La Viện thừa nhận quân đội Trung Quốc hiện nay tồn tại nhiều suy thoái

05/05/2013 10:10
Việt Dũng
(GDVN) - Báo Hoàn Cầu TQ vừa phỏng vấn tướng La Viện về một loạt vấn đề: xây dựng quốc phòng, Mỹ phong tỏa, kiềm chế TQ, an ninh mạng, Quân đội TQ có suy thoái...
La Viện, tướng học giả Trung Quốc
La Viện, tướng học giả Trung Quốc

Tờ “Hoàn Cầu” Trung Quốc vừa đăng bài viết phỏng vấn Thiếu tướng La Viện, chuyên gia quân sự “diều hâu” Trung Quốc về các vấn đề như tình hình khu vực, dư luận mạng, hiện tượng tiêu cực trong quân đội... Sau đây là nội dung chính của cuộc phỏng vấn này.

Xây dựng quốc phòng: mượn gà ấp trứng

Về việc báo chí TQ cho rằng người dân nước này kêu gọi dùng vũ lực để tiến hành cái gọi là “bảo vệ chủ quyền lãnh thổ” do Trung Quốc chủ trương bất hợp pháp, La Viện cho đó là thể hiện cái mà ông này gọi là “nguyện vọng” (trên thực tế là luận điệu tuyên truyền của giới chức Bắc Kinh) của dân Trung Quốc, từ đó thúc giục quân đội Trung Quốc hành động (theo “nguyện vọng” của dân Trung Quốc: dùng vũ lực).

Về việc xây dựng quốc phòng trong tương lai, La Viện cho rằng, "trong điều kiện chiến tranh hiện đại, con người vẫn là nhân tố  quyết định thắng bại của chiến tranh, vì vậy phải xây dựng nguồn nhân lực quân sự có tố chất cao, một mặt đào tạo ở các nhà trường quân sự, mặt khác “mượn gà ấp trứng” ở các trường địa phương, thêm nữa, lựa chọn từ các binh sĩ ưu tú trong quân đội. Đồng thời, cần gia tăng hàm lượng khoa học công nghệ cao trong huấn luyện thường ngày cho binh lính TQ".

Binh sĩ Trung Quốc hiện nay đa phần là con một
Binh sĩ Trung Quốc hiện nay đa phần là con một

Về hiện trạng giáo dục quốc phòng hiện nay của Trung Quốc, La Viện cho rằng, giáo dục quốc phòng TQ phải đi vào lớp học, đi vào khu dân cư, gần gũi với người thành thị, sát với thanh niên. Trẻ em là người rất thích các chương trình đề tài quân sự trên truyền hình, thích các  hình tượng anh hùng. Vấn đề đặt ra là, kích thích tình cảm yêu nước như thế nào.

Chủ quyền Senkaku: Trung-Nhật “đánh nhau” tối mặt tối mũi

Hiện nay có một số người Trung Quốc với tư tưởng tiến bộ, biết mình biết ta đã dám lên tiếng phê phán các tướng lĩnh Trung Quốc tìm mọi cách để đòi hỏi chủ quyền ở đảo Senkaku và biển Đông, tuy nhiên, viên tướng La Viện lại cho rằng, "điều này thuộc vấn đề nhận thức, đồng thời kêu gọi dùng luật pháp và dư luận để trừng phạt những người này".

Trung-Nhật tiếp tục đối đầu căng thẳng trên vùng biển đảo Senkaku
Trung-Nhật tiếp tục đối đầu căng thẳng trên vùng biển đảo Senkaku

La Viện cho rằng: “Người ta sẽ không tiếp tục cho anh thời kỳ cơ hội chiến lược 10 năm nữa, Mỹ quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương để làm gì?”.

Theo La Viện, sự phát triển mấy năm trước của Trung Quốc phần nào dựa vào ưu thế dân số, thị trường và đất đai, và phải hy sinh môi trường sinh thái. Đó là phát triển kiểu “quảng canh”, sau này vốn ban đầu tiêu tốn tương đối rồi thì còn có thể phát triển tốc độ cao nữa hay không? Hơn nữa, “vấn đề tài nguyên biển” không thể chờ đợi, vì người ta khai thác bao nhiêu thì sẽ mất bấy nhiêu (ý nói các nước khai thác dầu khí ở biển Đông nhưng những khu vực này đều thuộc chủ quyền có bằng chứng lịch sử của nước khác và Trung Quốc tự nhận vơ là của mình. Việc làm của TQ không được bất cứ quốc gia, thể chế nào thừa nhận).

