Nhật Bản xây dựng lực lượng Ninja dưới biển để phòng thủ trước TQ

26/03/2013 07:53
Việt Dũng
(GDVN) - Nhật Bản không chỉ tăng cường khả năng phòng thủ trong đó có xây dựng lực lượng “Ninja dưới biển”, mà còn muốn chi viện quân sự cho các nước.
Ngày 6/3/2013, Nhật Bản hạ thủy tàu ngầm diesel lớp Soryu mới
Ngày 6/3/2013, Nhật Bản hạ thủy tàu ngầm diesel lớp Soryu mới

Tờ “Thời báo Hoàn Cầu” Trung Quốc vừa có bài viết cho rằng, quan hệ Trung-Nhật tuy xuất hiện dấu hiệu hòa dịu, nhưng hoạt động bố trí lực lượng phòng thủ đảo Senkaku và các biện pháp tăng cường sức mạnh quân sự của Nhật Bản không hề giảm đi.

Theo báo chí Nhật Bản ngày 24/3, trong đó có tờ “Yomiuri Shimbun”, để tăng cường phòng thủ các hòn đảo tây nam, trong đó có đảo Senkaku, Bộ Quốc phòng Nhật Bản có kế hoạch tăng thêm 6 tàu ngầm mới cho Lực lượng Phòng vệ Biển, đồng thời huấn luyện 400 sĩ quan tàu ngầm.

Tờ “Yomiuri Shimbun” cho biết, Bộ Quốc phòng Nhật Bản có kế hoạch đến năm 2021, đưa lực lượng tàu ngầm 16 chiếc hiện nay tăng lên 22 chiếc. Cán bộ Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, “tàu ngầm là ‘Ninja dưới biển’ mà vệ tinh nhân tạo không thể dò tìm được, nếu tăng lên tới 22 chiếc, hiệu quả kiểm soát rất lớn”.

Trang “Japan News Network” cho biết, Bộ Quốc phòng Nhật Bản còn có kế hoạch xây dựng chương trình đào tạo riêng cho đại đội huấn luyện tàu ngầm của Lực lượng Phòng vệ Biển ở Hiroshima, đào tạo 400 học viên mới.

Được biết, đại đội này đào tạo một sĩ quan tàu ngầm đủ tiêu chuẩn phải mất thời gian 5 năm trở lên. Vì vậy, Bộ Quốc phòng Nhật Bản có kế hoạch đẩy nhanh công tác huấn luyện cho thủy thủ mới. Năm 2012 đã tuyển được 100 học viên mới, năm 2013 sẽ tuyển mới 170 học viên.

Nhật Bản muốn tăng cường sức mạnh cho lực lượng "Ninja" trong lòng biển bảo vệ đảo Senkaku
Nhật Bản muốn tăng cường sức mạnh cho lực lượng "Ninja" trong lòng biển bảo vệ đảo Senkaku

Tờ “Sankei Shimbun” ngày 24/3 cho biết, cùng ngày, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản tiếp tục xác nhận tàu hải giám của Trung Quốc đã liên tục 3 ngày xuất hiện ở vùng biển đảo Senkaku.

Xét thấy gần đây Trung Quốc liên tục điều tàu hải giám đến “tuần tra” ở vùng biển đảo Senkaku, đồng thời có xu hướng tăng cường quyền hạn, ảnh hưởng cho cơ quan chính phủ, Nhật Bản có kế hoạch sử dụng 4 tàu hộ vệ nghỉ hưu của Lực lượng Phòng vệ Biển làm tàu tuần tra trên biển.

Nhưng, bài báo cho rằng, do bị hạn chế bởi Luật an toàn tàu thuyền, tàu chiến muốn chuyển mục đích sử dụng thì phải tiến hành cải tạo. Ngoài ra, tàu hộ vệ mang theo máy bay còn phải có nhân viên kỹ thuật nắm được công nghệ đặc biệt. Đối với vấn đề này, các quan chức bảo vệ bờ biển Nhật Bản cũng cảm thấy phức tạp, họ tuy bày tỏ biết ơn với sự quan tâm của Chính phủ, nhưng cũng cảm thấy có rất nhiều vấn đề.

Theo bài báo, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã động viên tàu tuần tra trên toàn quốc để ứng phó, nhưng vẫn cảm thấy choáng ngợp. Mặc dù Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã quyết định thiết lập lực lượng ứng phó riêng nhằm vào Trung Quốc, nhưng sớm nhất cũng phải đến năm 2015 mới hoàn thành xây dựng.

Thủy phi cơ cỡ lớn US-2 do Nhật Bản tự sản xuất.
Thủy phi cơ cỡ lớn US-2 do Nhật Bản tự sản xuất.

Cùng với việc tích cực tăng cường trang bị vũ khí cho bản thân, Nhật Bản còn thông qua tích cực chi viện cho các nước xung quanh để kiềm chế Trung Quốc. Tờ “Sankei Shimbun” ngày 24/3 cho biết, Chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu làm thủ tục xuất khẩu cho Ấn Độ thủy phi cơ, loại máy bay hoạt động cả trên bộ và dưới nước, được trang bị cho Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.

Ngoài ra, Nhật Bản cũng có thể xuất khẩu loại máy bay này cho các nước như Thái Lan, Indonesia. Tờ “Sankei Shimbun” bình luận, nếu các nước Đông Nam Á (trừ Ấn Độ) cũng đều sở hữu trang bị này thì sẽ tạo được hiệu quả kiềm chế đối với Trung Quốc – nước đang vươn ra biển với một thái độ uy hiếp, bất chất tất cả.

Việt Dũng