Nếu thi môn Sử chắc các em cũng sẽ xé... môn Địa

08/04/2013 10:43
Theo Tuổi Trẻ
Đó là quan điểm của ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM xung quanh sự kiện học sinh Trường THPT Nguyễn Hiền, Q.11 xé đề cương môn Sử ném trắng sân trường được phản ánh hôm 7/4 vừa qua.
Trả lời Báo Tuổi Trẻ, ông Lê Hồng Sơn nói: "Với chế độ thi cử như hiện nay, nếu thi tốt nghiệp THPT môn địa thì học sinh sẽ quăng đề cương môn sử. Nếu thi tốt nghiệp môn sử thì quăng môn địa hoặc môn nào khác. Đó là phản ứng tự nhiên của lứa tuổi học trò. Hoặc cũng có thể trước đó các em đã đoán được sẽ thi môn này, môn kia, khi Bộ GD-ĐT chính thức công bố trùng hợp với suy đoán của mình nên các em reo hò.

Về chương trình thì đúng là vẫn còn nặng nề mặc dù đã giảm tải. Tôi mong rằng chương trình, sách giáo khoa sau năm 2015 sẽ khắc phục được tình trạng này".

Ngoài ra, một số chuyên gia khác cũng đưa ra quan điểm của mình.

Dãy phòng học khu A - nơi học sinh khối 12 Trường THPT Nguyễn Hiền, Q.11, TP.HCM xé đề cương ôn thi môn sử rải khắp trường (ảnh chụp chiều 7-4) - Ảnh: Như Hùng
Dãy phòng học khu A - nơi học sinh khối 12 Trường THPT Nguyễn Hiền, Q.11, TP.HCM xé đề cương ôn thi môn sử rải khắp trường (ảnh chụp chiều 7-4) - Ảnh: Như Hùng


* TS Đinh Phương Duy (chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục TP.HCM): Cần thay đổi nhận thức về giá trị môn sử

Dưới góc độ tâm lý, có thể lý giải hành động của các em học sinh theo hai hướng sau.

Thứ nhất, về chủ quan có thể các em dự đoán sẽ thi tốt nghiệp môn lịch sử, đã đầu tư khá nhiều công sức cho môn học này nhưng cuối cùng không phải thi nên tức giận.

Thứ hai, có thể học sinh ngán ngại môn lịch sử, nên khi nghe tin không phải thi tốt nghiệp môn này đã xé bỏ tài liệu như xả được nỗi lo lâu nay về môn học mình không yêu thích. Đó cũng là một thái độ của học trò đối với môn lịch sử, phản ánh lâu nay môn sử chưa thỏa mãn nhu cầu học sinh, nội dung và cả cách thức giảng dạy làm học sinh chán môn học này.

Bộ GD-ĐT cũng cần có động thái nào đó để học sinh yêu thích môn sử. Trước hết cần làm thay đổi nhận thức, phải làm sao cho thầy cô, học sinh và cả xã hội nhận thức lại giá trị môn sử trong chương trình học.

Các nước rất chú trọng môn lịch sử. Nhiều nhà lãnh đạo tốt nghiệp ngành sử. Chính lịch sử không chỉ cung cấp số liệu, sự kiện mà còn nói lên quá trình phát triển tư duy của cả dân tộc, thông qua đó phát triển trí tuệ của học sinh chứ không chỉ đơn thuần là môn học thuộc lòng. Đã đến lúc các nhà quản lý giáo dục cần chú ý làm sao để học sinh yêu thích môn sử, thông qua môn học này giáo dục lòng tự hào dân tộc và phát triển tư duy về lịch sử của VN một cách phù hợp.

* TS sử học NGUYỄN NHÃ: Hỏng ở chuyện dạy - học đối phó

Cái hỏng nhất của giáo dục hiện nay là người ta chỉ lo học để đối phó, dạy đối phó chứ không phải là thực học. Do cách hướng dẫn mình tập trung cho dạy đi thi chứ không phải là dạy làm người, học làm người đã tạo ra chuyện học đối phó, hỏng ở đó. Dạy - học cốt để có điểm là sai lầm nhất của giáo dục hiện nay, không động viên được sự say mê hứng thú của người học.

Các em học trò đó đáng trách, nhưng những người làm giáo dục chúng tôi cũng phải tự trách mình. Làm thế nào để định hướng được cách học, mục tiêu học, cách dạy, chương trình học... cho tốt. Vì nếu mình làm tốt, những chuyện phản cảm như thế sẽ không xảy ra.

* PGS.TS VÕ VĂN SEN (hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM): Cần thay đổi vị trí môn sử

Trước hết, cần nhìn nhận việc xé tài liệu học tập vung vãi khắp sân trường chỉ là hành động tự phát thiếu suy nghĩ của lứa tuổi học trò. Khi học sinh nghe miễn thi môn học khó thì có hành động bột phát như vậy. Đây chỉ là biểu hiện bình thường, không nên cho rằng đây là hành động xem thường thầy cô giáo, xem thường môn học hay khinh chê lịch sử.

Hiện xã hội đánh mất dần truyền thống dùng sử học để dạy người, để giáo dục công dân. Còn trong trường học đang bỏ mất dần truyền thống dùng sử để giáo dục con người. Nguyên nhân sâu xa của vấn đề này không phải xuất phát từ chỗ học sinh không có tinh thần dân tộc, không yêu thích sử học hay bản thân khoa học lịch sử không hấp dẫn, mà chỉ là hiện tượng kéo dài lâu do không xử lý đúng những quy luật của nó. Môn sử bị coi thường, vị trí môn sử trong hệ thống các môn học kém quá. Thời lượng học rất ít, chúng ta chỉ bố trí 1-2 tiết/tuần.

Trong các kỳ thi quan trọng như thi tốt nghiệp, môn sử cũng được xem là môn phụ, kiến thức thi vào ĐH chỉ khối C có môn sử. Nếu ngành giáo dục sắp xếp lại cơ cấu môn sử ở một vị trí quan trọng sẽ khôi phục vị trí môn sử.
Theo Tuổi Trẻ