"Đọc bức thư gửi lãnh đạo TQ như xát muối vào lòng người dân Việt Nam"

04/04/2013 08:11
Nguyễn Việt Chiến
(GDVN) - "Còn trong tâm trí và ánh mắt trẻ thơ (như các em học sinh lớp 4 ở Hà Nội từng viết thư cho lãnh đạo Trung Quốc), thì tình yêu quê hương biển đảo ấy lại đặt ra những câu hỏi nhức nhối, khiến cho người lớn chúng ta đôi khi cũng phải giật mình vì tư duy logic của trẻ em thời hiện đại...".
Chỉ với tư cách một công dân (chứ chưa cần phải là nhà thơ đã viết bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển), tôi cũng đã cảm nhận được tình yêu quê hương, đất nước tha thiết và ngời sáng qua lá thư của các em học sinh lớp 4 ở Hà Nội và qua bài thơ khá xúc động của một sinh viên Đại học Sư phạm Huế được đăng trên báo điện tử Giáo dục Việt Nam.

Bên mộ đồng đội ở đảo Trường Sa Đông
Bên mộ đồng đội ở đảo Trường Sa Đông


Qua những bức thư giầu tình cảm và hồn nhiên của các em nhỏ học lớp 4 một trường tiểu học ở Hà Nội gửi lãnh đạo Trung Quốc, thể hiện nỗi buồn của trẻ thơ (khi các học sinh này nhập vai một em nhỏ có bố là thuyền viên trên chiếc tàu đánh cá Việt Nam vừa bị tàu Trung Quốc bắn cháy ca- bin trên biển Đông), tôi nghĩ rằng trước hết, có lẽ chúng ta nên cảm ơn và chúc mừng cô giáo Đặng Nguyệt Anh, giáo viên dạy Ngữ văn Trường THPT Hà Nội – Amsterdam, là người đã góp phần đánh thức tình yêu đất nước trong tâm hồn còn rất ngây thơ của các em hôm nay.

Chúng ta cũng nên cảm ơn và chúc mừng Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã kịp thời đăng những bức thư khá hồn nhiên và cảm động của các em vào thời điểm mà sự kiện tàu đánh cá Việt Nam bị bắn cháy trên chính lãnh hải quê hương mình đang là nỗi đau của người dân Việt Nam và thu hút sự lo lắng, quan tâm của cộng đồng quốc tế.

Những năm gần đây, dư luận có không ít người lo lắng trước dấu hiệu vô tâm, quên lãng của lớp người trẻ tuổi trước lịch sử dân tộc và tình yêu đất nước. Nhưng qua thực tế những bức thư của trẻ thơ gửi lãnh đạo Trung Quốc và bài thơ hướng về biển đảo đăng trên báo điện tử Giáo dục Việt Nam, tôi cho rằng điều quan trọng thiết yếu căn cốt trong môi trường giáo dục và truyền thông hôm nay, chúng ta phải có những hoạt động thiết thực khơi dậy và nuôi dưỡng tình yêu đất nước, niềm tự hào trước lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông cho thế hệ trẻ bằng cách nào đó thật sinh động và thật gần gũi, truyền cảm để có thể rung động một cách thật sự, sâu sắc với các em học sinh những tháng năm này".
- Nguyễn Việt Chiến



Chính phát xuất từ cảm hứng được gợi lên những bức thư đau đáu nỗi lo trẻ thơ này, mà bạn Hương Mai, sinh viên lớp Văn 2c, Đại học sư phạm Huế đã viết được một bài thơ khá xúc động “Gửi cho con tình yêu đến Biển” khi em nhập vai người con tâm sự bằng thơ với ba mình là một người lính hải quân xa nhà đang ngày đêm canh giữ biển đảo quê hương.

Bài thơ của Hương Mai viết theo thể tự sự khá đầy đặn cảm xúc cũng như hình ảnh, em dùng thơ để kể chuyện về nỗi buồn của mẹ và em khi ba vắng nhà, nỗi buồn xa cách người thân của các gia đình bộ đội những năm tháng này. Và để vượt lên trên nỗi buồn xa cách ấy không có gì khác là tình yêu Tổ quốc, tình yêu biển đảo quê hương đã được Hương Mai thể hiện khá thành công trong đoạn thơ này:

Ba bảo con ba đi canh sóng dữ
Ngoài đảo xa xôi gió thét đêm ngày
Mấy cái tết ba không về rồi nhỉ
Giữa đảo xa chắc ba sẽ thấy buồn...

