"Ấn Độ cần chế tạo tàu sân bay hạt nhân, đáp trả TQ ở Biển Đông"

21/03/2013 07:49
Đông Bình
(GDVN) - "Trung Quốc đang có kế hoạch thúc đẩy chiến lược lâu dài thâm nhập Ấn Độ Dương, trong đó họ muốn xây dựng căn cứ tàu ngầm ở Maldives...".
Tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc
Tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc

Trang mạng Ibnlive Ấn Độ vừa có bài viết cho rằng, Trung Quốc có kế hoạch sử dụng lò phản ứng hạt nhân của tàu ngầm hiện có để chế tạo tàu sân bay động cơ hạt nhân, điều này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho Ấn Độ, bởi vì tàu sân bay của Trung Quốc có thể được sử dụng để tuần tra Ấn Độ Dương.

Theo bài báo, một bài viết trên trang mạng của Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Trung Quốc đã thu hút sự tranh luận của dư luận về việc Trung Quốc có kế hoạch sử dụng lò phản ứng hạt nhân của tàu ngầm hiện có để chế tạo tàu sân bay động cơ hạt nhân. Hải quân Ấn Độ cho rằng, Trung Quốc đang có kế hoạch thúc đẩy chiến lược lâu dài thâm nhập Ấn Độ Dương – phần lớn năng lượng của Trung Quốc phải đi qua tuyến đường này.

Bài báo cho rằng, từ năm 2008 trở đi, Trung Quốc đã bắt đầu làm công tác chuẩn bị cho vấn đề này, họ bắt đầu vận hành căn cứ tàu ngầm được xây dựng ở đảo Hải Nam, trên biển Đông, kề sát eo biển Malacca.

Vài tháng gần đây, ngày càng có nhiều tin đồn về việc Trung Quốc gây sức ép với Maldives để cho phép họ xây dựng căn cứ tàu ngầm. Được biết, từ cuối thế kỷ trước đến nay, để bảo đảm an ninh chiến lược năng lượng, chính quyền Bắc Kinh luôn muốn xây dựng căn cứ tàu ngầm ở đảo Marao của Madives, bảo vệ an toàn vận chuyển hàng hóa dầu mỏ trên Ấn Độ Dương.

Ngoài ra, Trung Quốc còn có dự án sân bay ở Hambantota, Sri Lanka, gần đây cũng đã tiếp quản cảng Gwadar của Pakistan – cảng này sâu 14 m, có thể cho phép tàu cỡ lớn neo đậu.

Trung Quốc đã tiếp quản cảng Gwadar của Pakistan
Trung Quốc đã tiếp quản cảng Gwadar của Pakistan

Raja Menon, Thiếu tướng Hải quân nghỉ hưu Ấn Độ cho rằng, “những nơi này đều là nơi có khả năng, nhưng bất kể chúng có trở thành căn cứ hay không, đây đều là một bước nhảy vọt quan trọng, bởi vì điều này có nghĩa là thừa nhận có sự thù địch đối với Ấn Độ, cung cấp căn cứ quân sự cho Trung Quốc. Về điểm này, Gwadar là sự đánh cược tốt nhất, bởi vì ở đó đã xuất hiện dư luận chống Ấn Độ”.

Sreekanth Kondapalli, nhà phân tích vấn đề Hải quân Trung Quốc cho rằng, là một nước lớn của khu vực, Ấn Độ nằm ở ven bờ Ấn Độ Dương, có ưu thế địa lý to lớn, nhưng Ấn Độ không thể tuyên bố sở hữu Ấn Độ Dương, bởi vì đây là đại dương lớn thứ ba trên thế giới áp dụng nguyên tắc tự do hàng hải.

Nhà chiến lược Hải quân Ấn Độ cho rằng, Ấn Độ cần chế tạo tàu sân bay động cơ hạt nhân của họ, đáp trả Trung Quốc ở biển Hoa Đông và biển Đông. Họ cũng nên thành lập đồng minh với Hải quân Nhật Bản và Hàn Quốc, kiềm chế phần lớn Hải quân Trung Quốc.

Biên đội tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc
Biên đội tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc
Đông Bình