TS. Trần Công Trục (Ảnh: Tuấn Nam) |
Trao đổi với báo Giáo dục Việt Nam xung quanh ý kiến của một số nhà nghiên cứu về việc Việt Nam cần thành lập lực lượng giám sát biển để ngăn chặn âm mưu gặm nhấm, lan rộng vùng hoạt động của các tàu thuyền Trung Quốc, TS. Trần Công Trục – Nguyên Trưởng ban Biên giới của Chính phủ chia sẻ:
“Trước hết tôi hoan nghênh và chia sẻ ý kiến của các chuyên gia, các học giả về việc để làm sao tăng cường công tác quản lý và bảo vệ chủ quyền, các quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam trong tình hình tranh chấp phức tạp đang diễn ra trong Biển Đông, đặc biệt là phải bảo vệ an toàn cho những ngư dân Việt Nam đang hoạt động vì mưu sinh và góp phần vào việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trong Biển Đông, những người đã phải chịu nhiều hiểm hoạ từ “thiên tai, địch họa”. Tôi rất cảm động trước những đề xuất tâm huyết đó”.
Trên Biển Đông, Trung Quốc sẽ ngày càng 'quyết liệt'?
Phân tích về đề xuất của các nhà nghiên cứu, ông Trần Công Trục cho biết: “Để có thể biến được những ý tưởng thành hiện thực thì chúng ta nên phân tích kỹ hơn bản chất của những hiện tượng, các hoạt động gần đây, vị trí, vai trò của các lực lượng mà Trung Quốc đang tăng cường củng cố, xây dựng cả về số lượng, chất lượng và đang huy động tiến xuống Biển Đông.
Mọi người đều đã biết, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tăng cường xây dựng và đưa vào hoạt động những lực lượng dân sự mang tính chất hành chính: kiểm ngư, tuần hải, hải giám…; đồng thời với việc xây dựng những văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo công cụ pháp lý cho những lực lượng này sử dụng khi triển khai nhiệm vụ chấp pháp trên biển.
Tàu Hải Giám 84 của Trung Quốc (Ảnh: Xinhua) |
Xét về hình thức, dường như đã có một sự chuyển biến trong các hoạt động nhằm áp đặt và giành lấy sự công nhận trên thực tế về cái gọi là “chủ quyền lịch sử”, “danh nghĩa lịch sử” tại các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền, quyền tài phán của các nước khác trong khu vực Đông Nam Á. Có thể thấy rõ đây chỉ là một nước cờ trong một ván cờ đã được tính toán: Ván cờ độc chiếm Biển Đông.
Nhưng, những lực lượng kiểm ngư và hải giám…nói trên, theo đánh giá của nhiều người, thực chất vẫn là những lực lượng vũ trang trá hình. Và, rõ ràng khi cần thì họ có thể biến các lực lượng này “hiện nguyên hình” để tiến hành các cuộc chiến xâm lược như đã từng diễn ra trong quá khứ.
Chúng ta không có gì để bình luận về việc thành lập các lực lượng chấp pháp nói trên. Bởi vì, đây là công việc bình thường mà bất kỳ một quốc gia ven biển nào cũng đều phải thực hiện nhằm bảo vệ, quản lý các vùng biển của mình. Vấn đề đáng nói ở đây là hoạt động của những lực lượng này được thực hiện như thế nào, ở đâu, trong vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền của nước mình hay của nước khác? Nếu hoạt động tại các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của nước khác thì đó là vấn đề đáng được mổ xẻ, lên án và cần phải có phương án ngăn chặn, đẩy lùi chúng.”
Việt Nam cần làm gì trong bối cảnh hiện nay?
Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần làm gì để đối phó, ngăn chặn các hoạt động này để bảo vệ các lợi ích chính đáng của Việt Nam? Theo TS. Trần Công Trục, ý tưởng của các nhà nghiên cứu rằng Việt Nam cần thành lập ngay một lực lượng giám sát biển là hoàn toàn hợp lý. Dù dưới tên gọi gì thì đó vẫn là một lực lượng chấp pháp.
TS. Trần Công Trục nói thêm: “Theo tôi được biết, hiện nay Việt Nam đã có khá đầy đủ các lực lượng chấp pháp trên các vùng biển của mình như Cảnh sát Biển, Bộ đội Biên phòng, Kiểm ngư, Công an, Hải quan… Đó chính là “lực lượng hải giám” cua Việt Nam.
Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây không phải là tên gọi mà là công tác tổ chức, quản lý, chỉ huy, điều phối… trong thực tiễn đã phát huy hết sức manh của chúng hay chưa, Cơ quan trực tiếp chỉ huy, điều động, điều phối chúng đã hợp lý chưa? Tôi cho rằng các nhà nghiên cứu thuộc Quỹ Nghiên cứu Biển Đông có lẽ đang quan tâm đến thực trạng này và mong muốn “lực lượng hải giám” của chúng ta có đủ sức mạnh để làm tròn bổn phận của mình trong tình hình hiện nay. Nói một cách chủ quan, phải chăng các lực lượng chấp pháp trên biển của chúng ta hiện nay vẫn chưa đủ mạnh để có thể thực thi nhiệm vụ chấp pháp trên các vùng biển của mình?
“Tôi nghĩ trong tình huống phức tạp hiện nay, quan trọng nhất là yếu tố thống nhất chỉ huy, điều phối các hoạt động của các lực lượng chấp pháp hiện có của chúng ta. Thực tể hoat động của các lực lượng này trong thời gian qua đã cho chúng ta thấy đề nghị của các học giả thuộc Quỹ nghiên cứu Biển Đông là hoàn toàn có cơ sở, đáng được trân trọng” TS. Trục nói.
Hồng Chính Quang