Điều ít biết sau thành công của hai nữ CEO Việt được Forbes vinh danh

19/03/2013 10:25
Vũ Vũ (Tổng hợp)
(GDVN) - Một người được coi là “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới”, một người được mệnh danh là “nữ tướng thời mở cửa”. Cả hai nữ doanh nhân Việt này đều giỏi giang, bản lĩnh, đầy quyền lực nhưng cũng rất nữ tính, chân chất, giản dị và rất đời thường.
Theo bảng xếp hạng 50 nữ doanh nhân có thành tích tốt nhất châu Á năm 2013 của Forbes, Việt Nam có hai đại diện góp mặt. Đó là bà Mai Kiều Liên - Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) và bà Phạm Thị Việt Nga - Chủ tịch HĐQT Công ty Dược Hậu Giang.

Một người được coi là “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới”, một người được mệnh danh là “nữ tướng thời mở cửa”. Cả hai nữ doanh nhân Việt này đều giỏi giang, bản lĩnh, đầy quyền lực nhưng cũng rất nữ tính, chân chất, giản dị và rất đời thường.

Về nhà, nữ doanh nhân Mai Kiều Liên tự nhận mình là... ô-sin
36 năm gắn bó với Vinamilk, hơn 20 năm ở cương vị người đứng đầu, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, bà Mai Kiều Liên – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam đã đưa Vinamilk trở thành một thương hiệu lớn, lọt vào danh sách 200 doanh nghiệp xuất sắc nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình dương từ năm 2010. Và đang hiện thực hóa tham vọng đưa Vinamilk đạt doanh thu 3 tỷ USD, nằm trong top 50 doanh nghiệp sữa lớn nhất thế giới vào năm 2017. 

Bà Mai Kiều Liên khởi nghiệp với tấm bằng kỹ sư công nghệ chế biến sữa từ năm 1976 và đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc Vinamilk từ năm 1992 đến nay.
Bà Mai Kiều Liên khởi nghiệp với tấm bằng kỹ sư công nghệ chế biến sữa từ năm 1976 và đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc Vinamilk từ năm 1992 đến nay.
Khi được hỏi về  bí quyết nào khiến cho Vinamilk vẫn đứng vững và phát triển như vậy, bà Mai Kiều Liên cho hay: “Yếu tố đầu tiên mà tôi cũng như 4000 người làm việc ở Vinamilk là phải làm việc hết sức mình, cường độ cũng như ý chí làm việc rất cao”.

Ngoài ra, với bà, khủng hoảng đã "nằm trong kế hoạch", đã được "lường trước" và có sẵn giải pháp ứng phó.

Bà Liên quan niệm, làm doanh nghiệp luôn phải xây dựng kế hoạch dài hạn để chủ động trong mọi tình thế. Rồi mỗi năm phải xem lại, phân tích yếu tố khách quan, chủ quan và có quyết sách phù hợp với tình hình thị trường.

 Những tỷ phú Việt được vinh danh trên báo nước ngoài

Những tỷ phú Việt được vinh danh trên báo nước ngoài

3 điều ước năm mới của nữ doanh nhân Việt quyền lực nhất châu Á

3 điều ước năm mới của nữ doanh nhân Việt quyền lực nhất châu Á

Vinamilk được vinh danh “Doanh nghiệp tin cậy vì người tiêu dùng”

Vinamilk được vinh danh “Doanh nghiệp tin cậy vì người tiêu dùng”

11 nữ doanh nhân điều hành tập đoàn nghìn tỷ

11 nữ doanh nhân điều hành tập đoàn nghìn tỷ

Thêm vào đó, một trong những bí quyết thành công "cốt tử" của Vinamilk, theo bà Liên, muốn có sản phẩm đi đầu trên thị trường thì phải luôn sáng tạo. Sáng tạo là yếu tố sống còn. Vì thế, bà luôn đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng trong công ty. Bà quyết liệt tới mức: "Đừng bao giờ đưa tôi ký duyệt những sản phẩm mà "người ta làm lời lắm". Phải là sản phẩm mới, đi đầu trên thị trường".

