LTS: Sau khi có dư luận phản ứng, quy định xử phạt đối với người đi xe không sang tên đổi chủ và không nộp phí bảo trì đường bộ trong Nghị định 71/NĐ-CP đã được tạm dừng áp dụng. Và vấn đề về thời gian bắt đầu áp dụng quy định này đang được dư luận hết sức quan tâm qua việc Bộ GTVT tổ chức lấy ý kiến về Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông. Bà Bùi Thị An – Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội đã có cuộc trao đổi với Giáo dục Việt Nam về vấn đề này.
Bà Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội (Ảnh: Đại đoàn kết) |
PV: Vừa Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến về Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, trong đó có quy định mức phạt đối với người đi xe không sang tên đổi chủ và không nộp phí bảo trì đường bộ áp dụng từ ngày 1/7. Bà nghĩ như thế nào về thời điểm áp dụng này?
ĐB Bùi Thị An: Quy định của pháp luật đã có từ lâu như vừa qua, công tác tuyên truyền giáo dục của chúng ta còn chưa tốt. Nhưng tôi cho rằng thời điểm 1/7 như trong Nghị định được đưa ra để lấy ý kiến như vậy là hơi gấp vì như báo chí đã đưa tin, còn nhiều xe chưa sang tên đổi chủ. Các cơ quan chức năng nên kéo dài thời gian ra hơn một chút để người dân chủ động thực hiện luật.
PV: Như bà nói, còn rất nhiều xe chưa sang tên đổi chủ như vậy, liệu từ giờ đến 1/7 (còn chưa đầy 5 tháng nữa) có đủ thời gian cho người dân thực hiện việc sang tên đổi chủ với tình hình như hiện nay?
ĐB Bùi Thị An: Tôi nghĩ rất khó để có thể sang tên đổi chủ hết được bởi vì còn một lượng rất lớn xe chưa sang tên đổi chủ. Theo tôi, nên kiến nghị mức thuế, phí chuyển tên đổi chủ giảm nữa để tạo điều kiện cho người dân có điều kiện thực hiện pháp luật.
Về mặt tâm lý, không người dân nào không muốn mình đứng tên những vật có giá trị như ô tô hay xe máy cả. Nhưng đây là thời điểm người dân không có nhiều tiền và gặp khó khăn theo tình hình kinh tế chung.
Những người có nhiều tiền thì đã không mua xe cũ. Với những người lao động thì họ thường phải mua xe cũ để phù hợp với túi tiền của mình. Nếu quyết áp dụng Nghị định theo đúng thời gian thì vẫn thực hiện được nhưng sẽ khó khăn cho người dân.
PV: Được biết trong Nghị định đang được lấy ý kiến này quy định phạt tiền 100.000 - 200.000 đồng đối với cá nhân là chủ xe môtô, xe gắn máy; 200.000 - 400.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe môtô, xe gắn máy; phạt tiền 2 - 4 triệu đồng đối với cá nhân là chủ ôtô và các loại xe tương tự ôtô, từ 4 - 8 triệu đồng đối với tổ chức là chủ ôtô và các loại xe tương tự ôtô vi phạm. Bà thấy mức phạt này có hợp lý?
ĐB Bùi Thị An: Mức phí đối với xe máy: 100.000 đồng là phù hợp, còn mức 200.000 đồng thì hơi cao… Nhưng tôi nghĩ rằng cái chính là đừng để phải phạt dân chứ nếu một người vì điều kiện khó khăn mà chưa sang tên đổi chủ được mà bị kiểm tra liên tiếp trong 1 tuần vài ba lần thì số tiền bị phạt cũng không nhỏ so với thu nhập của họ. Chính vì thế, cơ quan chức năng cần tạo điều kiện cho người dân thực hiện luật.
PV: Theo bà có nên để cho CSGT thực hiện việc xử phạt người vi phạm quy định không sang tên đổi chủ và không nộp phí bảo trì đường bộ hay không?
ĐB Bùi Thị An: Về mặt quản lý, nếu CSGT phát hiện việc vi phạm và chuyển sang một cơ quan khác để xử lý thì tốt hơn. Việc này cũng giống như phân việc cho một người làm thủ quỹ và người làm kế toán tách ra thì sẽ rất ít chuyện tham ô. Và thêm nữa, việc này sẽ bớt bận cho CSGT.
Trân trọng cảm ơn bà đã trả lời phỏng vấn!
Tuệ Minh