"Phù phép" đất rừng Ba Vì thành thổ cư

27/02/2013 14:29
Theo Tiền Phong
Hàng chục ha đất đồi rừng, đất nông lâm trường tại Ba Vì - Hà Nội đã bị xẻ thịt làm biệt thự siêu sang mà “công” lớn thuộc về sự thiếu trách nhiệm của một số cán bộ địa phương. Nhiều khu đồi rừng tại Ba Vì đang đứng trước nguy cơ bị triệt hạ...

Những núi, biệt thự có khuôn viên rộng cả ngàn mét vuông nhìn ra hồ nước và thung lũng tại hai xã Yên Bài, Vân Hòa, huyện Ba Vì mọc lên từ làn sóng đi về hướng Tây (Hà Nội). Thông tin trục Thăng Long, đang để lại cho vùng đất này những núi rừng nham nhở.

Những biệt thự được hợp thức hóa sổ đỏ ở vùng đồi rừng Ba Vì. Ảnh: Minh Tuấn.
Những biệt thự được hợp thức hóa sổ đỏ ở vùng đồi rừng Ba Vì. Ảnh: Minh Tuấn.

Mua gom “đi tắt đón đầu”

Khu đồi Đá Bạc, một mảnh đất được dân đầu tư bất động sản liệt vào hàng “địa linh” thuộc xã Yên Bài cách đại lộ Thăng Long không xa.

Quả đồi có diện tích hàng chục ngàn m2 trước đây xanh mướt rừng keo nay đã biến mất, thay vào đó là 27 ngôi biệt thự đã xây xong phần thô với khuôn viên đất cho mỗi ngôi lên tới cả ngàn m2.

Người ta đã cho xẻ cả ngọn đồi, xây đường giao thông đủ hai chiều xe tránh nhau từ chân lên tới đỉnh đồi khá hoành tráng với cái tên là Green Villa.

Điều khiến nhiều đại gia sẵn sàng đổ tiền vào đây là vì từ khu biệt thự trên đồi Đá Bạc, chủ nhân của nó có thể phóng tầm mắt ra cả một vùng thung lũng phía dưới rộng bát ngát, đủ cả non nước hữu tình.

Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty CP Archi Land cho biết, để tạo nên những khu biệt thự có quần thể rộng lớn như vậy, cá nhân ông và một số cán bộ của công ty từ lâu đã phải bỏ tiền ra mua gom đất đã có sổ đỏ của cả chục hộ dân bản địa tại đây sau đó quy hoạch lại, làm thủ tục sang tên sổ đỏ theo phân lô quy hoạch rồi bán lại cho khách hàng.

Biệt thự xây trên đồi Đá Bạc, xã Yên Bài. Ảnh: Tuấn Minh.
Biệt thự xây trên đồi Đá Bạc, xã Yên Bài. Ảnh: Tuấn Minh.


Về thủ tục, người mua biệt thự sau khi mua đất sẽ ký hợp đồng xây biệt thự và hợp đồng dịch vụ quản lý với Công ty Archi Land. Giá bán cả đất và nhà cho một căn biệt thự rộng khoảng hơn 1.000 m2 từ 2,7 đến hơn 3 tỷ đồng.

Cũng theo ông Trung, để tránh phải làm thủ tục lập dự án phức tạp và kéo dài, ông và một số cán bộ công ty mua gom đất của dân với tư cách cá nhân rồi triển khai như một ban quản lý dự án.

“Chúng tôi ký hợp đồng với người dân địa phương và với khách mua biệt thự. Với khách mua, chúng tôi ký hợp đồng dịch vụ thông tin và hỗ trợ thủ tục pháp lý, sang tên sổ đỏ cho khách hàng và xây dựng căn biệt thự, đảm bảo hạ tầng quanh nhà, dịch vụ trông nom sau xây dựng”-ông Trung nói.

Tại xã Vân Hòa, 25 ngôi biệt thự nằm trong quần thể mang tên Tản Viên Villa, kết quả một phần từ làn sóng “đi tắt đón đầu” thông tin về trục Thăng Long. Toàn bộ khu biệt thự và khuôn viên trên đồi Bơn nhìn ra hồ Đập Đống từ trên cao có tổng diện tích 9 ha cũng được triển khai với phương thức tương tự khu biệt thự tại đồi Đá Bạc.