Cũng có lần, bà Mai Kiều Liên từng nhấn mạnh: “Với cá nhân người phụ nữ, điểm mạnh là có tính chi tiết nên bản thân tôi làm việc gì cũng có kế hoạch rất chi tiết, tỉ mỉ mọi phương án và luôn lo xa cho mọi rủi ro có thể đến. Song cá nhân tôi nhiều khi sự thành công đến được ngày hôm nay cũng có 1 phần… liều”.

Một lợi thế nữa cho sự thành công của nữ doanh nhân quyền lực Mai Kiều Liên đó là được đào tạo ở Nga về chuyên ngành sữa nên tiếp cận rất nhanh và phát huy tốt sở trường. 

Thêm vào đó, trong điều hành doanh nghiệp, sự cạnh tranh luôn là điều quan trọng nhất. Trong nền kinh tế mở như hiện nay, làm sao thắng được trong công cuộc cạnh tranh với các doanh nghiệp cùng ngành không những của trong nước, mà còn cả của nước ngoài nữa – bà Liên lưu ý.

Bộn bề với công việc như vậy, tuy nhiên, khi về nhà, Chủ tịch kiêm CEO của Vinamilk, bà Mai Kiều Liên tự nhận mình chỉ là ô-sin. “Buổi tối, bên cạnh việc nhà thì tôi cũng vẫn trả lời email công việc. Ông xã tôi cũng có thể nấu cơm, tôi lau nhà rất vui vẻ, thoải mái. Nhà tôi không thuê người giúp việc mà tất cả các thành viên tham gia vào công việc gia đình”.

"Người phụ nữ nào có tấm lòng, có tri thức thì sẽ tạo được hạnh phúc"

Từ một doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản, hiện nay Công ty Dương Hậu Giang (DHG) đã trở thành doanh nghiệp (DN) có doanh thu dẫn đầu ngành công nghiệp Dược Việt Nam, 10 năm liền đạt danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao”. Người lèo lái con thuyền  DHG vượt qua bão táp đến thành công là nữ Tiến sĩ, TGĐ Phạm Thị Việt Nga.
Nữ doanh nhân vừa được xướng danh trong Top 50 nữ doanh nhân có thành tích tốt nhất châu Á năm 2013 của Forbes, từng chia sẻ: “Người phụ nữ có 2 điều kiện để phấn đấu, đó là tấm lòng và tri thức. Phải trải lòng ra để sống, biết sống vì mọi người thì bản thân sẽ có sức mạnh vượt qua mọi khó khăn. Tuy nhiên, người phụ nữ thời đại mới còn phải có thêm tri thức để hội nhập dễ dàng, và quan trọng hơn là trở thành người có ích cho xã hội”.   
Bà Phạm Thị Việt Nga sinh ra và lớn lên trong kháng chiến. 14 tuổi, bà đã tham gia cách mạng, việc học hành của bà gian nan không kém chuyện kinh doanh.
Bà kể: Có lần được phía đối tác mời đi nước ngoài, lần đầu tiên đặt chân đến Pháp, bước vào thang máy, thấy mọi người chào: “Good Morning” nhưng bà không hiểu họ nói gì. Vào ở khách sạn, mọi thứ đều không biết, không hiểu, đến nỗi sợ quá bà phải tìm cách liên lạc ra ở nhà người Việt. Chị nghiệm ra: “Nếu không có tri thức thì không thể làm gì cả được” và một lần nữa, bà quyết tâm đi học. Bà chọn học thêm ở lĩnh vực kinh tế vì: “Làm giám đốc một doanh nghiệp dược thì không những phải giỏi về dược mà còn phải giỏi về kinh doanh”.   
Nhớ lại những ngày đầu bước vào cơ chế thị trường cũng là lúc bà Nga nhận vai trò Giám đốc xí nghiệp với biết bao khó khăn: Từ một doanh nghiệp nhà nước quen sống trong bao cấp, sản phẩm chủ yếu phân phối cho các tỉnh của cả nước, mà nay chị phải lo tự hạch toán giá thành, tự quản chi phí, bảo tồn vốn. 
Trước những khó khăn đó, DN đã phải làm thêm đủ việc trái ngành, trái nghề như: lên rừng trồng tiêu, trồng điều, đi Mộc Hóa trồng tràm, trồng sả lấy tinh dầu, học thêu xuất khẩu, nuôi tôm… Song tất cả vẫn không đem lại thêm một đồng doanh thu nào cho xí nghiệp. Lúc này, chị Nga và Ban Giám đốc buộc phải cho giảm biên chế 25% số cán bộ - công nhân viên và kèm theo đó là sự phản ứng của công nhân viên đòi giám đốc phải từ chức. 
Theo bà Phạm Thị Việt Nga, Chủ tịch HĐQT Công ty Dược Hậu Giang: Ngoài tấm lòng, người phụ nữ thời đại mới còn phải có thêm tri thức để hội nhập dễ dàng, và quan trọng hơn là trở thành người có ích cho xã hội.
Theo bà Phạm Thị Việt Nga, Chủ tịch HĐQT Công ty Dược Hậu Giang: Ngoài tấm lòng, người phụ nữ thời đại mới còn phải có thêm tri thức để hội nhập dễ dàng, và quan trọng hơn là trở thành người có ích cho xã hội.

