“Cây gạo có ma, cây đa có thần” – dân gian quan niệm, cây gạo là nơi nương tựa của những cô hồn bơ vơ, nên thường nói vậy để ám chỉ sự thần bí của loại cây này. Người ta cũng đồn rằng, cây tầm gửi mọc trên thân cây gạo sẽ chữa được rất nhiều bệnh. Có người mê tín bảo, đấy là do thần linh, nhưng cũng có người lại bảo đây được coi như một phương thuốc đông y. Để xem thực hư thế nào, chúng tôi đã tìm về làng “cây có ma” ở xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.
Những cây gạo “lạ”
Cây gạo ở miếu thành hoàng làng không hề có tầm gửi
Ở các tỉnh trung du, miền núi, cây gạo thường được trồng ở bờ sông, ven đê, ven lộ hoặc ở những nơi nhiều “âm khí” như bãi nghĩa địa, miếu mạo, đền chùa... Người ta còn ngại đụng chạm vào cây gạo vì sợ báo ứng, với những lời đồn thổi đại loại ai chặt cây hoặc làm việc gì “vô lễ” thì nhất định gặp tai ương.
Không biết phần trăm sự thực của những câu chuyện này là bao nhiêu, nhưng sự e ngại động đến loại cây này là có thật. Nhưng ở xã Hiền Quan thì khác. Toàn xã có hàng trăm cây gạo, nhưng hầu hết lại được coi là cây làm “kinh tế”.
Nhờ những cây tầm gửi mọc trên cây gạo mà ở Hiền Quan nhiều gia đình đã “phất” lên trông thấy. Người ta đồn tầm gửi cây gạo vô cùng quý giá, có thể chữa được rất nhiều bệnh, từ thanh lọc cơ thể, giải độc đến chữa các bệnh gan, thận, đái tháo đường… rồi đến cả những bệnh mà người ta chẳng rõ là bệnh gì nữa cũng tìm đến thứ cây này như một vị thuốc tiên.
Có điều lạ là ở nhiều nơi có cây gạo, nhưng để có tầm gửi thì rất hiếm. Nên đã có không ít người đã liều mình đốn hạ cả cây gạo chỉ để lấy mấy cân tầm gửi. Song ở xã Hiền Quan thì cứ như là của “trời cho”, trên các thân cây gạo không biết bao nhiêu tầm gửi, nhiều đến nỗi cây không lớn được, không ra hoa đậu quả được, có cây còn bị chết khô vì tầm gửi hút hết chất.
Cũng vì thế mà người dân tứ xứ đổ về đây mua tầm gửi để chữa bệnh. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết mỗi cây gạo có tầm gửi như vậy cho người dân trong xã thu nhập từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Chúng tôi ghé vào nhà ông Chu Văn Vượng, một gia đình có cây gạo cổ thụ vào loại nhiều tầm gửi nhất xã, và cũng được người dân “mách” rằng nhờ cây gạo có tầm gửi mà gia đình ông đang xây một ngôi nhà khang trang. Chỉ cho chúng tôi cây gạo phía sau nhà vẫn còn chi chít tầm gửi, ông bà Vượng cho biết mới đây, đợt mùng 5-5 (quan niệm dân gian là ngày cắt thuốc nam tốt), ông bà đã “trẩy” được hơn một tạ tầm gửi tươi. Xe ôtô về xếp hàng, thợ “trẩy” không kịp.
Với giá bán 300.000 đồng một cân tầm gửi tươi hoặc 600.000 đồng một cân khô, tính ra gia đình ông cũng thu được mấy chục triệu bạc một ngày. Ngày đông là vậy, còn túc tắc bán được vài chục cân cũng là chuyện thường. Cứ có người mua thì ông lại thuê người hái, lấy cành to, còn lại những cành nhỏ, cành ngắn để gối vụ sau, chẳng cần mất công chăm sóc gì, mỗi năm gia đình ông cũng thu hoạch hàng trăm triệu đồng.
Ở Hiền Quan, những hộ dân như gia đình ông Vượng không phải hiếm. Số gia đình có cây gạo cổ thụ cho “doanh thu” tiền trăm triệu mỗi năm cũng phải có 4-5 cây, còn cho thu khoảng ba bốn chục triệu thì đại trà hơn.
Có thật “lộc trời cho”?
Một cành tầm gửi bị gẫy này có giá 200 nghin đồng
Chúng tôi đã đi khắp các cây gạo ở xã Hiền Quan để tìm lời giải cho câu hỏi tại sao những cây gạo ở đây lại cho nhiều tầm gửi đến vậy. Nếu do thổ nhưỡng, khí hậu để có thể lý giải điều đó thì cũng không hẳn bởi cách xã Hiền Quan vài cây số cũng có rất nhiều cây gạo nhưng tuyệt nhiên không có bóng dáng một cành tầm gửi. Theo những người dân ở đây thì nhiều tầm gửi nhất phải là những cây gạo cổ thụ trên trăm tuổi.
