Đối thủ lớn nhất của AB Inbev tại thị trường bia Việt là ai?

05/05/2013 07:39
Hoàng Lực
(GDVN) - Để vào thị trường bia Việt Nam và phá vỡ thế chân vạc đang chiếm lĩnh thị phần ngành bia Việt Nam sẽ không bao giờ dễ cho "người khổng lồ" AB Inbev...

Những ngày gần đây thị trường bia Việt Nam như nóng dần lên khi thông tin Aneuser-Busch Inbev (AB Inbev) – Tập đoàn bia đa quốc gia lớn nhất thế giới có kế hoạch vào thị trường Việt. Việc một “ông lớn” bia ngoại vào thị trường bia Việt, một thị trường được coi là rất tiềm năng không phải là chuyện mới. Tuy nhiên điều người ta quan tâm lúc này là làm thế nào để Aneuser-Busch Inbev (AB Inbev) chiếm được thị phần bia Việt vốn đã có  chủ.

Aneuser-Busch Inbev (AB Inbev) – Tập đoàn bia đa quốc gia lớn nhất thế giới có kế hoạch vào thị trường Việt vào cuối năm 2014.
Aneuser-Busch Inbev (AB Inbev) – Tập đoàn bia đa quốc gia lớn nhất thế giới có kế hoạch vào thị trường Việt vào cuối năm 2014.

Trước đó, đã có không ít “đại gia” bia ngoại từng đến Việt Nam rất hoành tráng nhưng rồi lại phải dứt áo ra đi hoặc sống lay lắt với thị phần eo hẹp. Để không lặp lại bài học đắt giá của 3 “ông lớn” bia ngoại Foster, BGI, Laser... Aneuser-Busch Inbev phải xác định rõ chiến lược kinh doanh, phân khúc thị trường, quy mô phạm vi… Cùng với đó là xác định những đối thủ lớn để có kế sách phù hợp.
Trở lại với thị trường bia Việt, hiện nay theo con số thống kê chưa đầy đủ thì cả nước hiện nay có đến hàng trăm cơ sở sản xuất bia lớn nhỏ. Tuy nhiên thị phần bia Việt nếu tính trên phạm vi cả nước chỉ nằm vỏn vẹn trong một số tên tuổi lớn được mọi người biết đến.
,

Nếu không thay đổi, 5 năm nữa bia Việt sẽ “sập tiệm” trước AB Inbev

Nếu không thay đổi, 5 năm nữa bia Việt sẽ “sập tiệm” trước AB Inbev

Trước khi vào VN, AB Inbev nên nhìn lại thất bại của 3 ông lớn này

Trước khi vào VN, AB Inbev nên nhìn lại thất bại của 3 "ông lớn" này

Nhiều người vẫn cho rằng thị phần bia Việt đang nằm trong tay của Công ty TNHH Nhà Máy Bia Việt Nam (VBL). Sở dĩ nói như vậy vì VBL đang nắm giữ cả hai thương hiệu bia lớn là Heineken, Tiger và Việt Nam lại là một trong những nước có tỷ lệ tiêu thụ bia Heineken lớn nhất thế giới.

Chúng ta cũng còn nhớ vào khoảng giữa năm 2012, ngành bia thế giới đã chứng kiến một vụ M&A “khủng” trị giá hơn 4 tỉ USD: Heineken – thương hiệu bia lớn thứ 6 thế giới đã mua lại Asia Pacific Breweries (APB) – tập đoàn sở hữu thương hiệu hàng đầu châu Á: bia Tiger. Giới chuyên môn nhận định, việc thâu tóm APB của Heineken nằm trong động thái muốn đẩy mạnh đầu tư vào thị trường châu Á mà thị trường được quan tâm hàng đầu là Việt Nam.

Trong khi đó VBL lại là công ty con của APB (trong đó APB chiếm giữ 60% cổ phần) tại Việt Nam, được thành lập từ năm 1991 sau kết quả của mối “lương duyên” giữa Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn và APB. Cùng với việc mua lại APB, Heineken hiện nay cũng nắm giữ VBL, chắc chắn Heineken sẽ là đối thủ lớn nhất của AB Inbev tại thị trường Việt Nam ở một tương lai không xa.

Còn hiện nay đối thủ lớn nhất của AB Inbev tại thị trường bia Việt là Tổng công ty CP Bia - Rượu - NGK Sài Gòn (Sabeco).

Nói như vậy bởi theo con số thống kê mới nhất của Tập đoàn Nghiên cứu thị trường Euromonitor International, Sabeco chiếm 47,50% thị phần ngành bia Việt Nam. Con số này gấp hơn 2 lần thị phần của VBL và gấp gần 3 lần thị phần của Habeco (Công ty Bia – Rươu – Nước giải khát Hà Nội).

Hiện nay trong thị phần ngành bia Việt Nam, VBL chỉ chiếm 18,20%, Habeco chiếm 17,30% còn lại là các hãng như bia Huế, Nhà máy bia Đông Nam Á, Thanh Hóa và mốt số hãng bia khác. Nhìn vào con số này có thể thấy hiện nay thị trường bia Việt đang ở thế chân vạc với Sabeco (bia Sài gòn), VBL (bia Heineken và Tiger) và Habeco (bia Hà Nội). Ba doanh nghiệp kể trên đã nắm trên 80% thị phần bia Việt Nam.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của những nhãn hiệu bia ngoại lớn vào thị trường Việt Nam trước đó chính là không đánh giá đúng tầm đối thủ. Để thành công tại thị trường Việt Nam, AB Inbev nên học Sabeco, mặc cho sự “xâm lấn” của bia ngoại Sabeco vẫn phát triển mạnh. Thành công của Sabeco dựa vào việc chiếm lĩnh và ổn định thị trường trong nước. Trước đây gần như thị trường bia từ khu vực Đà Nẵng trở vào dường như là “sân nhà” của Sabeco với những thương hiệu lớn đã tạo dấu ấn với người tiêu dùng như bia chai Sài Gòn Lager, Sài Gòn Export, Sài Gòn Special và bia lon 333.

Từ đó đối chiếu sang AB Inbev, dẫu là một tập đoàn bia đa quốc gia lớn nhất thế giới nhưng để thương hiệu bia đi vào tâm trí người tiêu dùng như của Sabeco hay Habeco không phải dễ vì AB Inbev vẫn còn khá xa lạ với người Việt.

Thị phần ngành bia Việt Nam (nguồn Euromonitor).
Thị phần ngành bia Việt Nam (nguồn Euromonitor).

Nói như vậy không có nghĩa AB Inbev bỏ qua các đối thủ khác nhất là  với VBL đặc biệt khi nhìn vào kết quả kinh doanh những năm gần đây. Nếu năm 2011, doanh thu thuần của VBL (đã loại trừ thuế tiêu thụ đặc biệt) của VBL chưa bằng 1/2 so với Sabeco nhưng lợi nhuận thu được lại lớn hơn Sabeco thì năm 2012, trong khi cả Sabeco và Habeco đều không đạt được kết quả kinh doanh như mong muốn thì VBL vẫn đạt tốc độ tăng trưởng tốt. 

Vì vậy để vào thị trường bia Việt Nam phá vỡ thế chân vạc đang chiếm lĩnh thị phần ngành bia Việt Nam sẽ không bao giờ dễ cho dù AB Inbev là "người khổng lồ" về bia trên thế giới vì đôi khi gã khổng lồ như Gô-li-át vẫn gục ngã trước các chàng Đa-Vít bé con.

* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi

Hoàng Lực