Chủ tịch Khánh Hòa tự nhận kỷ luật: 'Đó là văn hóa lãnh đạo đấy'!

14/04/2013 06:46
Tô Hội (Thực hiện)/kienthuc
"Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa tự nhận kỷ luật trước Chính phủ vì để xảy ra nhiều TNGT là điều cần khuyến khích", TS Dương Quang Tung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức Nhà nước.

Phải biết xấu hổ trước dân

Vừa rồi Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng tự đứng ra xin nhận kỷ luật trước Chính phủ vì đã để xảy ra nhiều tai nạn giao thông trên địa bàn. Ông có bình luận gì về điều này?

Đó chính là văn hóa lãnh đạo đấy!

Vì sao những sự việc như một lãnh đạo xin từ chức, xin nhận trách nhiệm, xin được kỷ luật, xin lỗi... ở Việt Nam mình rất ít so với nhiều nước khác?

Người Việt Nam còn tương đối xa lạ với văn hóa lãnh đạo, văn hóa quản lý. Ta trải qua một thời gian dài quản lý theo mô hình nền hành chính cai trị phong kiến. Quan chức thì có quyền ban phát cho dân, đứng trên dân. Văn hóa lãnh đạo là một trong những tố chất của người quản lý cần có.

TS Dương Quang Tung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức Nhà nước.
TS Dương Quang Tung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức Nhà nước.


Tố chất đó được thể hiện như thế nào ạ?

Nét quan trọng trong văn hóa lãnh đạo chính là trọng nhân cách. Cán bộ phải trọng nhân cách của chính mình, phải có lòng tự trọng. Phải biết xấu hổ trước những thiếu sót của mình với dân, trước sự đánh giá của người khác về mình. Phải biết xin lỗi khi có thiếu sót. Đi đường mà dẫm phải chân người khác còn phải xin lỗi nữa là lãnh đạo gây ra lỗi.

Lỗi của cái thực trạng đó là do đâu thưa ông?

Cán bộ của ta ảnh hưởng nhiều của thời phong kiến, quan là đứng trên dân. Sau đó bước vào thời kỳ kế hoạch hóa tập trung quan liêu. Điều đó làm cho cán bộ mình không chú ý rèn luyện văn hóa lãnh đạo, quản lý.

Nhưng để được làm lãnh đạo thì cũng có quy trình rất nghiêm ngặt?

Nhiều lãnh đạo xét về góc độ văn hóa còn thấp. Có thể bằng cấp cao, chức vụ cao, nhưng văn hóa lãnh đạo không cao. Người ta cảm thấy hình như bị xúc phạm nếu phải xin lỗi người khác. Với vị trí này, cương vị này, thì sao lại phải xin lỗi, làm giảm cái uy của mình đi. Thực ra đó là quan niệm sai lầm, càng khiêm tốn thì càng được đánh giá cao.

Học, nhưng chẳng thấm được

Chuyện một cán bộ xin lỗi trước dân, xin được từ chức ở ta là rất hiếm. Điều này nó có thể hiện trình độ văn hóa lãnh đạo của cán bộ?

Thật đáng buồn là số người dám tự giác xin nhận kỷ luật, nhận trách nhiệm và xin lỗi trước dân là rất ít. Một phần trong đó là do trình độ văn hóa lãnh đạo, phẩm chất lãnh đạo còn hạn chế. Thậm chí chỉ những cái gì rõ lắm rồi, không thể che chắn, chối cãi nữa thì mới nhận trách nhiệm. Mà khi nhận trách nhiệm thì thường có kiểu vòng vo, đổ lỗi cho tập thể, đổ lỗi cho khách quan, cho cơ chế chính sách... thôi thì nhiều lắm.

Vậy là văn hóa lãnh đạo ở ta chưa cao, thực tế này xem ra đáng buồn quá!

Nói chung là văn hóa lãnh đạo ở ta còn thấp lắm. 

Nhưng liệu những người dám tự đứng ra nhận trách nhiệm, xin lỗi, từ chức... có được nhìn nhận là có năng lực cao hơn với người khác?

Năng lực lại là vấn đề khác. Rõ ràng người dám đứng ra nhận trách nhiệm, dám xin lỗi trước tập thể, nhân dân thì sẽ được đánh giá cao hơn về nhân cách, phẩm chất. Năng lực tôi yếu, không hoàn thành nhiệm vụ, tôi xin nhận trách nhiệm thế này. Phẩm chất tôi kém, dính dáng đến chuyện tham ô tham nhũng, chuyện này chuyện khác... tôi xin nhận trách nhiệm. Những người đó thường được nhìn nhận cao hơn chứ.

