Bộ trưởng Thăng truy vấn TGĐ Vinalines bỏ họp

28/03/2013 12:45
Đình Thắng/tienphong
Ngày 27/3, lần đầu tiên, những bất cập của các doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT được công khai chấn chỉnh. Theo đó, lãnh đạo Vinalines và Vinashin cũng bị người đứng đầu Bộ GTVT nhắc nhở, phê bình vì tiến độ tái cơ cấu chậm chạp.
Bộ trưởng Đinh La Thăng
Bộ trưởng Đinh La Thăng

Tại Hội nghị đẩy mạnh công tác tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ GTVT ngày 27/3, đến phần trình bày của đại diện Vinalines, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng truy vấn người đứng đầu đi đâu, bỏ cuộc họp quan trọng bàn tới vận mệnh của doanh nghiệp. Khi được báo cáo tổng giám đốc đi Campuchia, ông Thăng nói: “Đi Campuchia có cứu được Vinalines không”.

Tiếp đến, ông Thăng hỏi: Đề án tái cơ cấu của Chính phủ, Vinalines có thực hiện được không? Thay mặt Vinalines, Phó TGĐ Lê Anh Sơn nói: “Xoá nợ thì tái cơ cấu mới thành công, giảm áp lực trả nợ”. Chủ trì cuộc họp, Bộ trưởng Thăng hỏi, vậy khi triển khai cụ thể vướng gì? “Ngân hàng không muốn cho khoanh nợ”, Phó TGĐ Sơn nói.

“Tôi nói với anh Sơn nhé, chả ngân hàng nào không muốn khoanh nợ. Thực tế là không trả được nợ”, Bộ trưởng Thăng đáp lời. Thứ trưởng GTVT Nguyễn Văn Công (theo dõi mảng hàng hải) cũng được viện tới để lý giải vì sao công tác tái cơ cấu tại Vinalines chậm, đã giải thích: “Vinalines làm các phương án chậm”.

“Tôi nói với anh Sơn nhé, chả ngân hàng nào không muốn khoanh nợ. Thực tế là không trả được nợ”. 

Bộ trưởng Đinh La Thăng

Phó TGĐ Vinalines Lê Anh Sơn sau đó khẳng định, nếu không tái cơ cấu, Vinalines sẽ có nguy cơ phá sản. Đến nay, doanh nghiệp này không còn khả năng trả các khoản nợ. Tuy nhiên, những bước đi cụ thể của kế hoạch tái cơ cấu vẫn chậm trễ do nhiều vướng mắc.

Còn với Vinashin, tân TGĐ Vũ Anh Tuấn cho biết không có nhiều tiến triển với việc tái cơ cấu. Trong khi đó, một báo cáo của Vụ tài chính (Bộ GTVT) cho thấy: Vinashin mất hoàn toàn vốn chủ sở hữu, không có vốn để hoạt động sản xuất kinh doanh; dư nợ vay lớn; kinh doanh thua lỗ, lỗ luỹ kế lớn.

Theo tính toán, Vinashin đã hoàn thiện bàn giao 42 tàu xuất khẩu với tổng số tiền thu về là 5.061 tỷ đồng, trả nợ ngân hàng 2.924 tỷ đồng, giảm nghĩa vụ bảo lãnh hoàn ứng 4.092 tỷ đồng. Nếu không tái cơ cấu, tập đoàn này sẽ thiệt hại khoảng 10.000 tỷ đồng với các sản phẩm dở dang.

Lần này, Bộ GTVT quyết tâm cổ phần hoá bằng được nhiều doanh nghiệp. Từ hàng trăm doanh nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, đến nay Bộ GTVT chỉ còn 88 đơn vị có 100% vốn nhà nước.

Đình Thắng/tienphong