Ngủ đêm ở Quảng Châu
Sau buổi sáng trọn vẹn ở Chợ 13, tôi và Tâm mệt nhoài, lê từng bước nặng trĩu cố bám sát người dẫn đường để không bị tụt lại giữa dòng người đông như kiến cỏ. Anh Lục mồ hôi vã như tắm, kéo loẹt xoẹt những túi hàng lớn trên nền đất rồi hổn hển hỏi chúng tôi muốn mua sắm tiếp những gì. Tôi liếc đồng hồ, mới gần 14h chiều mà sao cơ thể tôi đã cả mười phần rã rời. Còn Tâm thậm chí còn tệ hơn, mặc dù cô nàng chỉ đi tay không.
Cho đến cuối giờ chiều, sau khi "rạc cẳng" ở chợ giày dép, chợ túi xách và một chợ quần áo nữa tên là Xa Hớ, chúng tôi đã gom thêm được 7 túi hàng căng phồng nữa để tăng tổng số hàng lên 14 túi, mỗi túi nặng khoảng 10kg. Tâm nhẩm tính mới chỉ hết non nửa số vốn bởi cô chọn mua nhiều sản phẩm giá rẻ, chỉ 10-30 tệ/sản phẩm. Anh "tai" cho biết với những khách hàng lớn, các cửa hàng có chính sách miễn phí vận chuyển đến tận khách sạn, hoặc móc ngoặc đưa thẳng về Việt Nam.
Tối hôm ấy, cả tôi và Tâm, mệt mỏi đến rã rời, hai bắp chân căng cứng vì đi bộ nhiều quá, chỉ muốn ngủ một giấc thật dài cho lại sức. Nằm ở giường bên cạnh, tôi thấy Tâm thở khe khẽ, đều đặn, thiêm thiếp dưới lớp chăn mỏng. Tóc tôi vừa tắm xong chưa kịp khô, nước lạnh chảy vào mắt, cay xè. Một cảm giác khó tả xâm chiếm toàn bộ tâm hồn. Học với nhau trọn vẹn cả 4 năm đại học, trong khi Tâm nổi tiếng sắc sảo hoạt bát thì tôi lại hiền và nhút nhát. Có lẽ vì thế, cô bạn người Phú Thọ mới tin tưởng tôi đến vậy. Tôi quay mặt lại cố không nhìn Tâm thêm nữa, ép đầu óc nghĩ về những gì đang chờ đợi ngày mai. Và cứ thế, tôi thiếp đi...
Một gian hàng chuyên bán đồ "nhái" Louis Vuitton tại chợ Bạch Vân, chiếc túi trị giá 300 tệ, bằng 1/70 giá túi chính hãng. |
Tiếp cận hàng hiệu nhái
Chúng tôi quyết định khám phá công nghệ làm hàng hiệu nhái, sau khi Tâm đã hòm hòm các hạng mục mua sắm của mình. Số vốn ban đầu đã tiêu gần hết, nay cô bạn muốn tự sắm sửa cho cá nhân những món hàng hiệu "siêu nhái" mà theo quảng cáo của anh Lục, là chỉ những người thực sự am hiểu mới có thể phân biệt được. Anh "tai" Lục tuy thật thà, nhưng lúc cần cũng "diễn" rất được. Anh dẫn chúng tôi (lúc đó trong vai là hai khách "tả bao" cỡ bự) đi khám phá phần đẳng cấp nhất của "kinh đô hàng chợ".
Cả chợ Bạch Mã và Bạch Vân đều là những tòa nhà bề thế, cao vút với rất nhiều gian hàng được bài trí sang trọng, một chuyên quần áo và một chuyên đồ da. Tuy đều là hàng nhái nhưng do được làm cẩn thận bằng chất liệu tốt nên giá bán hàng hóa ở đây cao hơn hẳn so với mặt bằng giá chung. Được người dân gọi là "phần đẳng cấp nhất" của Quảng Châu. Anh Lục dẫn chúng tôi lên tầng 7 chợ Bạch Mã, dừng chân tại một gian hàng lớn trưng bày các phẩm cao cấp dành cho nam giới rồi nói gì đó với một người phụ nữ trung niên, dáng bà chủ. Người phụ nữ nghe xong, gương mặt mừng rỡ, nở một nụ cười tươi rói rồi ra đon đả chào mời chúng tôi bằng tiếng Anh. Bà chủ tên Xảo này là số ít tại Quảng Châu nói tốt tiếng Anh.
Tôi rảo bước vào, ấn tượng đến từng chi tiết bởi sự lịch lãm và tinh xảo của gian hàng. Bà Xảo nhanh nhảu giới thiệu: "Thế mạnh của chúng tôi là làm hàng "nhái" các mẫu hàng của Ý. Tuy nhiên quý anh chị cần bất cứ sản phẩm của hãng nào chúng tôi cũng nhận, bao nhiêu cũng có". Thấy tôi thập thò máy ảnh trong tay, bà Xảo vội xua đi, giải thích: "Ở đây cấm chụp ảnh, các cửa hàng sợ bị đánh cắp mẫu mã".
