Giữ nguyên phương án "tự chủ tuyển sinh" Sáng 11/4, nhà văn Nguyên Ngọc - Chủ tịch HĐQT và ThS Đỗ Thế - Hiệu phó Trường ĐH Phan Châu Trinh (Hội An, Quảng Nam) đã có buổi làm việc với ông Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT (Cục Khảo thí) xung quanh đề án tự chủ tuyển sinh của trường. ThS Đỗ Thế chia sẻ, sau khi dự thảo đề án được giới thiệu trên Báo Giáo dục Việt Nam, tiếp thu ý kiến của các chuyên gia và bạn đọc, cộng với tư vấn từ phía Cục Khảo thí, cuối cùng đề án cũng đã được hoàn tất. "Đến thời điểm này, chỉ còn chờ Bộ trưởng xem xét cho áp dụng", ThS Đỗ Thế khẳng định.
Điểm đột phá quan trọng nhất trong đề án tự chủ tuyển sinh của Trường ĐH Phan Châu Trinh là đưa ra bộ tiêu chuẩn 5 tiêu chí để xét tuyển thí sinh vào trường, không bắt buộc phải thi đại học trên điểm sàn. Trong khi đó, từ nhiều năm nay Bộ GD&ĐT áp dụng duy nhất 1 tiêu chí cho các trường xét tuyển là Điểm thi đại học trên điểm sàn. (xem: Đề xuất đột phá chưa từng có về phương án tuyển sinh 2013)
5 tiêu chí mỗi tiêu chí chiếm 20% giá trị xét tuyển tương đương 20 điểm (tổng điểm xét tuyển là 100), gồm:
- Tiêu chí 1: Điểm thi đại học theo đề thi 3 chung của Bộ GD&ĐT, có nhân hệ số đối với môn học tùy theo khối ngành mà thí sinh đăng ký.
- Tiêu chí 2: Điểm thi tốt nghiệp phổ thông trung học, có nhân hệ số đối với môn học tùy theo khối ngành mà thí sinh đăng ký.
- Tiêu chí 3: Kết quả điểm tổng kết 3 năm học phổ thông của thí sinh (theo học bạ phổ thông trung học).
- Tiêu chí 4: Kết quả kiểm tra về khả năng tư duy của thí sinh (do nhà trường tổ chức).
- Tiêu chí 5: Kết quả phỏng vấn trực tiếp của Hội đồng tuyển sinh ĐH Phan Châu trinh về kiến thức tổng hợp, thái độ, kỹ năng, hành vi, sở thích... của thí sinh.
ThS Đỗ Thế chia sẻ, trong quá trình làm việc, Cục Khảo thí tư vấn nên sửa Tiêu chí 1 (điểm thi Đại học), thay vì xét tuyển ở mọi mức điểm mà thí sinh đạt được chỉ nên xét tuyển từ mức điểm cận dưới điểm sàn (tức điểm trung bình mà thí sinh toàn quốc đạt được trong kỳ thi ĐH, CĐ - mức điểm này bao giờ cũng thấp hơn điểm sàn 1, vài điểm), nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào. Tuy nhiên, theo ThS Đỗ Thế, như vậy không khác gì là áp dụng "2 điểm sàn" mà Bộ GD&ĐT đang đưa ra để lấy ý kiến dư luận, không còn là "tự chủ tuyển sinh" nữa, và đặc biệt không đúng với tinh thần của đề án: điểm thi ĐH thấp hay cao hơn điểm sàn không có đánh giá hết được chất lượng giáo dục, và chỉ chiếm tỷ lệ 20% trong hệ thống tiêu chí đánh giá thí sinh dự tuyển vào Trường ĐH Phan Châu Trinh. Trong phương án tuyển sinh của Trường ĐH Phan Châu Trinh có 2 mốc điểm: Sàn sơ tuyển (tối thiểu 24/100 điểm) và Sàn xét tuyển (tối thiểu 44/100). Cộng điểm 3 tiêu chí 1,2,3 thí sinh đạt trên 24 mới được xét tuyển hồ sơ; sau đó cộng tất cả 5 tiêu chí mà không đạt tối thiểu 44 điểm thì sẽ "trượt". ThS Đỗ Thế cho rằng, nhà trường đánh giá chất lượng đầu vào của thí sinh như vậy là chặt chẽ và công bằng, khách quan hơn việc chỉ dựa vào kết quả một cuộc thi duy nhất.
