Trong cuốn sách dành cho các bé chuẩn bị bước vào lớp 1 với tên “Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ” của NXB Dân Trí có hình ảnh lá cờ Trung Quốc được cắm trên cổng trường. Sự việc này đã thực sự thu hút sự quan tâm của dư luận khi một học sinh đặt câu hỏi “Vì sao không giống cờ nước mình?”.
Trao đổi với Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, GS Đào Trọng Thi – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng: "Nếu sách của người Việt Nam viết thì đó là một điều sơ suất và không nên. Đây là sách dịch và người dịch phải tôn trọng tính nguyên vẹn của tác phẩm ban đầu. Nếu thay đổi so với nguyên bản thì đó lại là một việc vi phạm quy định về bản quyền"... (xem chi tiêt quan điểm của GS Đào Trọng Thi)
Trang 16 cuốn sách Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ dành cho các em nhỏ chuẩn bị vào lớp 1 của Nhà xuất bản Dân Trí đăng cờ của Trung Quốc - Ảnh: THUẬN THẮNG |
Độc giả Thiên Sang nhận định: “Đến cuốn sách cho trẻ chuẩn bị vào lớp 1 mà cũng phải mua bản quyền của Trung Quốc thì hỏi quí vị, những người làm giáo dục, sau bao nhiêu thập niên nữa chúng ta mới hiện đại hóa được đất nước? Chưa nói đến chúng ta là quốc gia có số lượng giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ thuộc loại nhiều bậc nhất trong khu vực và cả trên thế giới. Đồng ý việc dịch sách phải tuân thủ bản quyền, điều quan trọng muốn nói là nên chọn những tác phẩm nào phù hợp để dạy trẻ em những hình ảnh mang đậm tình yêu quê hương đất nước chứ không thể đem cờ Trung Quốc về cho trẻ làm quen”.
Độc giả Mai Linh đặt ra câu hỏi: “Tại sao đưa sách vào trường dạy rồi mới phát hiện ra sự việc này? Trách nhiệm thuộc về ai? Những người quản lý đã làm gì? Những câu hỏi này chắc không ai tra lời được. Chúng ta là người Việt Nam, chúng ta phải biết dữ gìn danh dự cho đất nước. Trẻ em là những mầm non tương lai của đất nước thì phải vun vén cho mầm nó mọc thẳng lên chứ. Mình là những nhà quản lý thì phải biết là nhà nước, nhân dân trả tiền cho mình để giữ gìn quốc thể, để vun cho những mầm non kia mọc thẳng lên. Không có trách nhiệm như thế thì mầm nào mọc lên thẳng được".
Độc giả Nguyen Canh Mao thẳng thắn: "Tôi không nhất trí với GS Thi, nhất là khi GS lại đương là Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội. Đành rằng việc giao lưu văn hóa là đương nhiên và cần thiết, song có những giới hạn mà chúng ta không được phép lơ là bước qua. Nói chung là tôi thấy hơi buồn khi đọc bài này của ông Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội".
Độc giả Nguyen Canh Mao thẳng thắn: "Tôi không nhất trí với GS Thi, nhất là khi GS lại đương là Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội. Đành rằng việc giao lưu văn hóa là đương nhiên và cần thiết, song có những giới hạn mà chúng ta không được phép lơ là bước qua. Nói chung là tôi thấy hơi buồn khi đọc bài này của ông Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội".
Độc giả Hoàng Quốc Tuấn phản biện lại ý kiến cửa ông Đào Trọng Thi: “Nói như GS thì sao không để nguyên chữ Trung Quốc đi cho nó nguyên bản? Vấn đề ở đây, người Việt Nam du nhập văn hóa là tốt nhưng không vì thế mà đánh mất nguồn gốc của mình. Phát triển trí tuệ là tốt, nhưng trí tuệ có phục vụ được gì khi trái tim mình không có hình ảnh của quê hương, đất nước, thay vào đó lại là hình ảnh của nước láng giềng thưa GS? Nói gì thì nói đây là việc không thể chấp nhận được".
Một phụ huynh thì chỉ ra những những hệ lụy khôn lường: "Ông nói là ông chưa xem cuốn sách này nhưng ông lại khẳng định là nó không sao cả. Nên nhớ rằng đây là sách dành cho trẻ em cho nên những hình ảnh trong sách này sẽ có tác động lớn đến tâm lý và nhận thức của trẻ về sau. Trẻ em sẽ nghĩ quốc kỳ của Trung Quốc là của Việt Nam. Rõ ràng cuốn sách này cũng nằm trong hàng loạt các tài liệu thể hiện sự bành trướng và văn hóa và lãnh thổ của Trung Quốc. Tôi hỏi ông GS Thi, nếu trong sách này họ ghi cả Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc thì ông nói sao"?
Bạn Thùy Linh đồng quan điểm: "Tôi nghĩ rằng ông GS, Chủ nhiệm UBGD của QH trả lời phỏng vấn về 1 cuốn sách, nếu chưa đọc thì đừng vội trả lời. Nếu đọc, ông sẽ thấy dòng chữ trên cuốn sách trên trang bìa ghi trang trọng “giáo sư ở các trường danh tiếng giới thiệu” và lời giới thiệu đáng tin cậy: “được biên tập dựa trên chương trình giáo dục mầm non của Bộ GD-ÐT”, thì ông sẽ không trả lời hàm hồ như thế".
Bạn Thùy Linh đồng quan điểm: "Tôi nghĩ rằng ông GS, Chủ nhiệm UBGD của QH trả lời phỏng vấn về 1 cuốn sách, nếu chưa đọc thì đừng vội trả lời. Nếu đọc, ông sẽ thấy dòng chữ trên cuốn sách trên trang bìa ghi trang trọng “giáo sư ở các trường danh tiếng giới thiệu” và lời giới thiệu đáng tin cậy: “được biên tập dựa trên chương trình giáo dục mầm non của Bộ GD-ÐT”, thì ông sẽ không trả lời hàm hồ như thế".
Độc giả Hồng Trường đúc kết: “Qua đây mới thấy rõ ngay người lớn và người có chức vị trong xã hội cũng không ý thức rõ lòng tự hào về lá quốc kỳ Việt nam của các cháu thiếu niên, nhi đồng! Nếu được tranh luận, tôi tin rằng lý lẽ và lòng yêu nước trong sáng của các cháu sẽ được đông đảo nhân dân ủng hộ”.
Đ.Q (tổng hợp)