức xin lỗi công khai đại biểu Dương Trung Quốc trên báo chí, nhưng chắc hẳn câu chuyện sẽ không dừng ở đấy, vì nó mở ra nhiều điều về văn hoá chính trị, văn hoá nghị trường và văn hoá blog.
Nhưng thôi, chuyện ấy văn hoá xin để đến một dịp khác. Một điều thú vị khác đáng lưu ý nhất của vụ việc này là: Cơn bão lớn dư luận quét qua, lạ thay, đối tượng bị thiệt hại nặng nề nhất lại chính là người cố tình gây ra bão.
ĐBQH Hoàng Hữu Phước
ĐBQH Hoàng Hữu Phước
Chỉ cần bật điện thoại cầm tay nửa ngày và bỏ ra vài tiếng vào mạng internet, chắc chắn ông Phước đủ thấy siêu bão này giật trên cả cấp 13. Bão vu hồi. Với ông Dương Trung Quốc, rõ ràng, không cần đến những bài báo tâng bốc, thì công chúng đã biết ông cử nhân sử này là một tiếng nói có trọng lượng, sắc sảo và cả khôn khéo trên nghị trường. Hẳn nhiều người đã biết câu: Nhất Thước, nhì Trân, tam Lân, tứ Quốc. Cánh báo chí đã xếp hạng 4 nhân vật ăn to nói lớn nhất nghị trường: Tướng Nguyễn Quốc Thước, ông Nguyễn Ngọc Trân, ông Nguyễn Lân Dũng, ông Dương Trung Quốc, như vậy. Nhưng với ông nghị Phước thì lại khác. Muốn nổi lên trên bề mặt thông tin, thì  dường như ông phải vắt óc vạch ra "tứ đại ngu" của một ai đó. Nếu người đó rất nổi tiếng, thì hiệu quả nổi càng cao. Nhưng phương pháp đó khiến ông Phước sa vào "tứ đại kị" đối với một trí thức, đối với một người được nhân dân trao gửi. Cái đại kị đầu tiên là việc ông muốn chứng minh rằng mình sắc sảo chẳng kém gì ông Quốc. Vì vậy trong bài viết ông dùng nhiều cổ văn và viện dẫn rất nhiều từ Khổng Tử cùng vô số lý lẽ có vẻ thâm thuý khác để "bẻ gãy" những quan điểm của ông Quốc. Tuy nhiên vì muốn "sắc bén một cách đanh thép", nên ông đã dùng những hình tượng, ngôn từ xúc phạm, thậm chí miệt thị nặng nề "đối phương" - những điều hoàn toàn đi ngược lại với hành xử và tư tưởng trọng Lễ, Trí của thầy Khổng. Có thể ông Phước chưa kịp đọc đến đoạn Khổng Tử cung kính coi cậu bé 7 tuổi Hạng Thác là thầy chăng? Điều đại kị thứ hai, ông Phước chọn nổi tiếng theo kiểu "kẻ đốt đền", tức là bằng cách hạ thấp người khác, mà không biết rằng tên của những kẻ đốt đền không bao giờ được khắc trong bia đá mà phải treo lủng lẳng trên bia miệng. Chính nhân quân tử có hai cách để lên cao hơn người. Cách thứ nhất là bền bỉ xây cao nền tảng dưới chân mình. Cách thứ hai, nhanh hơn, là đào hố dưới chân người khác cho họ tụt xuống thấp hơn mình. Đương nhiên, ông Phước không lựa chọn cách thứ nhất. Điều đại kị thứ ba, ông là một nhà làm luật, thẩm định luật nhưng lại "bỏ qua" một số quy định tối thiểu của pháp luật. Điều 37 Bộ luật Dân sự đã chỉ rõ mỗi cá nhân có nghĩa vụ tôn trọng uy tín, danh dự nhân phẩm của các cá nhân khác.
Bài viết của ông Hoàng Hữu Phước về đại biểu Dương Trung Quốc trên blog đã được gỡ bỏ.
Bài viết của ông Hoàng Hữu Phước về đại biểu Dương Trung Quốc trên blog đã được gỡ bỏ.
Điều đại kị cuối cùng: Là một đại biểu Quốc hội nhưng ông lại không hành xử chính danh. Người đàng hoàng thường đi cửa chính chứ không tắt ngõ sau, nên ông Quốc buộc phải ngạc nhiên khi thấy bài viết của ông Phước đăng trên blog: "Tôi chưa lần nào thấy anh Phước trao đổi lại về những vấn đề anh ấy viết trong blog ở trên diễn đàn quốc hội". Như vậy, ông Quốc không được "đón tiếp" ông Phước tại "cửa chính". Nhưng cái không chính danh lớn nhất của ông Phước lại nằm ở chỗ ông không đại diện cho đông đảo nhân dân trong bài viết rất dài và nghiêm trọng đó. Khi phát biểu về một đại biểu quốc hội khác, khi đánh giá về những vấn đề nghị sự rất quan trọng của quốc hội một cách công khai trên mạng xã hội, thì ông Phước không chỉ đại diện CÔNG DÂN Hoàng Hữu Phước mà còn có trách nhiệm phải gìn giữ hình ảnh của ĐẠI BIỂU Hoàng Hữu Phước. Dùng tư cách đại biểu quốc hội - tư cách người đại diện cho cái chung để xả những ấm ức cá nhân, cay cú cá nhân, sự ganh đua cá nhân và quan điểm cá nhân, là điều đại kị đáng tiếc nhất. Đến thời điểm này, chắc chắn ông Phước cũng đã rất mệt mỏi, nhưng tôi lại mong rằng, ông không vì thế mà lặng lẽ, trầm lắng đi. Bầu không khí dân chủ, nóng bỏng của quốc hội sẽ tan loãng đi phần nào, nếu thiếu sự đa chiều, thẳng thắn, máu lửa, góc cạnh của các đại biểu. Chắc hẳn những người bầu ông cũng muốn sớm được nhìn thấy ông, mặt đối mặt với ông Quốc trên nghị trường, đối thoại đàng hoàng về những vấn đề mà họ đang đau đáu.
Bùi Hải