GĐ bệnh viện tâm thần nói về chủ nhà hàng kỳ thị người Việt

07/03/2013 07:22
N. Huệ
(GDVN) - “Việc nhà hàng Việt không tiếp… người Việt” là có nhiều yếu tố chứ không chỉ riêng yếu tố tâm lý. Nhưng hành động miệt thị dân mình trên chính đất nước mình thì đó là một hành động đáng lên án và thiệt thòi đầu tiên sẽ thuộc về chính nhà hàng đó, bác sĩ Lý Trần Tình, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội chia sẻ.

Kì thị chính người dân mình, đó mới là nỗi đau.

Trong suốt những năm tháng gắn bó với bệnh viện tâm thần Hà Nội, bác sĩ Lý Trần Tình cũng đã tư vấn cho không ít những người làm ăn nhỏ lẻ, những quán bán hàng cho sinh viên khi họ không giải quyết được những tình huống “dở khóc dở cười” do chính khách hàng mang lại: gác chân lên ghế, ăn nói thô tục, cởi trần ở nơi công cộng…

Nhắc nhở nhưng khách hàng lại tỏ thái độ thiếu tôn trọng, có người thì thẳng thắn nói với chủ cửa hàng “thuận mua vừa bán” và sẽ không tới nữa. Nhưng nhiều người vẫn phải “giải nghệ” bởi họ không chấp nhận được những cách hành xử thiếu văn minh của một bộ phận khách hàng.

Lúc ấy bác sĩ Tình cũng đã cho họ những hướng giải quyết không chỉ đứng trên góc độ một bác sĩ mà trước hết là một người bạn. Bác sĩ Tình cho rằng, hiện tượng ấy ở đâu cũng có nhưng nó không phải đại đa số. Đó cũng chỉ là những tình huống nhỏ xẩy ra trong kinh doanh.

Người bán hàng giỏi, người có chiến lược kinh doanh phải “dĩ hòa vi quý” được những tình huống như thế. Chấp nhận được thì mình sẽ có nguồn thu nhập còn không chấp nhận được thì nên tìm công việc khác, chứ không nên để bụng gây ra những bức xúc rồi dẫn tới xung đột, stress, cộng thêm cả những từ ngữ miệt thị, bài xích nhau.

Bác sĩ Lý Trần Tình, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội
Bác sĩ  Lý Trần Tình, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội

Kể ra câu chuyện này, bác sĩ Lý Trần Tình muốn làm rõ hơn câu chuyện của chủ cửa hàng Cát Vàng ở Phan Thiết, Bình Thuận. Bác sĩ Tình cho biết: “Bản thân quán đó đã làm một việc như quán của một chủ cửa hàng ở Bắc Kinh (Trung Quốc) khi không tiếp đón người Nhật – người Philippines – người Việt Nam và chó.

Đó là sự kì thị. Kì thị chính người dân mình. Đó mới là nỗi đau. Xét về mặt tâm lý, chúng ta cũng phải đề cập đến cả hai khía cạnh là chủ cửa hàng và khách hàng. Nhưng chủ nhà hàng làm việc đó là tự hại họ vì cộng đồng sẽ tẩy chay họ, chính họ tẩy chay họ”.

Xét về mặt kinh doanh, bác sĩ Tình cũng phân tích giống như với những trường hợp đã từng tìm tới ông tư vấn, có thể họ cũng đã gặp những trường hợp khiến họ bức xúc, khó chịu nhưng không tới mức phải tẩy chay một cách dữ dội như vậy. Chính kiến của họ vẫn theo nếp sống cũ.

“Đây là hành động quá dại dột”.

Trong đời ai cũng phạm phải những sai lầm, có những lúc không làm chủ được bản thân, điều quan trọng là sự góp ý thẳng thắn giúp họ nhận ra được những khuyết điểm của bản thân mà sửa sai. Và với chủ cửa hàng, trước những hành vi ứng xử không đúng của khách hàng, anh có quyền phạt, chứ không nên gay gắt tới mức không cho người Việt Nam vào cửa hàng của mình.

Một vấn đề nữa ở đây mà bác sĩ Lý Trần Tình muốn đề cập tới, đó là nhận thức của chủ cửa hàng. Lẽ ra, người đó nên tìm tới chuyên gia tư vấn, tham khảo ý kiến bạn bè để có sự lựa chọn đúng đắn nhất trong kinh doanh, để không tạo ra những “vết ố” như hiện nay. Và ông nhấn mạnh: “Đây là hành động quá dại dột”.

Bài học của chủ cửa hàng Cát Vàng cũng đưa ra tiếng chuông cảnh tỉnh đối với nếp sống văn hóa, văn minh ở những nơi công cộng.

Bác sỹ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa điều trị tâm thần phân liệt, viện sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội)
Bác sỹ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa điều trị tâm thần phân liệt, viện sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội)

Bác sỹ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa điều trị tâm thần phân liệt, viện sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) cho rằng: Trong thời kì mở cửa thì người kinh doanh được quyền lựa chọn các vấn đề kinh doanh, hình thức kinh doanh. Điều ấy phụ thuộc 3 yếu tố là vốn trường kì, sự hiểu biết, sự cá biệt của đặc điểm kinh doanh. Chủ của hàng Cát Vàng cũng có mục đích kinh doanh riêng và tư duy của họ là tư duy của một người làm ăn sinh lời.

Đứng trên góc độ văn hóa dân tộc thì đối với một cửa hàng đang ngụ tại một khu vực thu hút đông đảo du khách đến từ mọi vùng miền, đất nước lại xuất hiện những kiểu ứng xử như thế là họ đang tự cô lập bản thân khỏi cộng đồng người Việt. Lẽ ra, tự bản thân họ phải nhận thức được họ là người Việt Nam nên bản chất của người Việt Nam như thế nào họ phải nắm rõ. Hành xử của họ là sai lầm.

Có thể, họ tiếp xúc với người nước ngoài nhiều nên dẫn tới những tư tưởng như vậy. “Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây chỉ là vấn đề nhận thức của một người đang được hưởng chế độ dân chủ của Việt Nam nhưng lại không tôn trọng chính những người “máu đỏ da vàng” như mình. Trường hợp ấy rất đáng để lên án”.

N. Huệ