|
Sơ đồ quy trình xét tuyển của ĐH Phan Châu Trinh. Trong đó 2 mức Sàn sơ tuyển và Sàn xét tuyển được tính kỹ trên nhiều tiêu chí. |
Dù vậy, ThS Đỗ Thế cũng cho biết trường ĐH Phan Châu Trinh đã tiếp thu gợi ý của Cục Khảo thí, thực hiện một lộ trình 4 năm (2013-2016) cho đề án này. Theo đó, năm 2013 trường sẽ đóng vai trò là một trong những mô hình thí điểm về tuyển sinh riêng để Bộ GD&ĐT có cơ sở tổng kết, đánh giá về các cách thức tuyển sinh khác nhau. Cụ thể, trong năm 2013 trường ĐH Phan Châu Trinh chỉ áp dụng 3 tiêu chí 1,2,3 (điểm thi Đại học, điểm thi Tốt nghiệp THPT, kết quả học tập THPT) vào việc xét tuyển với tỷ lệ 20%, 30%, 50% cho 3 thang điểm này; sang năm 2014 áp dụng thêm tiêu chí thứ 4 (bài kiểm tra khả năng tư duy); năm 2015 áp dụng tất cả 5 tiêu chí (tiêu chí thứ 5: phỏng vấn thí sinh). Đặc biệt trong năm 2016, theo phát ngôn từ Bộ GD&ĐT sẽ thay đổi cách tuyển sinh (có thể không thi "3 chung" nữa), thì chỉ còn áp dụng 4 tiêu chí, bỏ Tiêu chí 1 (điểm thi Đại học). "Mong Bộ trưởng sớm thực hiện lời hứa"
Nhà văn Nguyên Ngọc cho biết, Đề án "Tuyển sinh đại học, cao đẳng chính quy của Trường ĐH Phan Châu Trinh" được thực hiện dựa theo Luật Giáo dục đại học có hiệu lực từ năm 2012, và theo lời của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tại cuộc họp với Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập ngày 5/3/2013 (theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ). Tại cuộc họp này, Bộ trưởng đã khẳng định khuyến khích, ủng hộ các trường (cả công lập và ngoài công lập) xây dựng phương án tuyển sinh riêng, trình Bộ xem xét và phê duyệt nếu phù hợp.
|
Nhà văn Nguyên Ngọc trò chuyện tại tòa soạn Báo Giáo dục Việt Nam chiều 11/4. Ảnh: Quyên Quyên |
Cũng theo nhà văn Nguyên Ngọc, mặc dù Luật Giáo dục đại học đã có hiệu lực hơn 1 năm nhưng phải đến khi nghe quan điểm của Bộ trưởng tại cuộc họp trên, ông mới thực sự cảm thấy "làn gió mới" đối với công tác tuyển sinh, nên đã lập tức tiến hành xây dựng đề án. "Vì vậy, rất mong Bộ trưởng sớm thực hiện lời hứa, cho các trường được tuyển sinh riêng", ông nói. Trước một số ý kiến cho rằng phải chăng vì chất lượng thấp, lo sợ thí sinh trên "điểm sàn" không chịu vào học nên Trường ĐH Phan Châu Trinh mới nghĩ ra việc "tuyển sinh riêng" để vét nguồn tuyển "dưới sàn", nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng đánh giá như vậy là không đúng. Ông khẳng định quan trọng không phải là đầu vào mà là quá trình đào tạo trong trường ĐH, thành công của các nền giáo dục tiên tiến đã chứng minh điều đó. Nhà văn của "Đất nước đứng lên", "Rừng xà nu"... cũng cho rằng sẽ là nghịch lý nếu việc một số trường muốn tuyển sinh riêng lại được xem là "xé rào", bởi tuyển sinh riêng là điều được Luật quy định từ năm 2012. "Luật có rồi, đây không phải là chuyện xé rào. Vấn đề là đừng đặt thêm hàng rào nào nữa mà thôi", ông nói.
"Tôi có một niềm tin rằng người nào cũng có một điểm gì đấy giỏi, không ai là hoàn toàn tăm tối. Ngay trong tuyển sinh, nên cố gắng làm sao thăm dò khả năng giỏi nào đó của từng em, để giúp các em lên đường phát triển. Vì hạnh phúc của chính em, và vì xã hội".
Nhà văn Nguyên Ngọc trả lời Báo Giáo dục Việt Nam nhân Đề xuất đột phá chưa từng có về phương án tuyển sinh 2013
Đức Giang