Chắc hẳn là cán bộ khác cũng phải biết nếu mình chân thật, tự nhận lỗi, tự nhận khuyết điểm sẽ được đánh giá cao hơn thì họ phải tích cực nhận chứ ạ?

Có những người do năng lực tư duy kém, không thấy được điều đó là khuyết điểm, không nhận thức được đâu là sai là đúng, hoặc biết nhưng cố tình che chắn. 

Vậy có lớp học nào dạy về năng lực, phẩm chất lãnh đạo đó không?

Thực ra thì không phải là không có lớp đâu. Để thành cán bộ lãnh đạo quản lý thì phải qua rất nhiều trường lớp trong đó cũng có các bộ môn về văn hóa lãnh đạo quản lý. Trong các bộ  môn về lý luận quản lý hành chính nhà nước cũng có những bài học về văn hóa công sở, đạo đức công vụ. Nghĩa là có học, có trường lớp dạy, thế nhưng học vẫn chỉ để mà học. Không hiểu vì sao nó lại không thấm được vào cán bộ. Nó không biến được thành hành động tự giác của mỗi người. 

Lỗi này là của tập thể!

Dư luận nói chung vẫn coi chuyện một người từ chức là chuyện "động trời", vì sao vậy ạ?

Phải coi xin lỗi, xin từ chức là chuyện bình thường của cán bộ. Hiện ta coi nó quá nặng nề. Cái tồn tại lớn nhất của ta hiện nay là trách nhiệm cá nhân không rõ ràng.

Nếu trách nhiệm cá nhân cao hơn thì văn hóa lãnh đạo rõ ràng tốt hơn?

Đúng thế! Chế độ tập thể của ta đang bị lạm dụng, không rõ trách nhiệm cá nhân nên khó mà đưa ra tòa được. 

Tôi có liên tưởng đến việc trảm quân thường xuyên của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng để đẩy nhanh tiến độ dự án. Rõ ràng, quy trách nhiệm cá nhân chính là mấu chốt để quản lý tốt?

Đúng thế. Và chính ông ấy sẽ chịu trách nhiệm trước tập thể về quyết định đó của mình. Đó có thể là một người dám chịu trách nhiệm cá nhân.

Ông Nguyễn Chiến Thắng, chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa
Ông Nguyễn Chiến Thắng, chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa


Thế nhưng hiện nay số người dám đứng ra nhận trách nhiệm cá nhân không nhiều?

Có những người, lấy quan điểm, ý kiến cá nhân của mình ra hợp thức hóa bằng quan điểm, sự nhất trí, đồng tình của tập thể. Ví dụ, như một lãnh đạo có quan điểm thế này, đưa ra lấy ý kiến tập thể. Mấy ai trong tập thể đó dám phản đối ý kiến của lãnh đạo? Thế thì hoàn toàn đó là quyết định của cá nhân đứng đầu đó. Ý kiến của cá nhân được hợp thức hóa bằng tập thể. Và nếu xảy ra hậu quả thì tập thể chịu trách nhiệm. Họ sẽ bảo đây, tôi đã báo cáo với anh em, đây là nghị quyết của tập thể chứ không phải là quyết định riêng của tôi. 

Thực tế đó có phổ biến không ạ?

Nhiều chứ. Trở lại việc của ông Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa thì theo tôi các ngành khác ở các tỉnh khác nên học hỏi hành động của ông ấy. 

Nhưng vấn đề là nếu kỷ luật thì ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi cá nhân của người đó, thế thì khó khuyến khích họ tự nhận lỗi?

Tất nhiên nó sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của họ. Nó phụ thuộc vào phẩm chất cán bộ, vì việc chung mà từ chức hay vì việc riêng mà giữ bo bo quyền lợi của mình. Nó phản ánh nhân cách cá nhân. Nếu ích kỷ, vụ lợi, tham quyền cố vị, bất chấp khuyết điểm thì anh sẽ cố gắng để giữ cái ghế của mình. Còn nếu anh có nhân cách, có đạo đức thì người ta sẵn sàng hy sinh lợi ích của mình để xin từ chức, xin kỷ luật. 

Thế nhưng thực tế thì số người nhận trách nhiệm thấp, chứng tỏ nhiều người không vì lợi ích chung, sự tham quyền cố vị không phải là hiếm?

Đúng, cán bộ ở ta chỉ có lên mà ít có xuống. Đó chính là sự tham quyền cố vị. Nếu không ở vị trí này thì ở vị trí khác tương đương. Ít ra là tương đương chứ chưa hẳn là lên chức. Người ta rất nặng nề nếu một người làm ở vị trí này rồi chuyển làm vị trí thấp hơn thì hẳn là người có năng lực, phẩm chất kém. 

Xin cảm ơn ông!

Tô Hội (Thực hiện)/kienthuc