Sức ép DN ngày càng nặng nề, nhưng với bản lĩnh của một đảng viên, bà đã vận động anh chị em cán bộ, công nhân cùng đoàn kết, làm việc không kể ngày đêm, tập trung sản xuất những sản phẩm có nhu cầu sử dụng cho người dân trong tỉnh để trước mắt giải quyết công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động.
Hiện nay, bà được mọi người ưu ái gọi với những cái tên như “bông hoa thép trên thương trường”, “nữ tướng anh hùng ở xứ Tây Đô”, “nữ tướng thời mở cửa”.
Điều đáng quý ở bà Nga đó là tấm lòng yêu hàng Việt, ủng hộ hàng Việt hết mình. Ở bất kỳ hội chợ, hội thảo nào do chương trình hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức, ít khi vắng mặt bà Phạm Thị Việt Nga. Bà thường tự đánh giá mình là doanh nghiệp cấp tỉnh, phải “đeo” theo mấy “anh lớn” ở TP.HCM học tập, thế nhưng những ý kiến đóng góp thẳng thắn rút ra từ thực tiễn hoạt động của bà có khi làm các doanh nghiệp lớn, thậm chí cả các chuyên gia, giật thót mình.
Không chỉ kinh doanh giỏi, người nữ giám đốc ấy còn có tầm nhìn xa trông rộng khi chú ý tới công tác đào tạo và quy hoạch cán bộ kế thừa để đảm bảo sự phát triển lâu dài của xí nghiệp. Với bà, công việc củng cố tổ chức và nhân sự, quan tâm huấn luyện và đào tạo nhân viên được xem là chìa khoá thành công của xí nghiệp.
Bà chia sẻ: “Chưa bao giờ tôi “cầm tay chỉ việc” cả. Tôi chỉ gợi ý, nêu vấn đề để anh chị em làm kế hoạch và thực hiện. Tôi chỉ kiểm tra và tham gia hết mình khi có thời gian. Cho nên tôi vẫn có thời gian để đọc, để học mỗi ngày. Không tìm cách để học thêm mỗi ngày thì dễ...thua lắm”.
Theo bà, để dược nội địa không tiếp tục “chào thua trên sân nhà” thì điều trước tiên phải làm cho mọi người biết đến mình, tức quảng bá sản phẩm và thương hiệu một cách bài bản. Ngoài ra nên có sự sắp xếp vấn đề đầu tư sản phẩm hợp lý. Đặc biệt, bà Nga cho rằng: việc đầu tư cho nghiên cứu khoa học là tối quan trọng. Có như thế mới cho ra đời được các loại thuốc đặc trị, chứ không đơn thuần chỉ là các loại thuốc cảm, thuốc bổ thông thường. 
Bên cạnh việc kinh doanh, bà Nga cũng có một mái ấm gia đình thật hạnh phúc với chồng và 2 người con luôn biết chia sẻ và cảm thông sâu sắc. Với bà, vai trò của người phụ nữ trong việc “xây tổ ấm” cũng rất quan trọng và “bất cứ người phụ nữ nào có tấm lòng, có tri thức thì sẽ tạo được hạnh phúc cho mình và cho mọi người”.

* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!

Vũ Vũ (Tổng hợp)