“Ông trùm” của các "ông trùm" giang hồ về ở ẩn
Năm nay đã ngoài 70 “xuân xanh” nhưng “ông trùm” giang hồ từng khiến lực lượng chức năng phải mất rất nhiều công sức mới có thể bắt gọn ấy vẫn rất minh mẫn và nhanh nhẹn. Tưởng chừng như cuộc đời của “lão trùm” ấy mãi mãi sẽ chìm đắm trong tội ác, thù hận và chết chóc nhưng mọi thứ bỗng nhiên lại thay đổi… mà ông không hề đoán định trước được.
Nói đến bãi giữa sông Hồng, có lẽ chẳng mấy ai xa lạ là nơi những người vô gia cư đến sinh sống qua ngày đoạn tháng. Nơi đây cũng là nơi tụ hội của nhiều mảnh đời lầm lỗi một thời nay muốn “ở ẩn” để sống nốt quãng đời còn lại, xa lánh cuộc sống bình thường nơi phố thị. Thành “sói” cũng như vậy, sở dĩ ông có cái tên như vậy là vì suốt quãng đời tuổi trẻ của mình, lão đại ca này từng là nỗi kinh hoàng với đám giang hồ suốt từ miền Trung ra tới miền Bắc với đám con nhang đệ tử lên đến vài trăm tên. Đám đầu trâu mặt ngựa dưới quyền của “đại ca” Thành “sói” một thời lúc đó rất manh động sẵn sàng dùng hàng “nóng” để thanh toán các đối thủ nên đi đến đâu là nỗi khiếp sợ ở đó trước khi bị triệt phá.
"Đại ca" Thành "sói" khét tiếng một thời này ở ẩn ở bãi giữa sông Hồng |
Từng được giới giang hồ sợ như cọp như vậy nhưng hiện nay, “ông trùm’ của đám cô hồn những năm 80 của thập kỷ trước lại sống một cuộc đời cô đơn chẳng ai biết tới.
Tôi men theo đường xuống xóm của những người dân bãi giữa sông Hồng, tìm đến nhà trùm giang hồ một thời Thành “sói” không mấy khó khăn. “Căn hộ” của ông Thành “sói” thực chất là một chiếc thuyền nhỏ xíu được căng bạt kín mít nằm sát bờ sông.
Mặc dù đã ngoài thất thập nhưng “lão đại ca” năm nào vẫn rất nhanh nhẹn mời tôi vào nhà và rất thân thiện giống phong thái của một người có học hơn là một đại ca giang hồ. Thoạt gặp hẳn chẳng ai nghĩ ông Thành “sói” từng cầm đầu một băng đảng giang hồ khét tiếng đến như vậy.
Khi biết tôi muốn viết về cuộc đời của một đại ca giang hồ khét tiếng như vậy nay đã hoàn lương, ông Thành “sói” có đôi chút ngập ngừng nhưng sau đó dần dần cũng mở lòng hơn để kể cho tôi nghe về cuộc đời của một lão giang hồ cộm cán một thời.
Nhấp ngụm nước chè chát, ông Thành “sói” kể, vào năm 1975, sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông được giới thiệu vào làm kiểm lâm ở một huyện miền núi của tỉnh Nghệ An. Lúc đó, cả nước đang trong thời kì khó khăn sau chiến tranh.
Năm nay đã hơn 70 tuổi nhưng "đại ca" Thành "sói" vất rất minh mẫn |
Cuộc sống kham khổ đã khiến lòng tham không đáy trong người ông Thành “sói” trỗi dậy để đẩy ông vào con đường đầy tội lỗi sau này. Thay vì thực thi nhiệm vụ bảo vệ rừng, ông lại cấu kết với hàng loạt những đường dây lâm tặc chặt trộm gỗ quý tuồn ra thị trường để bán kiếm lời. Tuy nhiên, sự đời chẳng như mong muốn, đi đêm lắm có ngày gặp ma, ông đã bị tóm gọn và bị bắt giam 3 tháng sau đó là bị đuổi khỏi ngành.
Cuộc đời làm đại ca giang hồ của ông Thành “sói” cũng bắt đầu từ sau lần dính chàm ấy. Thay vì hối cải tìm công việc đàng hoàng, đại ca Thành “sói” bắt đầu thành lập một băng nhóm lâm tặc khác với số lượng lên đến vài trăm tên.
