Tàu khu trục Aegis lớp Atago của Nhật Bản. |
Tờ “Thanh niên trực tuyến” Trung Quốc vừa có bài viết cho rằng, tàu Aegis của hai nước Trung Quốc có mạnh, yếu khác nhau, nhưng vai trò thực tế của chúng vẫn phải quan sát khi đặt trong hệ thống tác chiến của hai nước.
Những năm gần đây, tình hình Trung Quốc chế tạo tàu khu trục mà họ khoa trương là “Aegis Trung Hoa” được dư luận các nước quan tâm. Hơn nữa, nước láng giềng Nhật Bản từ lâu đã trang bị tàu chiến có tính năng tương tự, có người cho rằng, cuộc chạy đua hải quân ở Đông Á đang nhanh chóng bước vào “thời đại Aegis”.
Xét thấy Trung Quốc và Nhật Bản hiện sở hữu “tàu Aegis” với số lượng nhiều nhất (ngoài Mỹ), gần đây, tờ “Kanwa Defense Review” đã tiến hành so sánh, phân tích về kỹ chiến thuật giữa hai loại tàu chiến này của Trung Quốc và Nhật Bản.
“Aegis Trung Hoa”
Tờ “Kanwa” cho rằng, hiện nay, Hải quân Trung Quốc đã trang bị 4 tàu “Aegis Trung Hoa” 052C, ngoài ra 2 chiếc khác đang lắp ráp thiết bị, 2 năm nữa sẽ đưa vào hoạt động. Đồng thời, Trung Quốc đẩy nhanh các bước nâng cấp “tàu Aegis”, trên nền tảng tàu 052C, phát triển tàu Type 052D.
Kích thước ngoại hình của tàu mới tăng lên, lượng giãn nước có thể đạt 8.000-9.000 tấn.
Tàu khu trục "Aegis Trung Hoa" Type 052C Hải Khẩu số hiệu 171 của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc. |
“Kanwa” cho rằng, tàu Type 052C/D trang bị tên lửa chống hạm tầm xa dòng YJ-62, được biết tầm phóng của nó đạt 280 km, độ cao hành trình khoảng 30 m, trước khi bắn trúng mục tiêu sẽ hạ thấp xuống 7-10 m, đầu đạn nặng 300 kg, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản cũng là một đối tượng.
Báo “Kanwa” nhấn mạnh thực lực tổng thể của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản có ưu thế hơn Hải quân Trung Quốc, nhưng họ cũng thừa nhận, Hải quân Trung Quốc ít nhiều đã có tiến bộ công nghệ trong các trang bị tác chiến mặt nước quan trọng, đã cải thiện rất lớn năng lực tấn công chiến dịch.
Công nghệ lõi của tàu chiến Nhật Bản hoàn thiện hơn
Mặc dù dành nhiều lời khen cho “tàu Aegis” Trung Quốc, nhưng “Kanwa” vẫn cho rằng, tàu khu trục Aegis các lớp Kongo, Atago hiện có của Nhật Bản có khả năng phòng không mạnh hơn tàu khu trục 052C/D của Trung Quốc.
Tàu khu trục Aegis lớp Kongo của Nhật Bản |
Bài báo giải thích cụ thể là, tàu Type 052C Trung Quốc chỉ trang bị 48 quả tên lửa hạm đối không, trong khi đó 2 loại “tàu Aegis” với số lượng 6 chiếc của Nhật Bản, mỗi chiếc có 90 máy phóng thẳng, số lượng có khoảng cách rõ rệt.
Về tính năng vũ khí, tàu Type 052C Trung Quốc trang bị tên lửa HHQ-9 có tầm phóng tối đa 125 km, còn tàu Nhật sử dụng tên lửa SM-2 do Mỹ chế tạo, có tầm phóng 167 km, tên lửa hạm đối không SM-3 lượng nhỏ mà Nhật nhập khẩu còn có khả năng phòng thủ tên lửa, “có khoảng cách cũng rõ rệt”.
Ngoài ra, nói đến radar mảng pha của tàu Type 052C/D, “Kanwa” cho rằng, loại radar này chỉ tiên tiến về nguyên lý kỹ thuật, vẫn không thể so sánh với radar mảng pha quét điện tử chủ động FCS-3 do Nhật Bản vừa đưa ra; đồng thời, kích hước và trọng lượng của radar Trung Quốc cũng lớn hơn sản phẩm của Nhật Bản, cộng với độ cao kiến trúc tầng trên của tàu Type 052C/D (lắp radar) hạn chế, vị trí lắp đặt radar hơi thấp, sẽ hạn chế khoảng cách và hiệu quả dò tìm đối với các mục tiêu siêu thấp trên không, gây ảnh hưởng bất lợi cho khả năng phòng thủ tên lửa chống hạm lướt biển tấn công.
