Vụ GS nói xấu về con người, văn hóa Việt Nam

“Tôi nghi ngờ phẩm chất và động cơ của vị GS xúc phạm Việt Nam"

22/02/2013 07:28
Viết Cường
(GDVN) - Đó là một trong những nhận xét của nhà báo, PGS,TS. Đức Dũng về bài báo “Dù ngày một khấm khá, khẩu vị ở Việt Nam vẫn độc nhất vô nhị” của ông Joel Brinkley…

Một bài viết quá ẩu

Những ngày qua, người dân Việt Nam ở trong nước và kể cả đông đảo Việt kiều đang sinh sống tại nước ngoài đã tỏ ra vô cùng bức bối trước bài viết của ông Joel Brinkley (Giáo sư, hiện đang giảng dạy báo chí tại Đại học Stanford và từng đoạt giải thưởng báo chí danh giá Pulitzer khi là phóng viên thường trú cho tờ New York Times) về con người và văn hóa Việt Nam.

GS, nhà báo Joel Brinkley, người đang bị "ném đá" vì bài viết thiếu chính xác về con người, ẩm thực Việt Nam
GS, nhà báo Joel Brinkley, người đang bị "ném đá" vì bài viết thiếu chính xác về con người, ẩm thực Việt Nam 

Sau những ngày đi du lịch ở Việt Nam, vào 29/1/2013 ông này viết bài báo có tiêu đề: Despite increasing prosperity, Vietnam's appetites remain unique (tạm dịch: Dù ngày một khấm khá, khẩu vị ở Việt Nam vẫn độc nhất vô nhị) đăng trên nhật báo lớn Chicago Tribune. Sau khi được đăng tải, ngay cả các đồng nghiệp của tác giả cũng nhận thấy đây là một bài viết có nhiều chi tiết thiếu chân thực…

Trước phản ứng mạnh mẽ của người dân Việt Nam cùng những sinh viên và đông đảo Việt kiều đáng đang học tập, sinh sống tại nước ngoài, chính vị giáo sư người Mỹ kia cũng đã nhận rằng: Ông ta viết như thế là không chính xác. Tuy nhiên, với cái cách nói: nếu như viết lại, ông ta “sẽ sửa hai nội dung là thói quen ăn thịt và tính hung hăng” vẫn cho thấy tính bảo thủ, cố chấp của tác giả.

Trò chuyện với PGS,TS. Đức Dũng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Báo chí và Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, ông tỏ ra rất bất bình: “Không thể tin được một nhà báo là giáo sư mà lại có thể viết ẩu đến thế!”…

Lối viết quy chụp, lạc lõng

PGS,TS. Đức Dũng nhận xét: “Bất cứ một dân tộc nào cũng sinh sống trên nền lịch sử của dân tộc họ. Thói quen, văn hóa được hình thành trên cơ sở của những truyền thống rất lâu đời. Muốn có được những nhận xét, đánh giá đúng về văn hóa ẩm thực Việt Nam thì cần phải có sự nghiên cứu công phu, tìm hiểu thấu đáo chứ không thể chỉ qua một vài chuyến đi du lịch hay một vài cuộc trao đổi với những người gặp trên đường đi…

Theo tôi, tác giả bài viết đã viết về những điều mà ông ta chỉ mới “thấy” chứ chưa “hiểu”. Cách ứng xử đó không giống với một một nhà báo, mà lại là nhà báo là giáo sư như ông Joel Brinkley. Hơn nữa, đây lại còn là một nhà báo đã từng đoạt giải thưởng Pulitzer khi còn là phóng viên thường trú của tờ New York Times”.

PGS TS Đức Dũng cũng cho rằng, trong bối cảnh như hiện nay, khi mà Chính phủ Mỹ, người dân Mỹ và Việt Nam đang ra sức cùng nhau phấn đấu, khép lại quá khứ đau buồn để hướng tới một mối quan hệ tốt đẹp hơn thì bài viết đó, cách nói đó thật lạc lõng.

“Theo tôi, viết như thế là lối viết đó quy chụp, thể hiện tầm nhìn thấp, không hiểu biết về văn hóa ẩm thực của Việt Nam nên đã có những suy luận nông cạn, nực cười” - PGS TS Đức Dũng nói.

Người viết không hiểu gì về văn hóa Việt

Ông nhận xét: “Văn hóa ẩm thực và văn hóa nói chung của người Việt Nam có rất nhiều điểm khác biệt với Mỹ và với phương Tây. Ở phương Tây người ta coi chó như một người bạn và không ăn thịt chó. Thậm chí, có nơi người ta còn xếp thứ hạng: thứ nhất là phụ nữ, thứ 2 là chó và thứ 3 mới đến đàn ông! Đó cũng là ứng xử văn hóa gắn liền với các quốc gia, dân tộc khác nhau”.