La Viện nói thẳng rằng Trung Quốc cần “phát triển bền vững” và “vì con cháu sau này”.

La Viện thừa nhận rằng, cải cách của Trung Quốc hiện đã đi vào giai đoạn khó khăn nhất, 2 đại cục trong và ngoài nước nếu điều hòa không tốt thì mâu thuẫn nội bộ rất có thể phát tiết ra bên ngoài, mâu thuẫn bên ngoài có thể gây ra mâu thuẫn nội bộ.

Ông ta cho rằng, thời kỳ cơ hội chiến lược chỉ có thể tích cực tranh thủ, chứ không thể tiêu cực giữ lấy.

La Viện phân tích những cái lợi từ việc đòi hỏi chủ quyền đảo Senkaku, cho rằng, những người coi đây là đảo hoang và cho rằng hà tất phải “đánh nhau” tối mặt tối mũi với Nhật Bản như vậy làm gì, thì đó là "những người có tầm nhìn hạn chế".

Bởi vì, theo La Viện Trung Quốc có thể đoạt lấy rất nhiều lợi ích từ vùng biển xung quanh đảo Senkaku cho đến biển Hoa Đông như nguồn lợi cá, mỏ dầu Xuân Hiểu..., từ đó đóng góp cho GDP. Cho dù đảo Senkaku không sản xuất ra GDP thì, theo La Viện, đó cũng là “lãnh thổ của Trung Quốc” (vô căn cứ), không ai được phép “cướp” đi (luận điệu côn đồ).

Đối đầu Trung-Nhật ở vùng biển đảo Senkaku
Đối đầu Trung-Nhật ở vùng biển đảo Senkaku

La Viện cho rằng, hãy nhìn Nhật Bản và suy nghĩ tại sao họ lại cố giữ đảo Senkaku và không buông tay với biển Hoa Đông như vậy. Nhật Bản không phải là “kẻ ngốc”, họ cho rằng, đảo Senkaku có lợi ích kinh tế, lợi ích địa-chiến lược to lớn, có giá trị quân sự quan trọng. Vì vậy, đảo Senkaku tuyệt đối không phải là một đảo hoang có hay không có cũng được.

Chiến lược phong tỏa Trung Quốc của Mỹ: “điểm”-“tuyến”-“diện”

Ngày 20/3, tờ “Nihon Keizai Shimbun” Nhật Bản cho biết, Mỹ-Nhật xây dựng một “Kế hoạch phòng vệ chung” bảo vệ đảo Senkaku. Nếu tàu chiến Hải quân Trung Quốc sử dụng vũ lực tại vùng biển đảo Senkaku thì kế hoạch phòng vệ này sẽ định hướng hành động chung của Mỹ-Nhật. Hành động này của Mỹ có mục đích gì? Trung-Mỹ có khả năng xảy ra đối đầu quân sự trực tiếp ở đảo Senkaku hay không?

La Viện cho rằng, Mỹ có ý đồ: một là dùng vấn đề đảo Senkaku để nói chuyện, tìm cớ cho Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược sang hướng Đông; hai là phân tán sức chú ý chiến lược của Trung Quốc, gây phiền phức cho sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc; ba là "ly gián quan hệ Trung-Nhật, làm ngư ông đắc lợi”.

Mỹ một mặt cam kết, Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật sử dụng thích hợp với đảo Senkaku, mặt khác tuyên bố muốn cùng Nhật Bản xây dựng một “Kế hoạch phòng vệ chung” đối với đảo Senkaku, thực chất là để dọa Trung Quốc, kích thích cuộc “cãi nhau” giữa Trung-Nhật, nhưng Mỹ dọa giữa Trung-Nhật không nên “đánh nhau” để Mỹ không bị lôi kéo vào. “Chúng ta vừa coi thường họ về chiến lược, vừa coi trọng họ về chiến thuật. Đồng thời, đưa ra sách lược ứng phó về phương án đối phó, chiến pháp, trang bị, bố trí lực lượng...”.

