Hải quân Trung Quốc chuẩn bị biên chế tàu tiếp tế cỡ lớn

02/03/2013 09:42
Đông Bình
(GDVN) -"Trung Quốc có tham vọng xây dựng lực lượng quân sự mang tính toàn cầu, chỉ đứng sau Mỹ về số lượng tàu chiến...".
Tàu tiếp tế tổng hợp Thiên Đảo Hồ (AOE-886) Type 903 lớp Phúc Trì, Hải quân Trung Quốc.
Tàu tiếp tế tổng hợp Thiên Đảo Hồ (AOE-886) Type 903 lớp Phúc Trì, Hải quân Trung Quốc.

Hiện nay Trung Quốc đang phát triển máy bay vận tải hạng nặng và tàu tiếp tế vốn bị coi nhẹ trong thời gian dài, điều này đã tăng cường khả năng hỗ trợ quân sự cho Trung Quốc trong áp đặt chủ quyền lãnh thổ và bảo vệ các lợi ích của họ ở nước ngoài.

Có chuyên gia phân tích quốc phòng cho rằng, so với máy bay chiến đấu có tính năng cao, tên lửa tầm xa hoặc tàu chiến dũng mãnh, sự xuất hiện của “lợi khí” vận tải không đủ để gây ra căng thẳng mang tính khu vực với mức độ gay gắt như các loại vũ khí trước. Nhưng, nó là một khâu quan trọng trong xây dựng gần 30 năm qua của Quân đội Trung Quốc.

Theo thời gian, lực lượng tiếp tế trên không và trên biển có thể mở rộng vùng hoạt động cho Hải quân Trung Quốc, đồng thời tăng cường khả năng hỗ trợ chiến trường xa cho Quân đội Trung Quốc.

Những bức ảnh trên các trang mạng quân sự và blog cho thấy, năm 2012, 2 nhà máy đóng tàu Trung Quốc đã khởi công chế tạo 2 tàu tiếp tế 903 lớp 23.000 tấn, hơn nữa đơn đặt hàng tiếp theo có số lượng nhiều hơn đang được tiến hành.

Có chuyên gia cho rằng, những tàu chiến này đang được tiến hành chạy thử, sẽ trang bị cho Hải quân Trung Quốc vào cuối năm nay.

Tàu tiếp tế tổng hợp Vi Sơn Hồ (AOE-887) Type 903 lớp Phúc Trì, Hải quân Trung Quốc.
Tàu tiếp tế tổng hợp Vi Sơn Hồ (AOE-887) Type 903 lớp Phúc Trì, Hải quân Trung Quốc.

Tháng trước, Trung Quốc thừa nhận, Quân đội Trung Quốc đã tiến hành bay thử lần đầu tiên đối với máy bay vận tải hạng nặng Y-20 ở căn cứ không quân Diêm Lương.

Đài truyền hình của chính quyền Trung Quốc đã phát sóng quá trình cất/hạ cánh của máy bay vận tải nội địa lớn nhất trang bị 4 động cơ này.

Theo truyền thông chính thống, máy bay Y-20 do Công ty chế tạo máy bay Tây An của Công nghiệp hàng không Trung Quốc sản xuất, tải trọng hiệu quả đạt 66 tấn.

Sự xuất hiện ầm ĩ của máy bay vận tải và tàu tiếp tế Trung Quốc tiếp tục phản ánh tham vọng xây dựng lực lượng quân sự mang tính toàn cầu của Trung Quốc. Điều này rõ ràng khác với mục tiêu an ninh truyền thống của họ - bành trướng hoặc bảo vệ tuyến đường biên giới lãnh thổ mà nước này tuyên bố.

Một giáo sư tại Học viện chiến tranh hải quân Mỹ cho rằng: “Họ đang phát triển khả năng điều động binh lực, đây là điều chắc chắn”. Chi tiêu quân sự của Trung Quốc tăng trưởng liên tục gần 30 năm qua giúp cho Hải quân Trung Quốc vươn lên trở thành lực lượng hải quân lớn thứ hai thế giới về số lượng, chỉ sau Mỹ.

Tàu tiếp tế Type 903 của Hải quân Trung Quốc
Tàu tiếp tế Type 903 của Hải quân Trung Quốc

Mặc dù vậy, tàu chi viện hoặc tiếp tế của các nhà máy đóng tàu Trung Quốc còn lạc hậu xa so với trình độ của tàu chiến. Hiện nay, Trung Quốc chỉ có 5 tàu tiếp tế chủ lực, trong khi đó hoạt động tuần tra trên biển Hoa Đông và biển Đông của các hạm đội Trung Quốc ngày càng nhiều. Theo số liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ, Mỹ sở hữu 34 tàu tiếp tế cỡ lớn, cung cấp tiếp tế cho 140 tàu chiến mặt nước.

Biên đội tàu chiến Trung Quốc tiến hành nhiệm vụ tấn công cướp biển của Liên Hợp Quốc, hàng năm đến vịnh Aden và vùng biển Sừng Châu Phi để hộ tống, những hành động này đã làm cho khả năng tiếp tế hiện có của Trung Quốc gặp phải thách thức. Quân đội Trung Quốc cho biết, 3 tàu tiếp tế mạnh nhất hiện có của Trung Quốc đang đối mặt với nhiệm vụ tiếp tế thường xuyên, liên tục.

Đông Bình