Giảm 50% thuế cho nhà ở xã hội từ 1/7

11/04/2013 08:17
Ngọc Quang
(GDVN) - Thông tin này được bà Vũ Thị Mai – Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Tài chính tổ chức vào chiều qua.

Trước đó, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu bổ sung một số nội dung về ưu đãi thuế thuộc lĩnh vực nhà ở xã hội để báo cáo Thủ tướng, Chính phủ trình Quốc hội xem xét.

Theo Bộ Xây dựng, cần giảm 50% thuế suất thuế giá trị gia tăng đầu ra đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà ở xã hội; Giảm 30% thuế suất thuế giá trị gia tăng đầu ra đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà ở là căn hộ có diện tích dưới 70m2 sàn sử dụng.

Nội dung này đã được bà Vũ Thị Mai – Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Tài chính tổ chức vào chiều qua.

Bà Vũ Thị Mai - Thứ trưởng Bộ Tài chính.
Bà Vũ Thị Mai - Thứ trưởng Bộ Tài chính.

Tại cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Tài chính tổ chức vào chiều qua (10/4), Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, Bộ Tài chính đã trình một số giải pháp mới liên quan đến điều chỉnh thuế VAT và thu nhập doanh nghiệp, dự kiến sẽ được bàn tại phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong những ngày tới.

“Bộ đã đưa ra các giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản, thông qua đề xuất giảm 50% thuế VAT đầu ra từ 1/7/2013 đến 30/6/2014 đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà ở xã hội. Cũng trong khoảng thời gian này, hoạt động bán, cho thuê, thuê mua nhà ở có diện tích dưới 70 m2 có mức giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 cũng được đề nghị giảm 30% VAT", Thứ trưởng Vũ Thị Mai nhấn mạnh. 

Về thuế thu nhập doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề nghị áp dụng thuế suất 20% kể từ 1/7/2013 (sớm 6 tháng) đối với khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ (có dưới 200 lao động, doanh thu dưới 20 tỷ đồng). Hoạt động đầu tư - kinh doanh nhà ở xã hội cũng được đề xuất áp thuế 10% từ thời điểm nói trên. Đối với những ý kiến đề xuất đưa thuế suất phổ thông về 20%, thay vì 23% theo dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi, Bộ Tài chính cho biết vẫn đang trong quá trình nghiên cứu để tìm phương án tối ưu.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng chia sẻ về công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá đối với một số mặt hàng quan trọng.

Đối với giá xăng dầu: Trong 3 tháng đầu 2013, Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã 4 lần điều hành để giữ ổn định giá bán xăng dầu thông qua biện pháp cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối được sử dụng hoặc tăng mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng, dầu. Đến ngày 28/3/2013, mặc dù giá xăng dầu thế giới tuy có giảm, nhưng vẫn ở mức cao; trong khi, Quỹ BOG xăng dầu của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã hết; giá trong nước thấp hơn giá của các nước có chung đường biên giới với Việt Nam từ 2.000 đồng/lít đến trên 5.000 đồng/lít dẫn đến tình trạng buôn lậu xăng dầu diễn ra rất phức tạp.

Sau khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã yêu cầu các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối thực hiện ngừng sử dụng Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu; khôi phục lợi nhuận định mức (300 đồng/lít, kg), tăng giá bán đối với các mặt hàng, xăng dầu tối đa bằng phần chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lẻ xăng dầu.

Đối với giá sữa: Trước tình hình một số doanh nghiệp tăng giá sữa, ngày 12/3/2013 Bộ Tài chính ban hành Công văn số 3181/BTC-QLG đề nghị Sở Tài chính các tỉnh thành phố tăng cường kiểm tra các tổ chức, cá nhân kinh doanh sữa bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về giá; chỉ đạo không tăng giá khi các yếu tố hình thành giá không thay đổi; đồng thời có Công văn số 3080/BTC-QLG gửi Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đề nghị cung cấp danh sách các sản phẩm đã được cấp chứng nhận sản phẩm là sữa, sản phẩm dinh dưỡng hoặc thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng hay thức ăn công thức... của các công ty sản xuất, phân phối, kinh doanh sữa để làm cơ sở theo dõi và kiểm tra.
Ngọc Quang