Trong cuộc gặp gỡ với báo chí chiều 5/4, ông Đỗ Công Chính cho biết, việc Thiếu tướng Nguyễn Tiến Lực - Tổng cục phó Tổng cục Cảnh sát - phát biểu: "Việc quy định SJC là thương hiệu vàng quốc gia đã đem lại lợi ích cho Cty SJC và phương hại đến lợi ích các thương hiệu vàng miếng khác" là không đúng thực tế.
Theo ông Chính, kể từ khi Nghị định 24 của NHNN có hiệu lực từ tháng 5.2012 đến nay, SJC đã bàn giao tất cả các khuôn rập (cũ và mới) cho NHNN quản lý. Mỗi khi sản xuất phải có giấy phép của NHNN, CN NHNN TPHCM sẽ bàn giao khuôn và sản xuất gia công dưới sự giám sát của Tổ giám sát của NHNN. SJC cũng không còn toàn quyền sản xuất, phân phối, quyết định giá, mà do Ngân hàng Nhà nước quyết định.
Lợi nhuận trong thời điểm này cũng chỉ từ hoạt động kinh doanh bình thường khác, không xuất phát từ lợi ích do thương hiệu SJC mang lại như trước nữa. Bởi hàng hóa không còn thuộc SJC quản lý, Ngân hàng Nhà nước ấn định giá bán, giá mua vàng. Như vậy SJC không có lợi nhuận lớn.
Do đó, doanh thu, sản lượng và lợi nhuận của Cty SJC đã sụt giảm hơn 65% so với năm 2011. Vậy thì không thể nói SJC hưởng lợi. Còn về vấn đề làm phương hại đến lợi ích các thương hiệu khác, ông Chính đã cho biết, từ ngày 25.8.2012 đến ngày 31.3.2013, số lượng vàng miếng SJC được sản xuất từ vàng miếng thương hiệu khác lên đến gần 150.000 lượng vàng.
Trong khi đó, số lượng sản xuất SJC từ vàng miếng SJC móp méo hay từ vàng nguyên liệu nhập khẩu thấp hơn con số này rất nhiều. Tất cả những chi tiết về số liệu nói trên đã được SJC gửi cho Tổng cục Cảnh sát. Nói điều này để thấy ai là người được hưởng lợi từ mức chênh lệch giá từ 3-5 triệu đồng /lượng từ giá vàng nguyên liệu với giá vàng miếng SJC hoặc giá vàng miếng khác loại với SJC - ông Chính phân trần.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi
Theo Lao động