Trái lại, radar mảng pha SPY-1D của “tàu Aegis” Nhật Bản được Hải quân Mỹ sử dụng rộng rãi, công nghệ hoàn thiện, khoảng cách dò tìm 500 km và khả năng theo dõi 200 mục tiêu “hoàn toàn đủ dùng đối với tác chiến trên biển-trên không hiện nay”.
Nói một cách tổng hợp, kết luận của tờ “Kanwa” là: tàu Type 052C/D Trung Quốc ngoài có ưu thế về tầm phóng tên lửa chống hạm, các phương diện khác như năng lực phòng không, hệ thống tự động hóa, phối hợp hạm đội và tốc độ đều có khoảng cách với “tàu Aegis” Nhật Bản.
Trung Quốc đang phát triển tàu khu trục Aegis 052D |
Báo Trung Quốc cho rằng, tuy báo Canada đã tiến hành phân tích và so sánh cụ thể đối với “tàu Aegis” của Trung Quốc và Nhật Bản, nhưng kết hợp các thông tin công khai khác cho thấy, chỉ đơn thuần so sánh về việc “tàu Aegis” của hai bên đều trang bị radar mảng pha thì chưa chắc đã khoa học.
Theo bài báo, các tàu chủ lực của Trung Quốc và Nhật Bản có những điểm mạnh khác nhau thực ra còn có liên quan tới tư tưởng chỉ đạo và sự “định vị” của lực lượng trên biển hai bên.
Bài báo tự khen mà rằng, về công nghệ cốt lõi của tàu chiến cùng loại – radar mảng pha, trình độ radar mảng pha quét điện tử chủ động của tàu Type 052C/D Trung Quốc “chắc chắn dẫn trước một bậc” so với “tàu Aegis” Nhật Bản!
Mặc dù ưu thế tính năng radar của tàu Type 052C/D hiện còn chưa rõ ràng, nhưng xét thấy radar dòng SPY-1 của tàu chiến Nhật đã phát triển đến giai đoạn tương đối hoàn thiện, không gian nâng cấp tiếp theo không lớn, trong khi đó radar tàu chiến Type 052C/D còn đang ở giai đoạn đầu phát triển, trong tương lai có triển vọng liên tục đưa ra các phiên bản cải tiến, tính năng sẽ tiếp tục tăng cường.
Về tên lửa hạm đối không, tuy thông số tên lửa SM-3 (do Mỹ chế tạo trang bị cho tàu Nhật) khả quan, nhưng nó chủ yếu dùng để đối phó tên lửa đạn đạo, cơ bản không sử dụng được khi phòng thủ các cuộc tấn công của tên lửa chống hạm thông thường trong chiến tranh trên biển.
Tàu chiến Aegis Nhật Bản |
Trên phương diện kiểm soát biển, ít có nhà quan sát nghi ngờ ưu thế của “tàu Aegis” Trung Quốc, điều này cho thấy hai loại tàu chiến này có sự “định vị” khác nhau khi sử dụng: Nhiệm vụ của “tàu Aegis” Nhật Bản rõ ràng và đơn nhất, chủ yếu làm hạt nhân cho phòng không biên đội, còn “tàu Aegis” Trung Quốc được vận dụng linh hoạt hơn.
Nhật Bản được lợi từ sự giúp đỡ của Mỹ, trình độ tự động hóa của “tàu Aegis” Nhật vẫn tốt hơn tàu chiến Trung Quốc. Nhưng, tờ “Kanwa” không đề cập tới một điểm là, công nghệ then chốt của tàu chiến Nhật Bản do Mỹ kiểm soát, tức là bất kỳ hoạt động nâng cấp, cải tiến nào của họ đều phải được phía Mỹ đồng ý.
Ngoài ra, Nhật Bản không có đầy đủ các “mắt xích” chi viện khi “tàu Aegis” tác chiến, như khả năng cảnh báo sớm và khả năng tấn công tầm xa. Trong kế hoạch tác chiến của Mỹ, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản là một lực lượng mang tính hỗ trợ, nếu họ tách khỏi sự hỗ trợ của hệ thống tác chiến Mỹ, “tàu Aegis” Nhật Bản với số lượng có hạn hoàn toàn không có vai trò làm thay đổi tình hình chiến sự.
Sự “định vị” của Hải quân Trung Quốc khác với Hải quân Nhật Bản, vì vậy không tồn tại vấn đề về cơ bản trên. Tính độc lập về công nghệ cốt lõi cũng không phải lệ thuộc vào Mỹ như Nhật Bản. Vì vậy, khi tiến hành nâng cấp công nghệ và trang bị, Hải quân Trung Quốc cơ bản có thể hoàn thành dựa vào sức mạnh tự thân.