Dự án chế tạo siêu vận tải cơ An-70 Nga - Ucraine có nguy cơ "đẻ non"

21/04/2013 07:24
Việt Dũng
(GDVN) - Chương trình hợp tác phát triển máy bay vận tải An-70 đang có nguy cơ đẻ non với sự chỉ trích lẫn nhau từ hai bên hợp tác - Nga và Ukraine.
Máy bay vận tải quân sự An-70 do Nga-Ukraine hợp tác nghiên cứu chế tạo
Máy bay vận tải quân sự An-70 do Nga-Ukraine hợp tác nghiên cứu chế tạo

Trang mạng kênh tin tức truyền hình “24” Ukraine ngày 17/4 cho biết, chương trình nghiên cứu chế tạo máy bay vận tải siêu hiện đại An-70, do Nga-Ukraine hợp tác chế tạo, có tính năng vượt tất cả các sản phẩm cùng loại trên thế giới, có thể tiếp tục bị đóng băng.

Là người đặt nền móng chủ yếu cho chương trình này và là một trong những khách hàng tiềm năng chính của máy bay mới, Nga vừa quyết định ngừng tham gia dự án hợp tác này. Công ty TNHH Cục thiết kế Antonov Ukraine lập tức hạ lệnh chấm dứt công tác thử nghiệm máy bay mới.

Khi tham gia Triển lãm quốc phòng quốc tế Mỹ Latinh LAAD-2013 tại Rio De Janerio, kiến trúc sư trưởng Cục thiết kế Antonov là Kiva cho biết, công việc của Bộ Quốc phòng Nga dây dưa kéo dài đã khiến cho công tác thử nghiệm máy bay vận tải quân sự An-70 bị bỏ dở.

Sau đó, Thủ tướng Ukraine Mykola Azarov cho biết, mặc dù không có sự tham gia của Nga, phía Ukraine cũng sẽ tiếp tục sản xuất máy bay vận tải quân sự An-70. Azarov nhấn mạnh, hiện nay có quan chức Nga tuyên bố chuẩn bị tự lắp ráp máy bay vận tải quân sự nội địa, trong điều kiện này phía Ukraine bị ép tiếp tục công việc, tiếp tục đầu tư, nhưng nhất định sẽ nghiên cứu chế tạo thành công loại máy bay này.

Hiện nay, nó đang được tiến hành thử nghiệm bay, đây là giai đoạn cuối cùng của nghiên cứu phát triển máy bay này.

Máy bay vận tải An-70, loại máy bay chủ yếu dùng để vận chuyển trang bị quân sự, được bắt đầu nghiên cứu chế tạo từ cuối thập niên 80 của thế kỷ trước. Năm 1993, Ukraine và Nga ký kết thỏa thuận liên quốc gia, hợp tác nghiên cứu chế tạo loại máy bay này. Năm 1994, máy bay An-70 lần đầu tiên bay thử. Hợp tác giữa hai bên được tiếp tục tiến hành thoải mái trong 10 năm.

Máy bay vận tải quân sự An-70
Máy bay vận tải quân sự An-70

Nhưng, sau cuộc cách mạng màu cam ở Ukraine, Nga đã chấm dứt hợp tác chương trình, mãi đến vài năm trước mới khôi phục hợp tác. Để thực hiện chương trình này, hai bên đã đầu tư hơn 5 tỷ USD.

Kế hoạch ban đầu là, sau khi kết thúc bay thử, sẽ tiến hành sản xuất hàng loạt bắt đầu từ năm 2014, hoàn thành lắp ráp cuối cùng ở thành phố Kazan, Nga, bởi vì Bộ Quốc phòng Nga là khách hàng lớn nhất.

Tuy nhiên, hiện nay, chương trình này tiếp tục đối mặt với mối đe dọa “đẻ non”. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Pavlo Lebedev chỉ ra, phía Nga không thực hiện thỏa thuận An-70.

Quan chức Nga hoàn toàn không che giấu cho rằng, do Ukraine không sẵn sàng gia nhập liên minh thuế quan Nga-Belarus-Kazakhstan, vì vậy Nga có thái độ lạnh nhạt với chương trình hợp tác này.

Đại sứ Nga tại Ukraine Zurabov giải thích rằng, Bộ Quốc phòng Nga ban đầu dự kiến mua 70 máy bay vận tải An-70, sau đó giảm xuống còn 60 chiếc, rồi xuống 16 chiếc và nay là 0 chiếc. Bởi vì Nga đã bắt đầu sản xuất máy bay vận tải quân sự IL-476. Dù sao, bất cứ đề nghị nào đều chỉ có ý nghĩa thực tế khách quan trong thời hạn nhất định.

