Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh |
Trao đổi với Giáo dục Việt Nam xung quanh ý kiến cho rằng Việt Nam cần có ngay một lực lượng giám sát biển để có thể ngăn chặn âm mưu gặm nhấm, lan rộng vùng hoạt động của các tàu thuyền Trung Quốc, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh – Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng cho biết:
“Chúng ta đã có Cục Kiểm ngư Việt Nam là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, chức năng quản lý Nhà nước là bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo đảm an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản.
Còn Cảnh sát Biển trực thuộc Bộ Quốc phòng là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thực hiện chức năng quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật của Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên trên các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam.
Ngoài ra chúng ta còn có Hải quân để bảo vệ vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam. Thêm nữa, chúng ta cũng có đội dân quân tự vệ trên biển. Vì thế theo tôi chúng ta không cần thiết phải thành lập một lực lượng giám sát biển như theo ý kiến của một số nhà nghiên cứu mà báo chí đã nêu”.
Theo vị tướng này, chúng ta chỉ cần tăng cường sự hiệu quả của các lực lượng trên thay vì thành lập thêm một lực lượng khác mà hoạt động không hiệu quả. Để có được sự tăng cường này, chúng ta phải thống nhất sự lãnh đạo chỉ huy sao cho sự phối hợp hoạt động giữa các lực lượng này được nhuần nhuyễn hơn, hợp lý hơn.
Trước việc có những ngày mang ý nghĩa lịch sử của các cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược năm 1974 (TQ chiếm Hoàng Sa), năm 1979 (TQ gây ra chiến tranh biên giới phía Bắc) và năm 1988 (TQ gây ra hải chiến tại Trường Sa) nhưng lại ít được tuyên truyền và kỷ niệm. Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh cho rằng: “Tôi không biết chủ trương của Nhà nước trong việc này như thế nào. Nhưng đó là một sự thiếu sót, lãng quên lịch sử và có lỗi với những chiến sỹ đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc.
Nhưng sự lãng quên này dường như là có ý định nên việc đưa nhưng thông tin này vào chương trình SGK cho học sinh học hay không và nếu đưa thì ở mức độ nào còn cần các nhà lãnh đạo, các nhà viết sách và các nhà sử học nghiên cứu, xem xét thêm. Nhiều người đã nói về việc này. Liên quan đến sự kiện năm 1979, ngoài việc liên quan đến Trung Quốc trong chiến tranh biên giới phía Bắc còn liên quan tới cả Campuchia trong chiến tranh chống hoạ diệt chủng ở biên giới Tây Nam”.
“Tuy nhiên có một điều chúng ta thấy rằng Trung Quốc đang tuyên truyền những sự kiện này rất mạnh với sự xuyên tạc là Việt Nam xâm phạm chủ quyền của họ trước. Cho nên chúng ta cần phải nghiên cứu để tuyên truyền về những sự việc này sao cho người dân, thế hệ trẻ và cả thế giới hiểu bản chất của vấn đề. Trong quân đội những vấn đề này được tổng kết và giáo dục”, tướng Rinh cho biết.
Tướng Rinh cũng cho rằng việc tuyên truyền những sự kiện lịch sử này không phải là để khiêu khích TQ mà sự thẳng thắn này sẽ góp phần làm cho mối quan hệ này thêm tốt đẹp bởi vì đã là các sự kiện lịch sử thì không thể bóp méo.
Vị nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng này cho biết thêm: “Hiện nay công tác tuyên truyền của chúng ta đối với người dân là quá ít nên đã có trường hợp người dân Khánh Hoà cũng không biết quần đảo Trường Sa là thuộc Khánh Hoà. Cho nên thời gian tới chúng ta cũng cần phải tuyên truyền về số lượng, tên gọi của các đảo của chúng ta trong hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đồng thời những thông tin về những đảo đã bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép cũng cần được tuyên truyền tới người dân...”.
Hồng Chính Quang