Tầm ảnh hưởng của Thành “sói” lớn đến độ khắp dọc khu vực miền Trung những năm 80 của thế kỷ trước ra đến miền Bắc, đâu đâu cũng nổi lên danh tiếng Thành “sói” bởi sự khôn ngoan, liều lĩnh và đặc biệt là có đám đệ tử cô hồn sẵn sàng chém giết bất kì ai cản đường. Chẳng mấy chốc Nguyễn Văn Thành trở thành trùm lâm tặc khét tiếng thời đó.
“Có lần hàng được chuyển về xuôi bị kiểm lâm huyện Con Cuông (Nghệ An) bắt thu về đồn. Tối hôm đó tôi huy động hàng chục đàn em đến quây đồn, dùng lựu đạn và súng cướp lại hàng”, ông Thành “sói” kể về một trong những chiến tích phi pháp và đẫm máu của mình.
Manh động và rất nguy hiểm như vậy, nhưng vỏ quýt dày ắt có móng tay nhọn xử lý, tung hoành ngang dọc “coi trời bằng vung” đến năm 1989, đường dây lâm tặc xuyên các tỉnh của Thành “sói” cầm đầu cuối cùng cũng bị công an bắt gọn. Vào thời đó, phải rất vất vả công an hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An mới có thể vây bắt được băng nhóm của Thành “sói”. Sau đó, Nguyễn Văn Thành bị tuyên phạt 20 năm tù, bị giam giữ tại Thanh Hóa sau chuyển sang Yên Khánh (Ninh Bình).
“Do cải tạo tốt tôi được đặc xá ra tù trước thời hạn. Năm 2001 tôi được ra tù. Về quê ở Từ Sơn, Bắc Ninh thì chẳng còn ai thân thích. Vợ thì đi lấy chồng khác, bố mẹ già cũng đã mất. Đến lúc đó tôi mới ngộ ra được nhiều thứ quí giá của cuộc đời nhưng đã quá muộn mất rồi”, lão đại ca giang hồ một thời bỗng trầm ngâm nhìn về phía dòng nước sông Hồng chảy xiết.
Chẳng còn chốn nương thân, ông Thành “sói” lang thang khắp nơi làm thuê kiếm từng đồng sống qua ngày đoạn tháng. Thời gian cứ thế trôi đi, rất ít người ở những nơi lão đại ca Thành “sói” từng làm biết được quá khứ đầy tội lỗi và đẫm máu sau những vụ thanh toán của ông.
Có lẽ suốt những năm sống trong tù tội đã khiến ông Thành “sói” luyện được sự kiên nhẫn để không bước vào đó thêm một lần nào nữa cho đến tận cuối đời. Sau ít năm làm thuê làm mướn, ông Thành “sói” nay đã tậu được một chiếc thuyền rồi ra bãi giữa sông Hồng làm nơi neo đậu tuổi già cũng là nơi sẽ kết thúc cuộc đời hoàn lương của một lão giang hồ cộm cán một thời.
Trùm giang hồ 70 tuổi còn “nhặt” được vợ
Tưởng chừng sẽ sống cô đơn đến hết cuộc đời của mình thế nhưng lão đại ca giang hồ một thời bỗng dưng lại có… vợ. Câu chuyện ông lão ngoài 70 “nhặt” được cô vợ 24 tuổi để rồi chung sống với nhau đã trở thành một đề tài khiến cả cái xóm chài bỗng có nhiều chuyện để nói.
Mặc những lời dị nghị, dè bỉu rồi lời bàn ra tán vào, ông lão tuổi thất thập từng coi trời bằng vung vẫn quyết tâm làm chỗ dựa tinh thần cho người đàn bà bất hạnh mà lão “nhặt” được.
Thực ra khi tôi nhắc đến chuyện lão có “vợ nhặt”, ban đầu lão tìm cách lảng tránh nhưng chối mãi không được, lão đành kể về cô vợ đáng tuổi cháu của mình nhưng vẫn tỏ thái độ ngại ngùng như không muốn nhắc lại.