Frolov, chủ biên tạp chí “Xuất khẩu vũ khí” Nga cho rằng, chương trình máy bay vận tải quân sự An-70 do Nga-Ukraine hợp tác nghiên cứu chế tạo thực ra đã xuất hiện một số khó khăn khách quan, chủ yếu liên quan đến vài vấn đề.

Máy bay vận tải quân sự An-70
Máy bay vận tải quân sự An-70

Trước hết là vấn đề xác định rõ bản quyền sở hữu trí tuệ máy bay An-70. Thứ hai là vấn đề bản vẽ điện tử máy bay đến nay vẫn chưa được giải quyết. Ngoài ra, Công nghiệp hàng không Nga lo ngại công nghệ chương trình An-70 do Nga tài trợ có thể sẽ “lặng lẽ lọt vào tay Trung Quốc”.

Các chương trình nghiên cứu phát triển khác của Cục thiết kế Antonov Ukraine có sự tham gia của Nga cũng đã xảy ra tình hình tương tự. Vì vậy để tiếp tục phát triển chương trình máy bay An-70, hai bên Nga-Ukraine phải ký thỏa thuận mới, tiến hành hợp tác mang tính xây dựng, chấm dứt sự chỉ trích và ngờ vực lẫn nhau.

Chuyên gia quân sự Ukraine Badrak cho rằng, Quân đội Nga lựa chọn IL-476 là một sự thất bại, bởi vì tất cả các tính năng của An-70 Ukraine đều tiên tiến hơn IL-476 của Nga. Phía Nga có ý đồ thâu tóm tài sản hàng không của Ukraine, gồm bản quyền sở hữu trí tuệ sản phẩm nghiên cứu phát triển của nhà thiết kế hàng không Ukraine và bản thân Công ty Antonov, từng có ý định thông qua đàm phán đặt Công ty Antonov thành “cấp dưới” của Tập đoàn hàng không liên hợp Nga (OAK).

Phía Ukraine lo ngại, trong tình hình không đàm phán với Ukraine, Nga tùy tiện nâng cấp máy bay dòng Antonov, chẳng hạn kiến trúc sư trưởng máy bay vận tải quân sự IL-476 Nga Lyvanov thực ra đã ký xác nhận, phía Nga chuẩn bị nâng cấp máy bay vận tải An-124 trong tình hình không có sự tham gia của Ukraine. Đây là một hành vi nguy hiểm đối với Ukraine.

Máy bay vận tải IL-476 Nga
Máy bay vận tải IL-476 Nga

Badrak cho rằng, so với Nga thì Ukraine có cơ hội hơn trong việc độc lập tự sản xuất máy bay An-70. Phía Nga sẽ có nhiều khó khăn hơn so với Ukraine trong việc độc lập giải quyết vấn đề sản xuất máy bay An-70, bởi vì tất cả tài liệu kỹ thuật, tất cả tiềm lực trí tuệ đều ở Ukraine, hơn nữa mẫu máy bay do Ukraine lắp ráp, máy bay thử nghiệm cũng do phi công Ukraine bay thử.

Đồng thời, sau khi chương trình An-70 trở thành đối tượng đấu đá địa-chính trị Nga-Ukraine, một khi Ukraine trở thành nước xuất khẩu máy bay vận tải quân sự công nghệ cao của thế giới, EU và Trung Quốc – những nước và khu vực đang nghiên cứu chế tạo máy bay vận tải quân sự có thể sẽ được lợi.

Phía Nga bác bỏ sự chỉ trích của Ukraine về việc bản thân họ đóng băng chương trình hợp tác nghiên cứu chế tạo và thử nghiệm máy bay vận tải An-70, nhấn mạnh sai lầm hoàn toàn thuộc về Ukraine. Thứ trưởng Quốc phòng Nga Antonov chỉ ra, phía Nga hoàn toàn đã thực hiện nghĩa vụ tài chính của mình trong chương trình An-70, tất cả nguồn vốn dành cho chương trình theo nghĩa vụ đã được Nga cấp. Phía Ukraine hiện chỉ bỏ ra 45% vốn, hơn nữa còn đang trì hoãn cấp vốn.

Chính là nguồn vốn khổng lồ đã đầu tư cho chương trình An-70 có thể trở thành vật cản chính khiến Nga rút khỏi chương trình này. Cựu Thứ trưởng Bộ chính sách công nghiệp Nga cho rằng, Nga sẽ không rút khỏi chương trình An-70, chủ yếu có mấy nguyên nhân: Một là đã đầu tư rất nhiều vốn. Hai là tính năng của máy bay An-70 dẫn trước 20 năm, thậm chí thời gian dài hơn, là sản phẩm tốt nhất trong các máy bay cùng loại.

Máy bay vận tải quân sự hạng trung do Nga-Ukraine hợp tác nghiên cứu chế tạo
Máy bay vận tải quân sự hạng trung do Nga-Ukraine hợp tác nghiên cứu chế tạo
Việt Dũng