"Luật sư nói về tin đồn liên quan đến con rể Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc"

20/03/2013 07:34
Tuệ Minh
(GDVN) - “Tôi cho rằng các cơ quan chức năng đã chậm trễ trong việc khởi tố nên đã dẫn đến việc hiểu lầm của gia đình bị hại cũng là dễ hiểu”, LS Giáp Văn Điệp nói.
Liên quan đến vụ án mạng ở TP. Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc gây xôn xao dư luận, Phóng viên báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Luật sư Giáp Văn Điệp - Công ty luật TNHH FANCI về một số vấn đề xung quanh vụ việc này.

Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã huy động rất nhiều lực lượng để đảm bảo an ninh trật tự.
Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã huy động rất nhiều lực lượng để đảm bảo an ninh trật tự.

Cần châm chước cho người nhà nạn nhân nếu bị kẻ xấu kích động.

PV: Thưa Luật sư, đây không phải là lần đầu tiên người dân mang quan tài đến để gây sức ép với cơ quan chức năng trong quá trình “tìm công lý” cho người thân. Tuy nhiên, trong việc này, rất nhiều người đã tập trung đông gây mất an ninh trật tự. Dưới góc độ pháp lý, ông đánh giá thế nào về việc người dân tập trung và người nhà mang quan tài đến cơ quan chức năng?

LS. Giáp Văn Điệp: Theo tôi, thứ nhất, việc người dân mang quan tài đi qua nhiều phố gây mất an ninh trật tự là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên trong trường hợp này phải điều tra làm rõ xem động cơ mục đích của việc làm trên là nhằm mục đích gì? Nếu bị kẻ xấu lợi dụng thì cũng cần xem xét và châm chước cho họ.

Thứ hai là cần xem xét đến biên bản giám định pháp y xem nếu như trong kết luận là nạn nhân chết đuối thì việc bức xúc của người dân là có cơ sở (Tuy nhiên trả lời báo chí đại tá Đỗ Văn Hoành - Phó giám đốc công an tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định biên bản pháp y ghi rõ anh Tuấn Anh bị đánh chết - PV). Nhưng dù thế nào đi nữa thì hành vi gây rối cũng là vi phạm pháp luật: có thể sẽ xử phạt hành chính những đối tượng gây rối. Bộ luật Hình sự quy định "nếu hành vi gây rối mà gây hậu quả nghiêm trọng thì phải bị xử lý theo quy định của bộ luật hình sự”.

PV: Việc mang quan tài là do có tin đồn vụ việc liên quan đến con rể của vị Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc và việc người dân không đồng tình với biên bản giám định pháp y lần thứ nhất. Cho đến nay, thông tin này vẫn chưa được làm rõ. Nếu tin đồn kia là sai sự thật thì theo luật sư, trường hợp này cần được xử lý như thế nào?

LS. Giáp Văn Điệp: Tôi cho rằng trong cả hai trường hợp này cần phải điều tra làm rõ. Phải điều tra xác minh xem cá nhân, tổ chức nào có người bao che cho hành vi phạm tội của ai đó không, động cơ và mục đích đó là gì? Nếu cơ quan chức năng biết có hành vi phạm tội mà che giấu thì bị xử lý hình sự về hành vi che giấu, hoặc hành vi không khởi tố tội phạm.

Còn trong trường hợp thứ hai tức là tin đồn kia chỉ là tin đồn nhảm được các đối tượng tung ra để kích động người nhà nạn nhân và người dân tập trung thành đám đông thì sẽ bị xử lý. Cụ thể là nếu tin đồn là sai sự thật mà gây hậu quả nghiêm trọng thì chế tài xử phạt đã được quy định trong Điều 122 của Bộ Luật hình sự về Tội vu khống như sau:

Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm…

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Làm thế nào để dân không còn mang quan tài đi “đòi công lý”?

PV: Theo luật sư, trước việc có tin đồn như vừa qua thì cơ quan chức năng nên có những động thái như thế nào để tránh việc người dân bị kích động?

LS. Giáp Văn Điệp: Theo tôi, cái gì cũng có nguyên nhân sâu xa của nó, vì vậy chúng ta cần điều tra xác minh làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng xem đã làm hết trách nhiệm để người dân hiểu biết pháp luật hay chưa? Việc làm này để cho một cơ quan cấp trên làm thì tốt hơn, vì tính độc lập cũng như chuyên môn của họ.

PV: Qua những vụ việc như thế này, cơ quan chức năng cần chú ý điều gì để tránh việc người dân bị kích động dẫn đến việc mang quan tài đi “đòi công lý”, thưa ông?

LS Giáp Văn Điệp: Qua việc này tôi cho rằng trước nhất là cơ quan chức năng cần tuyên truyền cho người dân nâng cao kiến thức pháp luật liên quan đến vấn đề họ đang bức xúc.

Trong vụ án, nạn nhân bị chết, do đó gia đình họ sẽ rất bức xúc, vì vậy các cơ quan chức năng phải sớm vào cuộc để điều tra xác minh, tránh việc làm chậm trễ gây hiểu lầm cho người dân. Sau khi giám định pháp y, nếu xác định nạn nhân chết do ngoại lực tác động, điều đó chứng tỏ nạn nhân không phải chết đuối thuần tuý mà do xô xát đánh nhau thì phải tiến hành khởi tố vụ án ngay. Sau đó, tiến hành điều tra xác minh thủ phạm gây ra cái chết đối với bị hại. 

Xin trân trọng cảm ơn Luật sư đã trả lời phỏng vấn!
Tuệ Minh