Luật sư Lê Đức Tiết (Ảnh: báo Quảng Ninh) |
Trao đổi với Giáo dục Việt Nam về dự thảo Nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ của Bộ Công an, LS. Lê Đức Tiết - Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ - Pháp luật (Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) nói: “Trong tờ trình, Bộ Công an có nói từ trước đến nay có nhiều vụ nổ súng vào những người thi hành công vụ.
Nhưng trong thực tế, chúng ta cũng phải thấy cả hai mặt: có những vụ công an nổ súng không đúng. Tiên Lãng là một vụ điển hình. Như vậy, trong bản tường trình, ngoài việc nói đến những hành động chống người thi hành công vụ còn phải nói đến những người thi hành công vụ lạm dụng quyền hạn của mình”.
Vị Luật sư này lấy thêm ví dụ: “Điều 15 Bộ Luật hình sự 1999 có nói đến vấn đề phòng vệ chính đáng. Mà phòng vệ chính đáng là từ hai phía: từ người bị tấn công và người thi hành công vụ. Trong điều 15 đó quy định vượt quá phòng vệ chính đáng là “hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Và người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Theo ông Tiết, việc nổ súng vào người dân là “vạn bất đắc dĩ” chứ còn dùng 1 cách tràn lan như trong dự thảo Nghị định trình bày: “có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng” là không ổn.
“Dấu hiệu cụ thể như thế nào? Thế nào là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng? Trong điều kiện bình thường xác định những dấu hiệu như vậy cũng đã khó rồi mà bây giờ giao cho bên cầm súng (người thi hành công vụ) có quyền nổ súng là việc làm quá phiêu lưu. Với những trường hợp được nổ súng vào người khác thì phải được quy định một cách rất cụ thể, khi nói ra thì ai cũng phải hiểu đúng. Nói như trong điều 1, điều 2, điều 18 của dự thảo Nghị định này rất có thể sẽ dẫn đến một sự làm dụng quyền hạn từ đó khiến cho xã hội bạo động”, ông Tiết đánh giá.
Khi được hỏi về nội dung dự thảo Nghị định trình bày về trách nhiệm của Quân đội: “các lực lượng thuộc Quân đội nhân dân nơi gần nhất và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có trách nhiệm phối hợp ngay với người thi hành công vụ để kịp thời ngăn chặn, xử lý người có hành vi chống người thi hành công vụ…”, ông Tiết cho rằng đó là một quy định trái Hiến pháp.
“Trong Hiến pháp nói Quân đội chỉ được sử dụng để bảo vệ dân. Hẳn mọi người chưa quên vụ Tiên Lãng. Từ vụ việc đau lòng này chúng ta phải rút kinh nghiệm trong việc đưa quân đội vào lực lượng cưỡng chế (lực lượng thi hành công vụ)”, LS. Lê Đức Tiết nói.
Ông Tiết cho rằng nếu Nghị định này được đưa vào sử dụng thì đó là một sự vi hiến, vi phạm pháp luật và sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng do việc lạm dụng quyền hạn của những người thi hành công vụ, từ đó, xã hội sẽ bị rối loạn.
LS. Lê Đức Tiết khẳng định: “Chúng ta tuy có thiếu luật thật nhưng trong vấn đề này phải có quy định rất rõ ràng. Vì vậy không cần có Nghị định này”.
Điều 22 Pháp lệnh 16/2011/UBTVQH12 quy định về các trường hợp được nổ súng:
1. Khi làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, việc nổ súng của Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, việc nổ súng của Công an nhân dân thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.
2. Khi thi hành nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự có tổ chức, việc nổ súng tuân theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền. Khi thi hành nhiệm vụ độc lập, việc nổ súng tuân theo các nguyên tắc sau đây:
a) Phải căn cứ vào từng tình huống, tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm của đối tượng để quyết định việc nổ súng;
b) Chỉ nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo. Nếu việc nổ súng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe cho bản thân hoặc người khác hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được nổ súng ngay;
c) Không nổ súng vào đối tượng khi biết rõ người đó là phụ nữ, người tàn tật, trẻ em, trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác;
d) Trong mọi trường hợp nổ súng, người sử dụng súng cần hạn chế thiệt hại do việc nổ súng gây ra.
3. Các trường hợp nổ súng gồm:
a) Đối tượng đang sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp đe dọa đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác;
b) Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc đe dọa sự an toàn của công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ theo quy định của pháp luật;
c) Đối tượng đang thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ;
d) Đối tượng đang sử dụng vũ khí gây rối trật tự công cộng có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng;
đ) Đối tượng đang đánh tháo người bị giam, người bị dẫn giải do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm; người bị giam, giữ, bị dẫn giải, bị áp giải do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng đang chạy trốn hoặc chống lại;
e) Được phép bắn vào phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông đường thủy nội địa để dừng phương tiện đó trong các trường hợp sau, trừ phương tiện giao thông của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế:
Đối tượng điều khiển phương tiện đó tấn công hoặc đe doạ trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác;
Khi biết rõ phương tiện đó do đối tượng phạm tội điều khiển cố tình chạy trốn, trừ trường hợp trên phương tiện có chở khách hoặc có con tin;
Khi biết rõ trên phương tiện cố tình chạy trốn có đối tượng phạm tội hoặc vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật nhà nước, ma túy số lượng lớn, tài sản đặc biệt quý hiếm, bảo vật quốc gia, trừ trường hợp trên phương tiện có chở khách hoặc có con tin;
g) Động vật đang đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.
4. Người được giao sử dụng súng không phải chịu trách nhiệm về thiệt hại khi việc nổ súng đã tuân thủ quy định tại Điều này và các quy định khác có liên quan của pháp luật.