Bắc Triều Tiên: Vũ khí hạt nhân là "tài sản chung của toàn dân tộc"

19/04/2013 13:49
Hồng Thủy (Nguồn: Joins)
(GDVN) - Chỉ cần Seoul coi vũ khí hạt nhân mà Bình Nhưỡng đang sở hữu là "tài sản chung" của hai miền thì tương lai hai miền bán đảo sẽ "vô cùng sáng lạn", nhược bằng chính quyền Hàn Quốc vẫn "núp dưới cây dù bảo hộ" của Mỹ thì tất yếu sẽ bị diệt vong.
Nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un
Nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un
Nhật báo Joins, một trong số các tờ báo hàng đầu của Hàn Quốc ngày 19/4 đưa tin, trong tuyên bố về yêu cầu đàm phán mà Bình Nhưỡng đưa ra ngày hôm qua 18/4, Bắc Triều Tiên kêu gọi Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye coi vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng là "tài sản chung" của toàn dân tộc Triều Tiên, tức cả hai miền bán đảo. Đề xuất từ Bình Nhưỡng mà tờ Joins xem như một "chủ trương hoang đường" này nhấn mạnh, chỉ cần Seoul coi vũ khí hạt nhân mà Bình Nhưỡng đang sở hữu là "tài sản chung" của hai miền thì tương lai hai miền bán đảo sẽ "vô cùng sáng lạn", nhược bằng chính quyền Hàn Quốc vẫn "núp dưới cây dù bảo hộ" của Mỹ thì tất yếu sẽ bị diệt vong. Ủy ban Quốc phòng Bắc Triều Tiên đồng thời cũng đưa ra cái gọi là "điều kiện tiên quyết" để ngồi vào bàn đàm phán là yêu cầu Seoul dừng ngay "các hành động khiêu khích chống Bắc Triều Tiên", đồng thời nhận lỗi với Bình Nhưỡng. Ngoài ra Triều Tiên yêu cầu Liên Hợp Quốc dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng. Giới chức Hàn Quốc cho rằng lập trường của Bình Nhưỡng về quan hệ giữa hai miền bán đảo dường như đã thay đổi. 2 tháng liên tục kể từ sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 3, Triều Tiên liên tục đe dọa tấn công hạt nhân phủ đầu cả Mỹ lẫn Hàn Quốc, Nhật Bản, đến thời điểm hiện tại tất cả chỉ là những lời dọa nạt. Các nhà phân tích Hàn Quốc cho rằng những tín hiệu vừa rồi từ Bình Nhưỡng cho thấy Bắc Triều Tiên muốn đàm phán, nhưng vì Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã chủ động đề xuất đàm phán trước nên Bình Nhưỡng cũng muốn "làm cao" trước khi quay lại bàn đàm phán để vớt vát lại chút thể diện. Nếu Bình Nhưỡng thực sự không muốn đàm phán sẽ không đưa ra điều kiện, dù là điều kiện "không thể chấp nhận được". Ngoài ra, giới quan sát Seoul còn nhận định rằng Bình Nhưỡng chỉ có thể duy trì cái gọi là "trạng thái sẵn sàng chiến đấu" đến 25/4, ngày thành lập quân đội, sau đó sẽ phải tìm cách đàm phán để quốc gia này trở lại hoạt động bình thường.

Hồng Thủy (Nguồn: Joins)