Trung Quốc không tin vào công nghệ chế tạo tàu ngầm của chính mình

25/04/2013 06:19
Việt Dũng
(GDVN) - Do công nghệ tàu ngầm lớp Nguyên lạc hậu, Trung Quốc không tin bản thân mình, có nhu cầu cấp bách đối với tàu ngầm kiểu mới nhất.
Chuyên gia Australia: Tàu ngầm diesel lớp Nguyên Trung Quốc có công nghệ lạc hậu
Chuyên gia Australia: Tàu ngầm diesel lớp Nguyên Trung Quốc có công nghệ lạc hậu

Ngày 24/4, James Goldrick, chuyên gia hải quân, Viện nghiên cứu Lowy, Australia có bài viết cho rằng, kế hoạch mua tàu ngầm lớp Lada của Trung Quốc có thể sẽ là con đường để họ có được công nghệ có liên quan của tàu ngầm, tiến tới làm giảm sức ép cho nhân viên thiết kế tàu và nhà máy đóng tàu của Trung Quốc.

Bài viết còn cho rằng, hiện nay tàu ngầm lớp Nguyên của Trung Quốc đã bước vào giai đoạn sản xuất quy mô lớn, tờ “Jane’s Defense Weekly” từng dự đoán Trung Quốc sẽ chế tạo tổng cộng 20 tàu ngầm lớp Nguyên.

Nhưng, rất nhiều hệ thống và các hệ thống con của tàu ngầm lớp này có công nghệ lạc hậu, vì vậy, để vượt qua những thách thức trong tác chiến tương lai, Hải quân Trung Quốc muốn có được thiết kế tàu ngầm tiên tiến nhất.

Theo bài viết, thông qua các nguồn tin công khai có thể thấy được xu hướng quan trọng và những vấn đề nổi lên trong việc Trung Quốc xây dựng lực lượng tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo phục vụ cho cuộc tấn công thứ hai – cùng với việc chế tạo tàu ngầm tấn công hạt nhân, Trung Quốc còn đang chế tạo rất nhiều tàu chiến động cơ thông thường hiện đại.

Báo chí Đài Loan dẫn lời chuyên gia quốc phòng của Viện nghiên cứu Lowy cho rằng, tàu ngầm tên lửa đạn đạo mới của Trung Quốc vẫn chưa hoàn toàn đưa vào sử dụng, có thể cho thấy, hiện nay Hải quân Trung Quốc đang cố gắng thực hiện tham vọng của họ.

Tàu ngầm diesel lớp Amur Type 677 (phiên bản xuất khẩu lớp Lada) do Nga chế tạo
Tàu ngầm diesel lớp Amur Type 677 (phiên bản xuất khẩu lớp Lada) do Nga chế tạo

Các nguồn tin cho biết, Trung Quốc có kế hoạch đặt mua ít nhất 4 tàu ngầm lớp Lada phiên bản xuất khẩu do Nga chế tạo (Type 677). Tuy bản thân kế hoạch này gây nghi ngờ, nhưng điều thú vị là điều này cho thấy chương trình tàu ngầm lớp Lada (mà bản thân Nga thừa nhận nó đã bị trì hoãn kéo dài) cần được hỗ trợ.

Kể từ khi tàu ngầm lớp Lada đầu tiên được khởi công chế tạo năm 1996 đến nay, Nga đã chế tạo tổng cộng được 3 chiếc tàu ngầm lớp này. Nhưng, đến nay chiếc đầu tiên vẫn chưa hoàn toàn được đưa vào sử dụng. Sự thất bại của chương trình tàu ngầm lớp Lada buộc Nga phải khôi phục sản xuất tàu ngầm lớp Kilo (Type 636) cho hải quân của họ.

Theo bài viết, hiện nay Nga hầu như đã khôi phục quan hệ hợp tác với Công ty Fincantieri – tập đoàn đóng tàu của Italia, rõ ràng là muốn tích hợp công nghệ của phương Tây vào tàu ngầm của họ.