Ông Trung cho biết việc mua gom đất của người dân địa phương tại xã Vân Hòa cũng diễn ra với tư cách cá nhân và Cty Archi Land chỉ là đơn vị làm dịch vụ, bán hàng. Đơn vị xây dựng biệt thự là Cty CP Thiên An. “Tất cả các khu biệt thự đều thiết kế gara ô tô trong nhà, đi lại rất thuận tiện”- ông Trung cho hay.

"Phù phép" đất lâm nghiệp thành thổ cư

Bà Nguyễn Thị Quế, Chánh thanh tra xây dựng huyện Ba Vì cho rằng, sở dĩ xảy ra tình trạng xây biệt thự tràn lan trên đất đồi rừng vì chủ những lô đất này đã được UBND huyện cấp sổ đỏ trong đó có diện tích làm nhà ở lâu dài! Tại huyện Ba Vì, do chưa có quy hoạch xây dựng nên chưa cấp phép xây dựng.

Ngay cả khi hàng loạt biệt thự mọc lên, cả hai xã Vân Hoà và Yên Bài đều không có báo cáo gì đến thanh tra xây dựng.

Bí thư Đảng ủy Yên Bài Nguyễn Xuân Giúp: "Tôi sai vì đã quá tin vào anh em địa chính".
Bí thư Đảng ủy Yên Bài Nguyễn Xuân Giúp: "Tôi sai vì đã quá tin vào anh em địa chính". 


Năm 2011, sau khi thành lập, Thanh tra xây dựng huyện đã kiểm tra và phát hiện việc xây dựng biệt thự nhiều tại hai xã nên đã chủ động báo cáo UBND huyện.

Kết quả kiểm tra cho thấy khu đồi Đá Bạc đã có 27 căn biệt thự được xây dựng thành quần thể và khu hồ Đập Đống có 25 biệt thự lớn.

“Muốn xử lý được vi phạm về xây dựng nhà thì phải xử lý được cái gốc là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”- bà Quế kiến nghị.

Đồi Đá Bạc bị san phẳng để xây biệt thự.
Đồi Đá Bạc bị san phẳng để xây biệt thự.


Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Mể - Chủ tịch UBND xã Yên Bài, thừa nhận việc ông Nguyễn Xuân Giúp trước đây là Chủ tịch UBND xã (nay là Bí thư Đảng ủy xã Yên Bài) khi ký tờ trình gửi UBND huyện đề nghị cấp sổ đỏ cho các hộ mua đất tại khu vực đồi Đá Bạc đã “để lẫn cả đất rừng vào đất ở”.

“Anh Giúp thừa nhận đã ký hồ sơ, tờ trình gửi huyện và cái sai là đã không kiểm tra lại”, ông Mể nói.

Về phần mình, ông Nguyễn Xuân Giúp cho rằng để xảy ra những sai sót trong đề nghị cấp sổ đỏ cho các hộ dân xây biệt thự là do đã “quá tin vào anh em địa chính”.

Ông Hoàng Văn Lộc, Chủ tịch UBND xã Vân Hòa, khẳng định, dự án xây biệt thự trên đồi Bơn đã bị buộc phải dừng thi công đã 8 tháng nay và đã có trường hợp khách hàng mua biệt thự đến xã khiếu nại về một số vấn đề của dự án.

Cũng theo ông Lộc, những sai phạm trong quản lý đất đai và trật tự xây dựng tại 2 xã Vân Hoà và Yên Bài đã được Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội công bố kết luận tại trụ sở huyện ủy Ba Vì vào ngày 7/2/2013 vừa qua.

Kết quả kiểm tra cho thấy đất sử dụng xây biệt thự tại Yên Bài và Vân Hòa là đất lâm nghiệp và chưa được chuyển đổi thành đất ở theo đúng quy định của pháp luật. Nhiều quyết định của huyện và xã đã vượt quá thẩm quyền hoặc không đúng thẩm quyền, bao gồm cả việc cấp sổ đỏ cho các lô đất nêu trên...

* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!


Theo Tiền Phong