Cơ quan Mỹ đề xuất biện pháp đưa Trung Quốc vào khuôn khổ

01/05/2013 07:00
Đông Bình
(GDVN) - "Mỹ cần tăng cường sức mạnh dựa trên công nghệ và tăng cường hợp tác an ninh biển trong khu vực, đưa Trung Quốc vào khuôn khổ...".
Tên lửa bờ biển của Trung Quốc
Tên lửa bờ biển của Trung Quốc

Ngày 26/4, trang mạng Công ty RAND Mỹ đăng bài viết nhan đề “Sử dụng công nghệ và hợp tác ứng phó với sức mạnh trên biển ngày càng tăng của Trung Quốc”.

Báo cáo mới của Công ty RAND cho rằng, sức mạnh trên biển của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương ngày càng tăng cường, để ứng phó, Mỹ cần sử dụng công nghệ để làm giảm các điểm yếu của hải quân, đồng thời tìm cách tiến hành hợp tác an ninh biển ở khu vực, trong đó gồm cả với Trung Quốc.

Theo bài báo, đằng sau tình hình căng thẳng ở biển Hoa Đông và Tây Thái Bình Dương hiện nay, là tranh chấp quyền lợi biển đang “lên men” giữa Trung-Mỹ.

Theo báo cáo, Trung Quốc luôn tìm cách tăng cường khả năng hải quân và chống hải quân, nhằm hỗ trợ cho đòi hỏi chủ quyền của họ, bảo đảm an toàn cho các tuyến đường thương mại và mở rộng vai trò ảnh hưởng.

Trung Quốc coi lực lượng hải quân Mỹ là mối đe dọa ở một số vùng biển, đe dọa tham vọng khu vực của họ, có thể còn đe dọa tới các tuyến đường trên toàn cầu có vai trò rất quan trọng tới nền kinh tế của họ. Đồng thời, Mỹ không có ý định giảm sức mạnh trên biển ở khu vực.

Tổng quan lịch sử, cạnh tranh giữa các cường quốc lâu đời và mới nổi trên biển thường sẽ không có kết cục tốt đẹp, chẳng hạn Anh-Đức trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, Mỹ-Nhật trước Chiến tranh thế giới thứ hai.

Khi sức mạnh trên biển của Mỹ tăng trưởng vào cuối thế kỷ 19, Mỹ hoàn toàn không bị Anh chống lại. Trên thực tế, Anh nhường lại cho Mỹ địa vị bá chủ ở Tây Thái Bình Dương – nhưng ở Đông Á hiện nay, Mỹ không làm như vậy với Trung Quốc.

Tác giả của báo cáo là David Gumpert cho biết, vấn đề của Tây Thái Bình Dương hiện nay không phải là Trung Quốc “sao chép” Hải quân Mỹ, mà là Quân đội Trung Quốc sử dụng công nghệ mang màu sắc hung hăng với số lượng trang bị nhiều làm cho Hải quân Mỹ rơi vào nguy hiểm ở khu vực này.

Tàu vận tải đổ bộ Tỉnh Cương Sơn chạy phía trước trong biên đội tàu chiến Hạm đội Nam Hải vừa có cuộc diễn tập bất hợp pháp trên biển Đông
Tàu vận tải đổ bộ Tỉnh Cương Sơn chạy phía trước trong biên đội tàu chiến Hạm đội Nam Hải vừa có cuộc diễn tập bất hợp pháp trên biển Đông

Mặc dù Hải quân Mỹ trong tương lai vẫn sẽ mạnh hơn nhiều Hải quân Trung Quốc, nhưng tính chất mỏng manh của tàu chiến mặt nước của họ ngày càng tăng, đặc biệt là tàu sân bay cỡ lớn, đó là tinh hoa của sức chiến đấu Mỹ. Việc Mỹ tiến hành phòng thủ đối với tàu ngầm mới, tên lửa chống hạm và tấn công mạng của Trung Quốc ngày càng trở nên khó khăn, trả giá cao và có thể không hiệu quả.

Chi tiêu quân sự của Mỹ cao hơn nhiều Trung Quốc, nhưng phải phân phối nguồn lực để đáp ứng nhu cầu của mỗi khu vực, trong khi đó Trung Quốc lại chỉ tập trung nguồn lực quân sự vào lĩnh vực quan trọng nhất – chống lại sức mạnh quân sự của Mỹ ở Đông Á.

Gumpert cho rằng, khả năng tấn công của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương ngày càng đối mặt với nguy cơ bị phát hiện, ngắm chuẩn, gây thiệt hại, thậm chí bị tiêu diệt trong một cuộc chiến tranh lớn với Trung Quốc.

Khả năng xảy ra chiến tranh giữa Trung-Mỹ không lớn, nhưng sự thay đổi cán cân sức mạnh này sẽ làm suy yếu lòng tin của các nước trong khu vực đối với thực lực của Mỹ, kích thích Bắc Kinh sử dụng vũ lực tấn công các nước láng giềng.

Với tính chất là sách lược ứng phó, Washington có thể làm cho sức mạnh hải quân đa dạng hóa và cân bằng, bao gồm tăng cường tàu ngầm, máy bay không người lái và tàu nổi khó bị dò tìm, đồng thời toàn bộ thông qua mạng máy tính.

So với hạm đội Mỹ hiện lệ thuộc vào số ít những con tàu dễ bị phát hiện (mục tiêu rõ ràng), những biện pháp nêu trên sẽ làm tăng lớn tính phức tạp và độ khó cho hoạt động ngắm chuẩn của Quân đội Trung Quốc. Nhưng, sự chuyển hướng này có thể cần tới mấy chục năm, cho dù đến khi đó, vẫn có thể dễ bị tấn công mạng.

Tàu sân bay cỡ lớn - tinh hoa sức mạnh Mỹ
Tàu sân bay cỡ lớn - tinh hoa sức mạnh Mỹ

Vì vậy, ngoài áp dụng các biện pháp mới nêu trên, Washington cũng cần phối hợp với các động thái mới về chính trị. Có thể xây dựng quan hệ đối tác an ninh trên biển đa phương ở Đông Á, đồng thời yêu cầu Trung Quốc gia nhập. Bắc Kinh có thể sẽ cảnh giác với cách làm này vì họ sợ sẽ bị ngăn chặn và ràng buộc, nhưng không tham gia sẽ bị bài xích, gạt ra ngoài lề và rơi vào cô lập.

Vì vậy, Trung Quốc có thể sẽ tuân theo sau khi đã cân nhắc. Cho dù không có sự tham gia của Trung Quốc, quan hệ đối tác này cũng sẽ tăng cường vị thế lãnh đạo của Mỹ trong các đồng minh khu vực, đồng thời cung cấp khung chính trị và hành động lâu dài cho lực lượng trên biển của quân Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.

Đông Bình