Rồi bỗng một ngày con thấy yêu thương
Từng ngọn sóng nơi đảo xa yêu dấu
Bỗng nhận ra tình yêu mình nung nấu
Là một phần từ ngọn lửa của ba...
 
Thật có lý và cũng thật xúc động khi tình yêu đất nước của bạn sinh viên Huế nói trên đã được thắp sáng từ ngọn lửa tình yêu  biển đảo đang rực cháy trong tâm hồn của người cha đang trụ vững nơi “Đầu sóng ngọn gió” để canh giữ sự bình yên cho Tổ quốc Việt Nam những tháng năm này.

Ảnh bìa của tập trường ca tổ quốc nhìn từ biển
Ảnh bìa của tập trường ca tổ quốc nhìn từ biển


Còn trong tâm trí và ánh mắt trẻ thơ (như các em học sinh lớp 4 ở Hà Nội từng viết thư cho lãnh đạo Trung Quốc), thì tình yêu quê hương biển đảo ấy lại đặt ra những câu hỏi nhức nhối, khiến cho người lớn chúng ta đôi khi cũng phải giật mình vì tư duy logic của trẻ em thời hiện đại như đoạn thư dưới đây:

“Cớ sao bố cháu và các chú bác làm trên tàu lại bị đe dọa, sao tàu của bố cháu lại bị bắn cháy, thưa ông? Bố cháu không làm gì sai cả, bố cháu chỉ đi đánh cá trên biển chủ quyền của Việt Nam chứ không phải Trung Quốc. Bây giờ có ai hại gia đình ông thì ông có thấy đau đớn không ạ?

Chiếc thuyền đó là mồ hôi, công sức của bố cháu và các thuyền viên. Từ lâu nhà cháu làm nghề đánh cá, bây giờ tàu cháy, không thể ra khơi được, nhà cháu bây giờ sẽ lâm vào tình cảnh khó khăn. Người Việt Nam cháu yêu chuộng hòa bình, không bao giờ coi Trung Quốc là kẻ thù. Từ xưa, Trung Quốc đã thường xuyên tấn công xâm lược nước cháu. Ông có biết rằng đã có bao nhiêu người đã đổ máu vì chiến tranh không? Trung Quốc là một nước giàu mạnh, đáng lẽ phải bảo vệ Việt Nam, sao lại đi đánh nước yếu?”.

Ôi chao! Những câu hỏi và lập luận của trẻ thơ cứ như muối xát vào vết thương tâm hồn mỗi người Việt Nam yêu nước hôm nay. Trong bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” tôi có một liên tưởng nhiều trăn trở:

Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển
Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng
Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa
Trong hồn người có ngọn sóng nào không?

Khi viết những câu thơ này, tôi chỉ dám đặt câu hỏi: Vào thời điểm Tổ quốc như con tàu đang gặp bão giông ngoài biển cả thì trong tâm hồn mỗi người dân Việt Nam hôm nay có còn dâng trào ngọn sóng yêu nước nào hay không?

Nhưng tôi thật không ngờ, tới hôm nay, khi đọc những bức thư của học sinh lớp 4 (của cô giáo Nguyệt Anh ở Hà Nội), tôi chợt thấy ngọn sóng yêu nước ấy lại đang dâng trào trong tâm hồn trẻ thơ cũng như trong bài thơ của một sinh viên sư phạm Huế.

Và, tôi mãi tin tưởng rằng: Non sông Việt Nam sẽ muôn đời vững bền với tình yêu nước thiết tha của lớp người trẻ tuổi đang nối tiếp nhau làm nên những ngọn sóng yêu nước trên dải đất hình chữ S thân yêu này.

Và hôm nay, tôi xin gửi đến độc giả của báo Giáo dục Việt Nam một trích đoạn trong tập Trường ca “Tổ quốc nhìn từ biển”  mới nhất gồm hơn 1.000 câu thơ của tôi vừa được Tạp chí Văn nghệ Quân đội phối hợp với NXB Lao Động ấn hành đầu năm 2013 để đưa về tủ sách các quân đoàn và quần đảo Trường Sa cho bộ đội đọc.

>>>Tập trường ca "tổ quốc nhìn từ biển" (Trích trường ca) của nhà báo Nguyễn Việt Chiến:

Nguyễn Việt Chiến