Tâm tuy không dám nhận là tín đồ sành sỏi, nhưng sau nhiều lần đua theo chúng bạn mua hàng hiệu, giờ đây cũng có chút kiến thức. Cô mân mê chiếc áo khoác nam hiệu Gucci rồi thì thầm vào tai tôi: "Hàng đẹp từ chất liệu đến đường may. Đúng là không thể phân biệt được!". Tôi lật thử bên trong thấy đường may rất sắc sảo, miếng vải lớp túi lót in mờ tên hãng "Gucci", các tem size, bảng hướng dẫn giặt, nút dự phòng... đều đầy đủ các đặc điểm mà thương hiệu này hay sử dụng. Trong cửa hàng, còn đủ các thương hiệu nổi tiếng khác của Ý như D&G, Valentino, Mango, Milano, Versace... Ngoài ra còn một số mẫu quần áo không thấy in nhãn mác nhưng trông cũng rất "khôn". Bà Xảo giải thích: "Đó là quần áo đặt riêng. Anh chị muốn gắn nhãn của hãng nào, chúng tôi xin phục vụ như ý".
Chọn lựa được mẫu áo khoác ưng ý, hiệu Versace, chúng tôi hỏi giá thì bà Xảo vồn vã nói: "Nếu quý anh chị đây ký hợp đồng lấy hàng với số lượng lớn, giá của mỗi cái là 230 tệ (khoảng 750 ngàn đồng), cam kết giao về tận Việt Nam. Nhưng nếu chỉ lấy một chiếc, giá là 650 tệ". Tâm kéo tôi lại, giục mua chiếc áo rồi thầm thì: "Cái này ở Hà Nội bán hơn 8 triệu đồng, không khác một ly".
Tan tành niềm kiêu hãnh hàng hiệu
Vừa gói chiếc áo khoác lại, bà Xảo vừa niềm nở tiếp thị về sự ưu việt của cửa hàng mình. Theo đó, cửa hàng bà có thể làm "nhái" bất cứ mẫu quần áo hàng hiệu nào trên thế giới chỉ sau 5 ngày chúng xuất hiện. "Chỉ cần gửi mẫu qua email và gọi điện cần hàng vào ngày nào, công ty chúng tôi sẽ có hàng gửi sang cho quý anh chị đúng theo hợp đồng".
Lấy cớ cần tham khảo thêm, chúng tôi tạm biệt bà Xảo rồi tiếp tục cuộc khám phá của mình trong chợ Bạch Mã. Có hàng trăm gian hàng như của bà Xảo tại đây. Gian hàng nào cũng sẵn sàng phô trương thế mạnh của mình trong việc làm "nhái" hàng hiệu. Tâm vẫn chưa hết bức xúc, cô vừa đi vừa ê a hát bài "Thôi đừng chiêm bao" của Lệ Quyên để tự giễu cợt mình. Lát sau tôi thấy Tâm vui trở lại khi tự mua cho mình được hai chiếc áo cực đẹp một gắn mác Burberry, một gắn mác D&G với giá chỉ xấp xỉ 400 tệ (chừng hơn 1,2 triệu đồng). Cô nói những chiếc áo kiểu này ở Việt Nam không bao giờ có giá dưới 5 triệu đồng và tự dặn mình: "Không bao giờ tin được vào cái gọi là "hàng hiệu" tại Việt Nam và sẽ không bao giờ mua nữa".
Mọi việc ở chợ đồ da Bạch Vân diễn ra tương tự với những gì chúng tôi trải qua ở Bạch Mã. Vẫn những sản phẩm đẹp, sắc sảo và tinh tế đến ngộp thở khiến hai chúng tôi chỉ biết ngẩn người ra nhìn ngắm. Tuy nhiên, ở Bạch Vân sự tiếp thị diễn ra dè dặt hơn. Theo anh Lục, bởi nhiều sản phẩm bị "nhái" tại đây thuộc hàng xa xỉ phẩm, giá thực tế siêu đắt (có sản phẩm lên tới hàng chục nghìn USD), nên cơ quan chức năng cũng để mắt đến khu vực này nhiều hơn. Và cũng chính tại đây, tôi "cay đắng" phát hiện ra chiếc thắt lưng hiệu CK tôi đang đeo (được quảng cáo là hàng xịn 100%, mua tại một trung tâm lớn ở Hà Nội với giá gần 2 triệu đồng) được bán nhan nhản với giá chỉ 110 tệ, tương đương 360 nghìn đồng. Sự thất vọng ấy còn đeo đuổi tôi đến mãi khi ra về, vào tận trong phòng nghỉ và chỉ thực sự bị xua đi bởi sự xuất hiện quá bất ngờ của một nhân vật lạ mặt, tự đến trước cửa phòng rồi giới thiệu là A Bắc...