Nhật-Mỹ diễn tập liên hợp đoạt đảo
Nhật-Mỹ diễn tập liên hợp đoạt đảo

Ngày 12/2, tạp chí “Nghiên cứu chiến lược” Mỹ đăng bài viết của chuyên gia quân sự Sean Mirski bàn về khả năng Mỹ tiến hành phong tỏa trên biển đối với Trung Quốc khi xảy ra chiến tranh. Mirski cho rằng, phong tỏa là phương án tốt nhất của hành động quân sự đối với Trung Quốc, có thể phá hủy tiềm lực kinh tế của Trung Quốc, buộc Trung Quốc thừa nhận thất bại.

Về vấn đề này, La Viện cho rằng, Mỹ có ý đồ phong tỏa Trung Quốc hay không là một vấn đề và có khả năng phong tỏa hay không là vấn đề khác.

Chính sách phong tỏa hiện nay của Mỹ là kết nối các điểm thành các “tuyến”, kết nối các “tuyến” thành “diện” (vùng), tức là trước tiên Mỹ coi các 5 đồng minh quân sự lớn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương là các điểm tựa chiến lược, sau đó lấy 3 chuỗi đảo ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương làm 3 tuyến phong tỏa, cuối cùng liên kết 5 nhóm căn cứ quân sự lớn của khu vực châu Á-Thái Bình Dương thành “vùng”, hình thành thế bao vây Trung Quốc.

Để phá vỡ sự “bao vây” của Mỹ, theo La Viện, Trung Quốc trước hết phải nâng cao sức mạnh tổng hợp, tăng cường xây dựng hải, không quân và xây dựng khả năng điều động tầm xa. Thứ hai, thực hiện chính sách “chia rẽ và lôi kéo”, quan hệ rộng với “bạn bè”, mượn đường vươn ra biển. Thứ ba, mở lối đi khác, vượt khỏi sự phong tỏa của Mỹ, tìm kiếm con đường chiến lược mới (La Viện ngầm nói đến mở con đường mới từ miền tây Trung Quốc đến cảng Gwadar, Pakistan).

Có nguồn tin cho rằng, Mỹ triển khai tàu tuần duyên ở quân cảng Changi, Singapore để tiến hành phản ứng nhanh khi xảy ra sự cố trên biển Đông.
Có nguồn tin cho rằng, Mỹ triển khai tàu tuần duyên ở quân cảng Changi, Singapore để tiến hành phản ứng nhanh khi xảy ra sự cố trên biển Đông.

Trang bị “pháo lửa” cho cảnh sát biển và nghiên cứu biến đổi gien

Về Lực lượng bảo vệ bờ biển mà La Viện nhiều lần kêu gọi thành lập (nay Trung Quốc đã thành lập Cục cảnh sát biển quốc gia), La Viện cho rằng, các lực lượng chấp pháp biển Trung Quốc nay đã hợp lại thành một, sẽ có lợi hơn cho Trung Quốc, đã trở thành “quả đấm chiến lược” để thực thi chủ trương chủ quyền (bất hợp pháp ở Biển Đông) do họ đặt ra, tăng hiệu quả “chấp pháp trên biển”. Bởi vì, cách làm này giúp cho lực lượng  này tránh phân tán lực lượng, tránh nhiệm vụ chồng chéo, tránh lãng phí tiền của...

Trước đây tàu chấp pháp Trung Quốc chỉ gọi là tàu công vụ, nên chỉ có thể trang bị “pháo nước” (vòi rồng), trong khi đó, tàu tuần tra của Nhật Bản gọi là tàu cảnh sát biển (bảo vệ bờ biển), nên trang bị 40 pháo, 20 pháo đa nòng (pháo lửa).

Nhưng, hiện nay, Trung Quốc tổ chức lại Cục hải dương quốc gia, gọi là Cục cảnh sát biển, nên có thể trang bị một số vũ khí. Trung Quốc sẽ trang bị mạnh như các đối thủ, thậm chí mạnh hơn. Trung Quốc có thể cải tạo các tàu chiến cũ thành tàu cảnh sát biển, tăng cường mức độ phòng vệ và chấp pháp, nếu không sẽ bị đối thủ “đánh”.