Bài viết cho rằng, nếu Trung Quốc tham gia chương trình này, cho dù chỉ là người mua, cũng cho thấy họ hoàn toàn không tin bản thân họ có thể giành được thành công sớm trong quá trình tự nghiên cứu phát triển tàu ngầm.

Điều này có thể là vấn đề liên quan đến số lượng – nhìn vào quan điểm chiến lược của Trung Quốc, bản thân con số cũng có giá trị của nó – nhưng có khả năng hơn sẽ là vì lý do chất lượng. Điều này hoàn toàn không gây ngạc nhiên.

Trong quá trình tự chủ nghiên cứu phát triển tàu ngầm, Trung Quốc đang đối mặt với thách thức rất nghiêm trọng. Mặc dù xuất phát từ hạn chế về bản quyền sở hữu trí tuệ và an ninh quốc gia, nhưng đa số các nhà chế tạo tàu ngầm phương Tây đều có thể thông qua liên minh hoặc quan hệ song phương, sở hữu rất nhiều công nghệ và lý luận có liên quan đến tàu ngầm. Nhưng, Trung Quốc không có những kênh như vậy (ít nhất không có được kênh hợp pháp).

Tàu ngầm thông thường lớp Tống (Type 039G) của Hải quân Trung Quốc tại quân cảng.
Tàu ngầm thông thường lớp Tống (Type 039G) của Hải quân Trung Quốc tại quân cảng.

Theo bài viết, Trung Quốc từng mua nhiều tàu ngầm lớp Kilo vào năm 1993 và năm 2002. Tuy lần mua sắm thứ nhất đã đem lại nhiều cơ hội cho Trung Quốc sở hữu công nghệ thiết kế và chế tạo tàu ngầm của Nga, nhưng lần mua sắm thứ hai thì chỉ là vì tàu ngầm lớp Tống (Type 039) mà Trung Quốc thiết kế hoàn toàn không đáp ứng được nhu cầu của Hải quân Trung Quốc.

Đương nhiên, trước khi biên chế, chiếc tàu ngầm đầu tiên này phải được kiểm tra nhiều năm, chiếc thứ hai về kế sau đó thì phải sửa chữa rất nhiều.

Phiên bản tiếp theo của tàu ngầm lớp Tống là tàu ngầm lớp Nguyên, rất rõ ràng, thiết kế của tàu ngầm lớp Nguyên chịu ảnh hưởng sâu sắc của tàu ngầm lớp Kilo. Hiện nay, tàu ngầm lớp Nguyên đã bước vào giai đoạn sản xuất quy mô lớn, tờ “Jane’s Defense Weekly” dự đoán tàu ngầm lớp này có tổng cộng 20 chiếc. Nhưng, rất nhiều hệ thống và hệ thống con của tàu ngầm lớp Nguyên có công nghệ lạc hậu, vì vậy muốn vượt qua được những thách thức tác chiến trong tương lai, Hải quân Trung Quốc cần có được thiết kế tàu ngầm kiểu mới nhất.

Theo bài viết, Trung Quốc tham gia vào chương trình tàu ngầm của Nga có thể sẽ giúp họ sở hữu được công nghệ cần thiết, cho dù họ phải mua đủ số lượng tàu ngầm nhất định thì Nga mới đồng ý xuất khẩu tàu ngầm lớp Lada cho họ.

Tuy rằng trong thời gian ngắn điều này hoàn toàn không thể giúp Trung Quốc giải quyết được vấn đề nan giải mà họ gặp phải trong chương trình tàu ngầm tên lửa đạn đạo hoặc tàu ngầm tấn công hạt nhân của mình; nhưng có lợi cho Trung Quốc làm giảm sức ép cho các nhà thiết kế và nhà máy đóng tàu của họ - do Hải quân Trung Quốc đã khởi động rất nhiều chương trình tàu nổi, tàu ngầm, cho nên các nhân viên thiết kế và nhà máy đóng tàu của Trung Quốc đang đối mặt với sức ép to lớn.

Trung Quốc không tin vào khả năng nghiên cứu chế tạo tàu ngầm của họ
Trung Quốc không tin vào khả năng nghiên cứu chế tạo tàu ngầm của họ
Việt Dũng