Nhưng cũng chỉ khoảng 15 năm nay thì những cây gạo này mới bắt đầu sinh tầm gửi, bán được giá thì chỉ 5 năm trở lại đây.
Cũng theo những gia đình có tầm gửi thì tầm gửi chỉ mọc nhiều trên cây gạo tía, còn cây gạo trắng thì có mọc ra cũng không phát triển được. Và lạ thay, từ khi tầm gửi bán được giá thì không hiểu sao không chỉ cây cổ thụ mà hầu như cây gạo của gia đình nào cũng… sinh tầm gửi.
Đặc biệt hơn là những cây gạo mọc trong vườn nhà dân, tức là những cây gạo có chủ, thì dù có mới mọc, đường kính chỉ nhỉnh hơn bắp chân cũng đã có tầm gửi mọc. Trong khi những cây gạo hoang, đặc biệt là cây gạo ở miếu thờ thành hoàng làng thì dù đã lâu năm nhưng không thấy một cành tầm gửi nào cả.
Đem nghi ngờ về sự “nhân tạo” này hỏi những người dân Hiền Quan nhiều người cũng lắc đầu, song chúng tôi cũng được một người dân cho biết việc chiết ghép là điều hoàn toàn có thể làm được, hoặc cũng có thể “trồng” cây tầm gửi bằng cách chích thân cành gạo, nhét quả tầm gửi chín vào rồi lấy lòng trắng trứng gà bôi vào làm “sinh tố” cho hạt nảy mầm.
Chúng tôi đã thử mua một cành tầm gửi vẫn bám trên thân cành gạo thì thấy cành tầm gửi này không bám chặt, ăn sâu vào thân cây như tầm gửi thông thường mà có dấu hiệu của sự chiết ghép.
Trao đổi với Thạc sĩ, Dược sĩ Nguyễn Phi Hùng, Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, thì được biết tầm gửi cây gạo ở điều kiện tự nhiên rất hiếm gặp, bản thân cây gạo phải sống lâu năm và trong điều kiện môi trường sinh trưởng thuận lợi khi có hạt của cây tầm gửi được phát tán tự nhiên (do chim, sóc, sâu bọ ). Hạt nảy mầm và phát sinh phát triển được trên thân, cành cây gạo. Ngày nay cũng có tầm gửi cây gạo do con người cấy, ghép, tạo phôi, mầm tạo ra và phát triển thành tầm gửi cây gạo bán tự nhiên. Và cây tầm gửi nhân tạo cũng có tác dụng tương tự cây tầm gửi tự nhiên.
Thực hư tác dụng
Khi muốn tìm hiểu về tác dụng thực sự của tầm gửi trên cây gạo, bản thân những người dân ở xã Hiền Quan cũng không rõ. Tất cả đều chỉ là truyền miệng, đồn thổi với những tác dụng như làm mát, giải độc cơ thể, giải rượu, tăng cường sức khỏe giúp ăn ngủ tốt hơn. Nhiều người tìm tầm gửi trên cây gạo để chữa các bệnh về gan, thận, đái tháo đường…
Còn theo Dược sĩ Nguyễn Phi Hùng thì hiện nay chưa có nghiên cứu chính thức nào công bố về thành phần hoá học, độc tính cấp, độc tính bán trường diễn, tác dụng sinh học của tầm gửi cây gạo. Và cũng chưa có tài liệu chính thức nào viết về tầm gửi cây gạo.
Theo kinh nghiệm dân gian tầm gửi cây gạo không độc, được dùng trong các bệnh viêm cầu thận cấp, mãn, suy thận, viêm gan, viêm gan virus, xơ gan, phong thấp, xương khớp, sưng xương khớp, huyết áp, tiểu đường, mỡ máu, hậu sản…
Còn theo nghiên cứu và đánh giá sơ bộ của các nhà khoa học tầm gửi cây gạo có tác dụng chống viêm, giải độc, chống ôxy hoá, lợi tiểu, có tính mát. Vì vậy, có thể sử dụng tầm gửi cây gạo trong hỗ trợ điều trị nhiều loại bệnh mãn tính. Do đó, cần có nghiên cứu và công bố chính thức về đặc điểm sinh thái và phát triển, về thành phần hoá học, độc tính cấp, độc tính bán cấp và tác dụng sinh học, hiệu quả ứng dụng trong lâm sàng để có cơ sở hướng dẫn sử dụng rộng rãi tầm gửi cây gạo.
Ông Hùng cũng cảnh báo, hiện nay do tính chất hiếm ít gặp của tầm gửi cây gạo mà người dân đồn thổi lên tác dụng của nó như thần dược chữa bách bệnh nên người dân cần thận trọng khi dùng.
Theo Hà Loan/ANTĐ