"Hy vọng Ban Kinh tế TƯ vào cuộc xung quanh vấn đề bauxite"

28/02/2013 07:23
Hồng Chính Quang
(GDVN) - TS. Lê Đăng Doanh cho rằng: “Việc hy vọng giá nhôm sẽ tăng lên trong một khoảng thời gian nào đó là một trong những căn cứ rất không vững chắc”. 
Sau khi Chính phủ có quyết định dừng dự án xây dựng cảng Kê gà (Bình Thuận) và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) có văn bản số 909 VINACOMIN-VP cung cấp thông tin chính thức về vấn đề dừng đầu tư cảng Kê Gà (Bình Thuận), xung quanh vấn đề này, TS. Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương nói:

“Tôi hoàn toàn không bất ngờ và ngay từ đầu tôi đã đồng ý với rất nhiều ý kiến về việc dự án bauxite là dự án khó phát huy hiệu quả và tính toán cùng những căn cứ của dự án có nhiều điểm chưa đủ tin cậy. Bây giờ việc dừng lại dự án cảng Kê Gà còn đỡ hơn là dừng lại sau vì nếu không thì đâm lao phải theo lao và cứ phải theo mãi...”.
TS. Lê Đăng Doanh (Ảnh: B.D)
TS. Lê Đăng Doanh (Ảnh: B.D)

Tin rằng giá alumin sẽ tăng?

"Với xu thế nền kinh tế thế giới đang phục hồi, Tập đoàn tin chắc rằng ngành công nghiệp sản xuất nhôm sẽ tăng trở lại và việc giá alumin sẽ gia tăng là hiện thực (có thời điểm năm 2008 giá alumin đã đạt mức 500 USD/tấn)...

Với các yếu tố thuận lợi nêu trên cùng các biện pháp tăng cường công tác quản lý, tiết giảm chi phí và cơ chế chính sách thuế, phí hợp lý, về lâu dài, chúng tôi tin rằng dự án Tân Rai- Lâm Đồng, mặc dù với tính chất là dự án thử nghiệm, nhưng sẽ có hiệu quả kinh tế, đặc biệt là hiệu quả kinh tế-xã hội tổng thể" Vinacomin bày tỏ sự lạc quan.


(Theo Vinacomin)

Trước niềm tin của Vinacomin về việc chắc rằng ngành công nghiệp sản xuất nhôm sẽ tăng trở lại và việc giá alumin sẽ gia tăng là hiện thực, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng: “Việc hy vọng giá nhôm sẽ tăng lên trong một khoảng thời gian nào đó là một trong những căn cứ rất không vững chắc”. 

Ông Doanh nói: “Bây giờ hãy so sánh giá nhôm của chúng ta với giá nhôm của các nước trong khu vực thì thấy rõ giá nhôm trong nước kém hơn. Giá nhôm của chúng ta không thể cạnh tranh được vì chi phí vận tải rất cao. Có ai vận tải bằng ô tô trong quãng đường dài như thế đâu… Ngoài các chi phí về vận tải còn các chi phí về bảo vệ môi trường cũng rất quan trọng”.

TS. Doanh cho rằng căn cứ Vinacomin đưa ra để tiếp tục dự án có tính chất cá biệt và mong manh, không có gì bảo đảm là sẽ diễn ra. Trong khi đó thì các chuyên gia đã phân tích giá alumin so với các nước trong khu vực và các chi phí giá thành, sao Vinacomin không đi vào lập luận việc đó mà họ lại đưa ra một câu chuyện hoàn toàn xa vời, không ai biết trước được. Họ đang đặt cược một quyết định bằng 1 câu hỏi rất lớn cho tương lai mà không ai có thể định đoạt được.

Vị chuyên gia kinh tế này bày tỏ hy vọng: “Ban Kinh tế Trung ương hãy có ý kiến ngay về một loạt các vấn đề hết sức quan trọng với nền kinh tế Việt Nam như vấn đề về điều khiển vàng, vấn đề bauxite, vấn đề Vinashin, Vinalines… Tôi cũng hy vọng và tha thiết đề nghị Quốc hội quan tâm đến những vấn đề này vì các vấn đề này có tầm quan trọng rất lớn đối với nền kinh tế trong tương lai”.

Cầu sập ai chịu trách nhiệm ?

Trước thông tin Chính phủ quyết định dừng xây dựng cảng Kê Gà, thì Đồng Nai lại càng thêm lo lắng trước áp lực vận chuyển bauxite khi hạ tầng giao thông xuống cấp nghiêm trọng.


Trước đây, trong khi chờ đợi xây dựng cảng Kê Gà, thì Vinacomin tính toán sẽ vận chuyển bauxite từ Tân Rai (Lâm Đồng) về cảng Gò Dầu (Đồng Nai) theo lộ trình dài 210 km: Từ tỉnh lộ 725 - QL 20 - tỉnh lộ 769 - QL51 ra cảng Gò Dầu.


Đầu tháng 1.2012, làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai, Vinacomin thông báo, 6 tháng đầu năm 2013, khi nhà máy hoạt động hết công suất thì mỗi ngày có khoảng 300 chuyến xe (khoảng 40 tấn/xe - PV) vận chuyển sản phẩm từ Lâm Đồng xuống cảng Gò Dầu.


Tại buổi làm việc, ông Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai lo ngại vì toàn tuyến có 16 chiếc cầu yếu, trong đó dài nhất là cầu La Ngà (ảnh) và cầu này chỉ có tải trọng 25 tấn. Còn đại tá Huỳnh Tiến Mạnh, Phó giám đốc Công an Đồng Nai cho biết, CSGT đã lập biên bản một số xe chở than lên nhà máy bauxite do có trọng tải lên đến 43 tấn, gần gấp đôi sức chịu của cầu La Ngà. “Cầu La Ngà này đã đứt dây cáp một lần, nếu tiếp tục cho xe quá tải qua, sập cầu, ai chịu trách nhiệm?” - đại tá Mạnh nói.

(Theo Thanh niên)

Hồng Chính Quang