Rít điếu thuốc lào, lão đại ca Thành “sói” trầm ngâm kể, câu chuyện xảy ra hơn một năm về trước, khi mọi người còn chìm trong giấc ngủ thì ông đã giong chiếc thuyền nhỏ đi thả lưới để kiếm cơm. Khi cập sang bờ bên kia Gia Lâm, ông bỗng thấy một bóng người ngồi bên bờ và có tiếng khóc.
Bỗng bóng người ấy nhảy thẳng xuống dòng sông đang chảy xiết, mặc dù tuổi đã cao nhưng không ngại ngần dòng nước sâu, ông Thành lao mình xuống cứu, vớt lên thì phát hiện đó là một cô gái trẻ, tuổi đời chỉ trên dưới 20 tuổi. Phải dỗ dành mãi cô gái mới nói mình tên Thơm, quê huyện Thanh Sơn, Phú Thọ.
Thở dài khi nhắc về chuyện của Thơm, ông Thành kể, cô gái tên đầy đủ là Nguyễn Thị Thơm ấy xuống Hà Nội làm thuê làm mướn trước đó đã khoảng 3 năm có lẻ. Thơm chỉ mới học hết lớp 5 đã phải bỏ học. Lên Hà Nội Thơm bưng bê cho một quán bia. Tại nơi làm việc ấy, Thơm đã trót đem lòng yêu một gã trai lừa đảo. Đạt được mục đích, gã trai ấy đã bỏ cô gái với cốt nhục của mình lúc đó đã được 4 tháng. Uất hận vì bị phụ bạc, Thơm đã quyết định tự tử. Nhưng rất may lại được ông Thành cứu vớt được.
“Cảm kích ơn cứu mạng của tôi lại biết tôi ở có một mình nên cô ấy muốn chăm sóc tuổi già cho tôi. Thực ra, chính bản thân tôi cũng không muốn đứa trẻ trong bụng cô ấy sinh ra mà không có bố. Nghĩ tội cho cháu nó quá nên tôi đã nhận lời làm cha của đứa trẻ để nó không phải là một đứa trẻ mồ côi”, ông Thành nói.
Ông Thành "sói" và "căn hộ' của mình ở bãi giữa sông Hồng |
Thực ra, những ngày đầu, biết tin Thơm đi “cưới” một ông thuyền chài còn nhiều hơn bố đẻ đến 13 tuổi, cả gia đình nhà Thơm đã kịch liệt phản đối. Nhưng sau khi biết chuyện mọi người dần cảm thông và cũng đồng ý để Thơm ở lại cùng ông Thành “sói”.
“Cuộc đời tôi nếm trải biết bao cay đắng ngọt bùi rồi còn gì mà phải tham hay ham hố nữa chứ. Mẹ con nó độ này về ngoại rồi. Ở đây bất tiện nên cho về một thời gian cho thoải mái”, ông Thành thở dài thườn thượt.
Sóng nước sông Hồng vẫn vỗ rì rào vào mạn thuyền của ông Thành “sói”. Lúc này trời đã bắt đầu nhá nhem tối, ông Thành “sói” lọ mọ đi tìm chiếc đèn bão leo lét để thắp sáng khoảng không bên trong chiếc thuyền nhỏ xíu của mình. Bước chân ra khỏi chiếc thuyền nhỏ xíu ấy, trước mắt tôi giờ là một khoảng không khác rộng lớn hơn đen kịt màu đen của bóng tối đang dần ngự trị nơi bãi giữa mịt mùng không một ánh đèn…
Ở phía xa xa, nơi thành phố Hà Nội, đèn cao áp cũng đã thắp sáng, dòng người vẫn hối hả trở về nhà với niềm vui cùng bữa cơm gia đình. Có lẽ những con người đó sẽ chẳng bao giờ có thể tưởng tượng ra cảnh những con người cô độc nơi bãi giữa sông Hồng như ông Thành “sói” đang “đếm ngày sống, đợi ngày chết” trong màn đêm đen mịt mùng…
Ở phía xa xa, nơi thành phố Hà Nội, đèn cao áp cũng đã thắp sáng, dòng người vẫn hối hả trở về nhà với niềm vui cùng bữa cơm gia đình. Có lẽ những con người đó sẽ chẳng bao giờ có thể tưởng tượng ra cảnh những con người cô độc nơi bãi giữa sông Hồng như ông Thành “sói” đang “đếm ngày sống, đợi ngày chết” trong màn đêm đen mịt mùng…
Hoàng Lâm