Người Hà Nội có dám tẩy chay "bún mắng, phở chửi"?

26/02/2013 13:11
Theo Lao động
Hà Nội đâu có thiếu bún, thiếu phở vừa ngon, vừa được bán với nụ cười thân thiện! Các bạn hãy thử tẩy chay đồng loạt những chủ hàng hay mắng, hay chửi dăm bảy ngày xem họ có sập tiệm tất cả không?

“Miếng ăn là miếng nhục”. Để được thưởng thức các món đặc sản của Hà Nội, nhiều vị khách đã phải chịu đựng những lời chửi mắng thô lỗ của nhà hàng. “Cháo mắng”, “phở chửi”, “ốc lắm mồm”… đang được nhiều người nhắc tới như những thứ “thương hiệu” của thủ đô.

Mới đây, thậm chí phóng viên nước ngoài (AFP) Cat Barton cũng đã phải nhận xét là phở Hà Nội tinh tế, thanh lịch, nhưng được bán “ở những cửa hàng không sạch sẽ, với những người bán hàng thô lỗ”.

Thật tiếc, những “thương hiệu” giận nhiều hơn thương như vậy lại được gắn cho không ít những món đặc sản của thủ đô. Và cũng thật tiếc, khi sự tinh tế, thanh lịch của các món ăn lại chỉ chìm nghỉm xuống đáy bát, mà không chuyển sang được chút nào cho những con người làm ra và kinh doanh các món ăn đó. Tại sao lại có chuyện cười ra nước mắt như vậy?

Quán "phở xếp hàng" như thời bao cấp ở phố Bát Đàn, Hà Nội.
Quán "phở xếp hàng" như thời bao cấp ở phố Bát Đàn, Hà Nội.


Phở chửi đang là cái mốt ung nhọt của văn hóa Hà Nội

"Phở chửi" đang là cái "mốt" ung nhọt của văn hóa Hà Nội

Phóng viên Cat Barton của AFP chê người bán phở Hà Nội… thô lỗ!

Phóng viên Cat Barton của AFP chê người bán phở Hà Nội… thô lỗ!

Trước hết, như ruột thừa còn sót lại trong cơ thể con người, sự thô lỗ của người bán là sản phẩm còn sót lại của thời kỳ bao cấp khan hiếm và thiếu hụt. Sự khan hiếm và thiếu hụt biến người bán thành “thượng đế”, chứ không phải người mua. Mà đã là “thượng đế” thì làm gì chẳng được. Nói năng thô lỗ chỉ là “chuyện nhỏ như con thỏ”. Chuyện không mua được gạo (thịt, nước mắm, áo mayô…) mới là chuyện lớn hơn nhiều. Với công cuộc đổi mới, thời kỳ bao cấp “chết” đã từ lâu. Tuy nhiên, “ruột thừa” thì không khéo vẫn còn sót lại. Và có vẻ như nó đang bị viêm.

Hai là, bí quyết tạo ra độc quyền. Độc quyền dẫn đến tha hóa. Những người biết nấu những món đặc sản có một không hai, thường không phải lo bán hàng: “Không ăn của “bọ” thì đố tìm được ở nơi khác để ăn”. Không việc gì họ phải ngọt nhạt với khách hàng cả. Đã nghiện, thì đằng nào khách cũng phải trở lại. Và với lối suy nghĩ như vậy, họ ngày một trở nên hách dịch, thô lỗ.

Ba là, sự chấp nhận của khách hàng dung dưỡng sự thô lỗ của chủ hàng. Ăn “bún mắng”, “phở chửi”  thì đúng “miếng ăn là miếng nhục”. Tại sao các “thượng đế” của nền kinh tế thị trường - nền kinh tế chúng ta đang có - lại chấp nhận tình trạng nói trên? Chúng ta chấp nhận bị chửi, bị mắng chỉ để được ăn bún, ăn phở hay sao? Hà Nội đâu có thiếu bún, thiếu phở vừa ngon, vừa được bán với nụ cười thân thiện! Các bạn hãy thử tẩy chay đồng loạt những chủ hàng hay mắng, hay chửi dăm bảy ngày xem họ có sập tiệm tất cả không?

Thành phố Hà Nội đang triển khai quy chế ứng xử của người Hà Nội. Chúng ta hãy góp sức cùng thành phố triển khai quy chế này bằng cách nói không với tình trạng “miếng ăn là miếng nhục”.

* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!


Theo Lao động