Cây cối bắt đầu đâm chồi nảy lộc, từng dãy hoa đào, hoa mận, hoa gạo ven đường cũng đang đua nhau khoe sắc thắm.
Hoa gạo nở đỏ rực tô điểm thêm vẻ đẹp của dòng sông Nho Quế |
Vào một buổi chiều chủ nhật, theo chân những chàng trai người Mông ở xã Pả Vi đi câu cá tại sông Nho Quế, tôi đi bộ từ cầu Tràng Hương ngược lên dòng sông dưới chân Mã Pì Lèng khoảng 4 km. Thật bất ngờ khi thấy khung cảnh nơi đây hiện lên thật hùng vĩ. Màu nước sông xanh trong “màu nước biển”, sóng lăn tăn.
Thỉnh thoảng lại nghe thấy âm thanh tiếng gió rít lên như những bản nhạc trữ tình. Dọc hai bên ven bờ sông là những cây hoa gạo đang vào mùa tháng 3 nở đỏ rực càng tô điểm thêm vẻ đẹp lung linh huyền ảo của mảnh đất này. Thấy vậy, đứa em tôi - Seo Văn Bảo tâm sự: “Anh à! Nhìn dòng sông Nho Quế cứ như hình ảnh Vịnh Hạ Long thu nhỏ trên Cao nguyên đá”.
Dáng hình sông Nho Quê trong nắng chiều xuân |
Tôi nghĩ cũng thấy thú vị vì hai bên dòng sông đặc biệt là khu vực dưới chân Mã Pì Lèng từng vách đá dựng đứng cao chót vót chỉ để đủ từng tia nắng xuân chiếu xuống dòng sông Nho Quế lấp lánh như những con cá bạc đang tung lượn trên mặt sóng. Nhưng điểm nổi bật hơn cả ở đoạn sông này, có lẽ chính là hang “Hòn Ếch” do tạo hoá sinh ra không biết từ bao giờ. Nó có hình dáng giống hệt con ếch màu xanh lá cây to bằng chiếc chiếu một ngồi chễm chệ trước cửa hang như đang đợi bạn tình.
Hang “Hòn Ếch” dưới chân Mã Pì Lèng |
Dọc theo hai ven bờ sông, thỉnh thoảng lại thấy từng tốp mấy em nhỏ cũng ra sông câu từng con cá để cải thiện bữa cơm gia đình. Mấy chú bò, chú dê đang chăm chỉ gặm cỏ dọc theo triền núi và cũng không quên ra ven bờ sông soi gương kiểm tra nhan sắc của mình.
Rồi đến những anh Hoạ Mi, chị Chào Mào cũng đang chăm chỉ kiếm chút thức ăn trên từng cành cây gạo, cây xoan và khoe giọng líu lo chẳng kém ai. Tất cả như đều vẽ lên hình ảnh dòng sông Nho Quế nhiều màu sắc.
Chiều về, từng đàn chim đang bay tìm tổ ấm, mấy chú bò cũng lại đủng đỉnh dạo bước về bản và ánh mặt trời chìm dần vào khe núi chỉ để lại dòng sông Nho Quế thơ mộng vẫn uốn lượn chảy về xuôi,...
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi
Quỳnh Lưu