Dự thảo Nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ được đăng tải trên website của Bộ Công an đã thu hút sự chú ý của dư luận khi chứa đựng quy định trường hợp nổ súng trực tiếp vào người chống người thi hành công vụ.
LS. Trần Quốc Thuận - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội |
Về dự thảo Nghị định này, Luật sư Trần Quốc Thuận - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết: “Cảm giác đầu tiên của tôi là rùng mình, sợ và lo lắng là nếu làm thực hiện theo đúng Dự thảo Nghị định đó thì không biết hậu quả như thế nào”.
“Định nghĩa người thi hành công vụ rất rộng, đó là người được giao thực hiện một nhiệm vụ gì đó của Nhà nước. Nếu theo dự thảo Nghị định này thì hành vi chống người thi hành công vụ có thể xảy ra với bất cứ người nào. Với các văn bản quy phạm pháp luật, từ ngữ phải rạch ròi, không được tù mù, dùng từ phải chính xác. Điều này đã được Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định rồi.
Nhưng điều mà tôi quan tâm là dự thảo Nghị định này có tồn tại dưới dạng một Nghị định hay không khi nó xâm phạm đến quyền tự do thân thể của con người, kể cả tính mạng của con người. Đó là về nhân quyền và điều này đã được đưa vào trong Hiến pháp”, ông Thuận nói tiếp.
Theo ông Trần Quốc Thuận, đáng chú ý nữa, trong dự thảo này còn quy định về trách nhiệm của Bộ Quốc phòng (Điều 22 của dự thảo Nghị định): “Phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền”. Điều này làm tôi nhớ đến vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng. Bộ trưởng Bộ QP đã từng nói rằng quân đội làm nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc chứ quân đội không có làm về trật tự, an ninh.
Do thóa mạ, thách thức và cầm chai bia vỡ lên dọa đánh hai cảnh sát giao thông, Hoàng Minh Phong (18 tuổi) bị cảnh sát Lạng Sơn khởi tố để điều tra về hành vi chống người thi hành công vụ. |
Vị Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội này cũng cho biết: “Trong căn cứ để xây dựng dự thảo Nghị định này, họ có nói là căn cứ vào Luật Tố tụng hình sự sửa đổi năm 2009, Bộ luật hình sự. Tôi thấy rằng, phản ứng của người thi hành công vụ bị chống đó được hiểu như là một loại phòng vệ chính đáng.
Và theo đó, chỉ có những hành động đáp trả tương xứng với những hành động chống người thi hành công vụ được sử dụng chứ không thể tuỳ tiện nổ súng trực tiếp vào người chống người thi hành công vụ được. Ví dụ, chiến sỹ kiểm lâm bị lâm tặc chống trả thì người đó có quyền dùng các công cụ, biện pháp tương xứng để đáp trả bảo vệ tính mạng của mình.
Và trong Luật Tố tụng hình sự và trong Bộ Luật hình sự đã quy định rất rõ điều này: Nếu hành động phản ứng người chống người thi hành công vụ mà vượt quá giới hạn thì có thể bị đi tù. Hiệu lệnh trước khi nổ súng vào người chống người thi hành công vụ được quy định rất ngặt nghèo. Dự thảo Nghị định này đang “mở cửa” cho những hành động đáp trả có thể vượt quá giới hạn cho phép và không tương xứng”.
“Theo tôi, bản dự thảo Nghị định này phải được các cơ quan của Quốc hội thẩm định, trong đó có Uỷ ban An ninh – Quốc phòng, Uỷ ban Tư pháp, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội”, ông Thuận kết luận.
Điều 18 (Dự thảo Nghị định): Xử lý tình huống khi có hành vi chống người thi hành công vụ
1. Trường hợp hành vi chống người thi hành công vụ có dấu hiệu của một tội phạm ít nghiêm trọng thì người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ và các phương tiện kỹ thuật được trang bị để khống chế, bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ.
2. Trường hợp có căn cứ thực tế để cho rằng hành vi chống người thi hành công vụ sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người thi hành công vụ hoặc của người khác hoặc có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì người thi hành công vụ được sử dụng công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật hoặc nổ súng trực tiếp vào người và phương tiện vi phạm để phòng vệ, tấn công, vô hiệu hóa hành vi chống người thi hành công vụ, kịp thời ngăn chặn hậu quả xảy ra và bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ.
1. Trường hợp hành vi chống người thi hành công vụ có dấu hiệu của một tội phạm ít nghiêm trọng thì người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ và các phương tiện kỹ thuật được trang bị để khống chế, bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ.
2. Trường hợp có căn cứ thực tế để cho rằng hành vi chống người thi hành công vụ sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người thi hành công vụ hoặc của người khác hoặc có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì người thi hành công vụ được sử dụng công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật hoặc nổ súng trực tiếp vào người và phương tiện vi phạm để phòng vệ, tấn công, vô hiệu hóa hành vi chống người thi hành công vụ, kịp thời ngăn chặn hậu quả xảy ra và bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ.
Quang Tuệ