Học sinh 'ngồi nhầm lớp': Chuyện dài nhiều tập

01/04/2013 14:49
Nguyễn Quốc Vỹ
(GDVN) - Chuyện học sinh ở các bậc học, các vùng miền trong cả nước “ngồi nhầm lớp” không phải là mới phát hiện ra trong thời gian gần đây và cũng không còn là vấn đề “nóng” của ngành giáo dục hiện nay. Nhưng khi báo chí đưa tin về một trường hợp nào đó “bị phát hiện” thì các nhà giáo dục cho đó là trường hợp ngoại lệ!
Vấn đề này đã tồn tại từ rất lâu. Và cũng chính vì biết rất rõ điều đó nên Bộ GD&ĐT đã phát động các phong trao “nói không” trong các cơ sở giáo dục trên cả nước. Tuy nhiên, trong khi các phong trào này đang còn chờ kiểm chứng hiệu quả, đang còn chờ tổng kết, báo cáo thì ngành giáo dục phải liên tiếp đón nhận những thông tin không như mong đợi. Vấn nạn “ngồi nhầm lớp” cũng chỉ là một trong nhiều vấn nạn mà do bệnh thành tích gây ra.
Học sinh lớp 9 không làm nổi phép chia!
Học sinh lớp 9 không làm nổi phép chia!
Khi các nhà báo “mục sở thị” và đưa tin thì các cơ quan, các cấp có trách nhiệm tìm cách đổ lỗi, né tránh và lấy rất nhiều lý do để biện minh cho các yếu kém (nếu có). Không những thế, kể cả lấy những lý do hết sức “trời ơi” để cho rằng yếu kém mà bị đánh giá chỉ là sai sót nhất thời. Chỉ là do: “Đôi khi các em biết, nhưng người lạ mặt các em ít hợp tác với người ta” như ông Trương Chí Tuyển - phó hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Đăk Kôi phát biểu với phóng viên trong bài viết: “Học sinh lớp 9 không làm nổi…phép chia”. Vì bệnh thành tích cũng như giáo viên và nhà trường phải đạt các chỉ tiêu đã đề ra trong năm học, các nhiệm vụ mà ở trên giao cho… chỉ làm cho giáo viên thêm áp lực và cách giải quyết tốt nhất, giải quyết cho xong là học sinh nào cũng đạt khá giỏi. Khi đã khá, giỏi thì chắc là không bị khiển trách, không bị hạ thi đua mà còn được khen thưởng từ cá nhân cho đến tập thể. Nhiều giáo viên trong quá trình dạy, tiếp xúc với học sinh thì chắc chắn phải biết trình độ học lực của từng em. Nhưng, thay vì tìm cách giúp đỡ, bồi dưỡng thêm thì “cho qua” với lý do đó là “sản phẩm” của các lớp dưới, là “lỗi hệ thống”, là vì “dưới đưa lên thì mình phải nhận” thì chuyện này vẫn còn dài dài, vẫn còn một vòng luẩn quẩn. Học sinh tốt nghiệp phổ thông, sinh viên tốt nghiệp đại học có thể sẽ không dùng đến những phép toán rắc rối, có thể không áp dụng định lý, định luật để chứng minh. Nhưng, chỉ bốn phép toán: cộng, trừ, nhân, chia mà không thực hiện được thì thật đáng buồn cho nền giáo dục nước nhà. Danh hiệu học sinh khá, giỏi hay những tờ giấy khen không thể là “tấm giấy thông hành” để giúp một người trưởng thành có thể có được việc làm hay sống tốt. Sao không dạy cho học sinh những điều cơ bản nhất, nhỏ nhất và cần thiết nhất mà chạy theo thành tích để rồi ra những “phế phẩm” như thế này?
Nguyễn Quốc Vỹ