Công an Hải Phòng: Chưa xác định được đối tượng đánh dân ở Tiên Lãng

23/04/2013 10:45
Tuệ Minh
(GDVN) - Thượng tá Nguyễn Văn Thạch cho biết hiện vẫn chưa xác định được các đối tượng đánh người dân và cơ quan này đang tích cực điều tra.
Liên quan đến việc xô xát giữa lực lượng của Công ty cổ phần Hoa Thành với một số người dân thôn Trâm Khê, xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng xảy ra hồi 12h ngày 21/4/2013, Công an TP. Hải Phòng vừa thông tin chính thức kết quả giải quyết ban đầu.

Chị Lương Thị Rích bị đánh chiều 21/4 (Ảnh: Thân Hoàng/Tuổi trẻ)
Chị Lương Thị Rích bị đánh chiều 21/4 (Ảnh: Thân Hoàng/Tuổi trẻ)

Theo Thượng tá Phạm Duy Diên - Chánh Văn phòng Công an TP. Hải Phòng, ngày 10/4/2013, Công ty cổ phần Hoa Thành có công văn gửi UBND huyện và Công an huyện Tiên Lãng thông báo về việc khởi công xây dựng nhà máy giầy xuất khẩu tại thôn Trâm Khê, xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng vào 8h ngày 12/4/2013.

Nhận được công văn này, Công an huyện Tiên Lãng đã tham mưu cho UBND huyện ban hành văn bản yêu cầu doanh nghiệp dừng khởi công và tổ chức tiếp xúc, đối thoại với các hộ dân bị thu hồi đất để cùng tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và các hộ dân.

Công ty cổ phần Hoa Thành đã nghiêm túc chấp hành ý kiến của Uỷ ban nhân dân huyện Tiên Lãng. Tuy nhiên đến 12h ngày 21/4/2013, có khoảng 50 người của Công ty TNHH Quỳnh Dương (là đơn vị được hợp đồng xây dựng nhà xưởng cho công ty Hoa Thành) và một số nhân viên của Công ty cổ phần dịch vụ Toàn Cầu do Công ty TNHH Quỳnh Dương thuê đến cùng khảo sát địa hình xây dựng.

Khi biết có lực lượng đến khu dự án, người dân ở thôn Trâm Khê tưởng Công ty Hoa Thành đã đến thi công nên có khoảng 100 người dân thôn Trâm Khê, xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng có đất bị thu hồi mang theo cuốc, xẻng, gậy, bình phun thuốc trừ sâu kéo đến khu vực đất dự án để giữ đất và đã xảy ra xô xát với số người trên làm 04 người dân bị thương tích vào phần mềm ở tay, lưng, đầu.

Những người dân bị thương gồm: Hoàng Văn Hào (SN 1968), Vũ Văn Phượng (SN 1962), Vũ Văn Quý (SN 1974) và Lương Thị Rích (SN 1972) đều ở thôn Trâm Khê, xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng. Chị Rích bị thương tích vùng đầu chảy máu, được đưa đến bệnh viện Việt - Tiệp, qua chụp chiếu không bị chấn thương sọ não nên đã về nhà điều trị.

Ngay sau khi nhận được tin báo vụ việc trên, Công an huyện Tiên Lãng đã tổ chức lực lượng kịp thời có mặt tại hiện trường, ổn định trật tự, đưa một số người bị thương đi cấp cứu tại bệnh viện Việt - Tiệp; yêu cầu lực lượng bảo vệ rút khỏi khu vực cổng ra vào dự án, đồng thời tham mưu cho lãnh đạo Uỷ ban nhân dân huyện làm việc với Giám đốc Công ty cổ phần Hoa Thành, yêu cầu doanh nghiệp không được thi công chờ chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân thành phố.

Công an TP. Hải Phòng cho hay: “Đến 13h30’ cùng ngày, số người trên đã rút khỏi khu vực dự án, số bà con có đất bị thu hồi cũng trở về nhà, tình hình an ninh trật tự tại khu vực ổn định, giao thông trên tuyến Quốc lộ 10 đảm bảo thông suốt. 

Hiện, cơ quan chức năng đang khẩn trương xác minh, làm rõ vụ việc để xử lý nghiêm theo qui định của pháp luật; tham mưu cho các ngành chức năng và huyện Tiên Lãng có biện pháp ổn định tình hình, không để phát sinh phức tạp”.

Sáng 23/4, trao đổi với Báo Giáo dục Việt Nam về tình hình vụ việc, Thượng tá Nguyễn Văn Thạch – Trưởng Công an huyện Tiên Lãng cho biết hiện vẫn chưa xác định được các đối tượng đánh người dân và cơ quan này đang tích cực điều tra.


Dân nói “hợp đồng thuê đất trái luật”

Ông Hà Văn Nam, giám đốc Công ty TNHH Hoa Thành, cho biết ngày 10-11-2004, UBND TP Hải Phòng đã có quyết định phê duyệt thu hồi hơn 88.000m2 đất nông nghiệp tại xã Đại Thắng cho công ty thuê để xây dựng nhà máy sản xuất giày xuất khẩu. Sau khi đền bù, giải tỏa mặt bằng, ngày 13-12-2004 Sở Tài nguyên - môi trường TP Hải Phòng đã làm hợp đồng cho thuê đất với công ty. Theo hợp đồng mà công ty cung cấp, đại diện TP Hải Phòng là ông Chu Minh Tuấn (nguyên giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường) ký, đóng dấu hợp đồng này.

Tại thời điểm UBND TP Hải Phòng làm hợp đồng cho thuê đất với công ty vẫn còn 9/153 hộ chưa nhận đền bù, chưa giao đất và hơn 100 hộ dân khiếu kiện về mức đền bù thấp. Theo quy định của Luật đất đai, khi chưa giải tỏa mặt bằng, chưa cưỡng chế xong, chưa có “đất sạch” thì chính quyền chưa được làm hợp đồng cho thuê đất với công ty.

Ông Lương Văn Chinh - người đại diện cho những hộ dân bị thu hồi đất - cho biết nguyên nhân người dân giữ đất là do giá đền bù quá thấp, quy trình thu hồi, cho thuê đất không đúng luật. Theo ông Chinh, UBND TP và UBND huyện Tiên Lãng không có quyết định thu hồi đất đến từng hộ dân, làm hợp đồng cho thuê đất khi nhiều hộ dân chưa nhận tiền đền bù. “Chúng tôi đã có kiến nghị đến các cấp. Thanh tra Bộ Tài nguyên - môi trường cũng có văn bản gửi người dân về việc chuyển đơn yêu cầu TP Hải Phòng giải quyết nhưng đến nay người dân chưa nhận được câu trả lời từ chính quyền” - ông Chinh nói.

(Theo Tuổi trẻ)


Tuệ Minh