Có nguồn tin cho biết, Trung Quốc đã trang bị một số tàu chiến cũ cho lực lượng chấp pháp trên biển của nước này (Hải giám, Ngư chính)
Có nguồn tin cho biết, Trung Quốc đã trang bị một số tàu chiến cũ cho lực lượng chấp pháp trên biển của nước này (Hải giám, Ngư chính)

Về khả năng đối phương sử dụng vũ khí như loài biến đổi gien để tấn công Trung Quốc và vấn đề an toàn sinh học, La Viện cho rằng, bất kể biến đổi gien có hại hay không, đều phải lập tức thành lập Phòng thí nghiệm quốc gia biến đổi gien và trung tâm giám định.

An ninh mạng

Ngày 12/3/2013, Keith Alexander, Tư lệnh Bộ Tư lệnh mạng quân Mỹ cho biết, Bộ Quốc phòng Mỹ thành lập nhiều đơn vị an ninh mạng, nhiệm vụ là tấn công các mối đe dọa phát động tấn công điện tử đối với Mỹ.

Alexander cho biết, Mỹ đang thành lập 40 đơn vị an ninh mạng, trong đó 13 đơn vị chủ yếu tập trung cho các hành động mang “tính tấn công”, ngoài ra 27 đơn vị phụ trách giám sát an ninh mạng, huấn luyện và hỗ trợ hậu cần, tất cả 40 đơn vị sẽ xây dựng xong vào trước mùa thu năm 2015.

Mỹ là một nước công khai tuyên bố muốn tiến hành tác chiến mạng với nước khác và sở hữu lực lượng tác chiến mạng có quy mô lớn nhất, công nghệ tiên tiến nhất thế giới.

Hệ thống chỉ huy tác chiến mạng Hải quân Trung Quốc
Hệ thống chỉ huy tác chiến mạng Hải quân Trung Quốc

Đối với vấn đề này, La Viện cho rằng, căn cứ vào “Báo cáo tình hình an ninh mạng Internet Trung Quốc năm 2011”, năm 2011, Mỹ sử dụng hơn 9.500 địa chỉ IP kiểm soát gần 8,85 triệu máy chủ ở Trung Quốc, có hơn 3.300 IP kiểm soát hơn 3.400 trang mạng.

Mỹ còn có thể thông qua địa chỉ IP, phát đi gần 700.000 tin nhắn giả tới các trang mạng chính của Trung Quốc. Do đó, hiện nay, Mỹ có khả năng tác chiến mạnh rất mạnh, công nghệ tiên tiến nhất, có rất nhiều địa chỉ IP; kể cả một số cổng sau của máy tính, virus và bom logic cũng đến từ Mỹ, Mỹ cũng là một trong số ít những nước có lực lượng tác chiến mạng.

Tập Cận Bình: giấc mơ quân đội mạnh trong “Giấc mơ Trung Hoa”

Ngày 12/2012, khi thị sát “Chiến khu Quảng Châu” – khu vực đông nam Trung Quốc, ông Tập Cận Bình khi đó đã lên làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc đã kêu gọi “Giấc mơ quân đội mạnh”, kêu gọi xây dựng quân đội “có thể chiến đấu và chiến thắng” và trị quân nghiêm ngặt.

Sau đó, Quân ủy Trung ương ra thông báo “10 quy định của Quân ủy Trung ương về tăng cường xây dựng tác phong”, nhằm tấn công các hiện tượng suy thoái trong quân đội.

Về vấn đề này, ông La Viện cho rằng, từ khi Tập Cận Bình chủ trì công tác của Quân ủy đến nay, ông đã ra sức siết chặt kỷ luật quân đội, yêu cầu quân đội tập trung công tác vào “có thể chiến đấu và chiến thắng”, đã nắm được căn bản và then chốt của xây dựng quân đội.

Sáng ngày 9/4, ông Tập Cận Bình thị sát Hạm đội Nam Hải lần thứ hai trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch Quân ủy Trung ương (chỉ cách nhau vài tháng).
Sáng ngày 9/4, ông Tập Cận Bình thị sát Hạm đội Nam Hải lần thứ hai trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch Quân ủy Trung ương (chỉ cách nhau vài tháng).

Quân đội suy thoái

Theo La Viện, không thể phủ nhận, hiện nay trong Quân đội Trung Quốc tồn tại một số vấn đề suy thoái – “sát thủ” hàng đầu đối với sức chiến đấu của quân đội.


Việt Dũng