PGS TS Đức Dũng
PGS TS Đức Dũng

“Việc ăn thịt chó không có gì là đáng ngạc nhiên. Trong đời sống của người Việt, con chó, con lợn, con gà hay trâu bò là vật nuôi và người ta có thể ăn thịt.  Không chỉ trước đây mà cho ngày vẫn có những người Việt thích ăn thịt chó. Đó là điều rất bình thường”.

Trong tín ngưỡng của người Việt ta, rồng, phượng mới là những con vật linh thiêng. Điều này cũng giống như người Ấn Độ không ăn thịt bò, người theo đạo Hồi không ăn thịt lợn. Đó là những thói quen, tập tục xuất phát từ truyền thống văn hóa của từng dân tộc. Vì vậy, không thể đem áp đặt tiêu chí văn hóa của Mỹ hoặc của phương Tây để đánh giá một nền văn hóa khác – nhất là với văn hóa Việt Nam, một nền văn hóa đã có bề dày hàng nghìn năm lịch sử.

Nhìn rộng ra, ở Hàn Quốc người ta cũng ăn thịt chó. Thậm chí họ còn có cả một hiệp hội của những người ăn thịt chó. Nếu suy diễn như tác giả bài báo này thì cũng có thể kết luận người Hàn Quốc là một dân tộc hung hăng chăng?

Trước đây, tôi có đọc một bài viết cũng là của một tác giả người Mỹ. Trong bài viết đó, tác giả đã tỏ ra kinh ngạc khi nhận thấy người Việt Nam cũng rất quý chó, thậm chí có thể đánh chết những kẻ trộm chó. Tuy nhiên, họ lại cũng sẵn sàng ăn thịt chó.

Có vẻ như người này cũng không hiểu về văn hóa Việt. Người ta đuổi đánh kẻ trộm chó tức là đuổi đánh kẻ ăn trộm tài sản của mình. Không chỉ đối với kẻ trộm chó mà đối với kẻ trộm xe đạp, xe máy, trộm trâu, bò, lợn gà… cũng đều là trộm cả. Còn chuyện ăn thịt chó lại là chuyện khác. Ghán ghép giữa hai việc chẳng có liên quan đến nhau như thế, coi đó là nghịch lý hay mâu thuẫn quả là một sự so sánh rất khập khiễng.

“Tôi nghi ngờ phẩm chất nghề nghiệp và động cơ của tác giả”

Là một người đang nghiên cứu và giảng dạy về báo chí, PGS TS Đức Dũng tỏ ra không đồng tình với cách khai thác thông tin và viết bài của vị giáo sư kiêm cựu phóng viên New York Times kia.

Theo ông, lẽ ra tác giả bài báo này cần phải quan sát, phải suy nghĩ, nghiền ngẫm, so sánh, đối chiếu trước khi viết chứ không nên chỉ nhìn thấy mấy quán thịt chó, vài người ăn động vật hoang dã mà kết luận người Việt ăn nhiều thịt nên tính cách hung hăng. Nói như vậy rõ ràng là thiếu thận trọng, thậm chí là đã xúc phạm tới cả một đất nước, một dân tộc. Nhất là một dân tộc nổi tiếng về lòng nhân hậu, thân thiện và yêu chuộng hòa bình như Việt Nam

“Về mặt nghiệp vụ, tôi thấy bài viết đó quá ẩu. Một người viết báo phải dựa trên những cơ sở luận cứ chắc chắn, thậm chí phải chính mình thực hiện những cuộc điều tra, phải có bằng chứng tin cậy trước khi đặt bút viết” – PGS TS Đức Dũng nhận định

Ông cho rằng, trong nghề báo, không chỉ quan sát mà còn phải phỏng vấn, nghiên cứu tài liệu, kết hợp với việc phân tích, so sánh, đánh giá, tổng hợp mới hy vọng thu được những cứ liệu chân thực và điều quan trọng là khi đã thực sự tin tưởng thì hãy viết.

“Cách viết của vị giáo sư này giống như một người lần đầu tiên đi du lịch đến Việt Nam, nhìn thấy nhiều cái lạ, tuy chưa hiểu hết, chưa hiểu đúng nhưng vẫn hào hứng kể lại cho người khác nghe chứ không giống như cách viết của một nhà báo có nghề.

Do đó, bài viết ấy đã đem lại cho tôi cảm giác nghi ngờ về phẩm chất nghề nghiệp và động cơ của tác giả” - PGS TS Đức Dũng kết luận.


Viết Cường