Chọn sữa cũng như... chọn trường

21/03/2013 11:32
Theo Pháp luật TP.HCM
Trên thị trường, nếu có thêm nhiều lựa chọn khi chọn sữa cho trẻ là một điều tốt. Thế nhưng đứng trước rất nhiều thông tin quảng cáo và các ý kiến đa chiều về mỗi loại sữa có thể khiến mẹ băn khoăn. Trong trường hợp này, hãy tham khảo cách chọn trường mầm non mà mẹ đã thực hiện khi con ở tuổi lên 3.
Khi “tâm lý đám đông” chiếm ưu thế

“Tâm lý đám đông” là một hiện tượng phổ biến trong xã hội, nhất là tại các nước đang phát triển. Không khó để chúng ta nhận thấy 2 cửa hàng bán cùng một loại thực phẩm nhưng một bên rất nhiều người ghé mua, một bên thì vắng hẳn khách dù nhìn bề ngoài, 2 cửa hàng đều rất sạch sẽ và đẹp mắt. Tâm lý của người tiêu dùng nói chung cho rằng, nhiều người ghé vào mua thì chắc chắn là tốt hơn, trong khi thực tế chưa thể khẳng định. Tương tự, chọn sữa nào cho con, khía cạnh tưởng như cần sự cân nhắc rất kỹ lưỡng thì “tâm lý đám đông” cũng tác động không nhỏ đến quyết định của các bà mẹ.

Cô Nguyễn Thị Thiên Hà, giáo viên trường mầm non bán công Sơn Ca 10, quận Phú Nhuận, chia sẻ: “Quan sát một số bà mẹ có con cùng độ tuổi, tôi nhận thấy họ thường trao đổi với nhau các thông tin về nuôi con như cho con ăn gì, uống loại sữa nào và kèm theo đó là các đánh giá rất chi tiết về sự phát triển của bé. Theo tôi, đây là một điều tốt vì các mẹ sẽ bổ sung kiến thức chăm sóc trẻ cho nhau một cách trực quan sinh động.

Mẹ con cùng chọn sữa.
Mẹ con cùng chọn sữa.


Tuy nhiên, họ cũng là đối tượng dễ bị tác động bởi “tâm lý đám đông”. Nếu cả nhóm 10 bà mẹ với 10 đứa con khác nhau nhưng lại dùng chung một loại sữa là điều này hoàn toàn không nên. Ví dụ, trẻ thừa cân thì không dùng chung sản phẩm dành cho trẻ đang bị thiếu cân. Ngoài ra, “tâm lý đám đông” còn tác động đến các bà mẹ bận rộn. Vẫn còn những bà mẹ, dù không nhiều, chỉ hỏi vài phụ huynh về loại sữa mà họ đang dùng để áp dụng luôn cho con mình. Hoặc cũng vì quá bận rộn mà mẹ chỉ thông qua quảng cáo, vốn có nhiều chiêu trò, mà bỏ quên các tiêu chuẩn quan trọng khi chọn sản phẩm sữa cho con”.

Và sự khôn khéo của các bà mẹ hiện đại


Không thể phủ nhận đánh giá của đám đông luôn có giá trị nhưng đó chỉ là những giá trị mang tính khái quát, tương đối. Vì vậy, bên cạnh việc tham khảo ý kiến đám đông thì các bà mẹ hiện đại ngày càng khắt khe hơn khi lựa chọn sản phẩm sữa cho con. Chị Uyên Phi, mẹ của hai con 3 tuổi và 6 tuổi, khẳng định: “Chúng tôi đã quá sợ hãi trước thông tin hàng ngàn đứa trẻ bị suy thận, suy dinh dưỡng, thậm chí là tử vong do sử dụng sữa giả, sữa chất lượng kém trong thời gian dài. Vì vậy, khi chọn mua sữa cho con, tôi chỉ chọn công ty có uy tín lâu năm, công bố rõ ràng các chứng chỉ về an toàn thực phẩm mà họ đã đạt được. Vậy mới yên tâm!”.

Ở góc độ của người nuôi dạy trẻ chuyên nghiệp, cô giáo Hà so sánh vui: “Tương tự như khi bắt đầu chọn trường cho trẻ, các mẹ khảo sát rất kỹ về chất lượng của: cơ sở vật chất, sự thông thoáng của lớp, độ sạch và an toàn của nhà vệ sinh, việc tổ chức các bữa ăn, sự thân thiện, tận tâm của giáo viên Thậm chí, nếu thấy cô giáo trẻ quá thì mẹ sẽ dành nhiều thời gian hơn để kiểm tra cô … Vì vậy, không dừng lại ở giá cả, hạn sử dụng, thành phần dinh dưỡng cơ bản mà khi chọn sữa cho con, các mẹ còn quan tâm đến “các tiêu chuẩn vệ sinh và an toàn thực phẩm” mà nhà sản xuất áp dụng. Có thể các mẹ không đủ kiến thức của một chuyên gia dinh dưỡng để kiểm tra chất lượng sữa nhưng họ đều hiểu rằng, nếu sản phẩm được sản xuất bởi công ty có kinh nghiệm lâu năm, được chứng nhận đạt các tiêu chuẩn chất lượng về an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn châu Âu hay Mỹ thì chất lượng sẽ được đảm bảo”.

Một số tiêu chuẩn quốc tế về quản lý hệ thống đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm đang được áp dụng tại châu Âu và Mỹ:

- Tiêu chuẩn CODEX: tiêu chuẩn quốc tế về thực phẩm nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và đảm bảo công bằng trong thương mại quốc tế về thực phẩm.

- Tiêu chuẩn FDA: Cục Quản lý Thực phẩm & Dược phẩm Hoa Kỳ

- Tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý: ISO 9001:2008 (chất lượng), ISO 22000:2005 (an toàn thực phẩm), ISO 14000:2004 (môi trường) và OHSAS 18001:2007 (an toàn và sức khỏe nghề nghiệp)


Theo Pháp luật TP.HCM