Chẳng hạn, chuyện đối phó băng nhóm Năm Cam trả thù ông và những người thân của ông; Chuyện ông nuốt nước mắt khi phải xử lý những đồng đội của mình có liên quan tới Năm Cam...
|
Nằm võng đọc báo là sở thích của ông Tư Bốn. |
Năm 1999, ông Tư Bốn rời Tiền Giang về TPHCM nhận nhiệm vụ Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) phụ trách phía Nam. Hằng ngày, ông Tư Bốn làm việc và ăn nghỉ trong cơ quan trên đường Nguyễn Trãi. Ông sống một mình ở TPHCM, xa vợ con, chuyện ăn uống vì vậy mà rất đơn giản ở nhà ăn tập thể, thỉnh thoảng ông cũng ăn “cơm bụi” các quán vỉa hè gần cơ quan.
Ông chỉ thực sự có những bữa cơm ngon vào cuối tuần với vợ con ở huyện Chợ Gạo. Vườn nhà ông trồng nhiều rau, cây trái, có ao nuôi cá, bữa cơm gia đình thường là “cây nhà lá vườn”.
Trong quá trình thu thập thông tin về băng nhóm Năm Cam, ông Tư Bốn đã phát hiện những dấu hiệu bất thường có liên quan tới những cán bộ nhà nước, trong đó có những bạn bè, đồng nghiệp của ông.
Được phân công làm Trưởng ban chuyên án “Năm Cam và đồng bọn”, ông Tư Bốn vẫn đi làm, sinh hoạt bình thường như thế, không có gì thay đổi. Ông không hề biết rằng lúc đó Năm Cam đã phân công con rể mình là Hiệp “phò mã” theo dõi sát mọi sinh hoạt của ông. Chỉ đến khi chuyên án đi vào giai đoạn “cao trào”, theo yêu cầu của cơ quan, ông Tư Bốn mới thực hiện các biện pháp an toàn cần thiết. Ông buộc phải hạn chế đi ra khỏi cơ quan nếu không có chuyện thật cần thiết.
Mọi nhu cầu ăn uống, sinh hoạt hằng ngày của ông đều diễn ra trong cơ quan, dưới mái “nhà vòm”. “Nhà vòm” là tên mà cánh nhà báo lúc đó đặt cho chỗ làm việc, nghỉ ngơi của tướng Tư Bốn - một ngôi nhà bình dân nhưng kiên cố, có mái che hình vòm làm bằng kim loại giống như căn hầm chỉ huy của tướng De Castries ở Điện Biên Phủ ngày trước. Ngày 3 bữa sáng - trưa - chiều ông được anh nuôi trong cơ quan lo liệu.
Ông Tư Bốn hay nhậu rượu đế sau giờ làm việc, trước đây ông cũng thỉnh thoảng cùng anh em “lai rai” ở các quán bình dân, giờ cũng nhậu với anh em, bạn bè, nhưng ông nhờ anh nuôi làm “mồi” để nhậu tại “nhà vòm”. Ông cũng hạn chế về thăm gia đình ở Tiền Giang, thường thì ông kết hợp đi công tác ở miền Tây để ghé lại thăm gia đình một chút rồi đi, cả tháng ông mới ngủ lại nhà một lần.
|
Năm Cam và đồng bọn trước vành móng ngựa |
Tôi hỏi ông chuyện từng nghe dư luận đồn: Mỗi khi ra ngoài ông phải dùng biện pháp cải trang, như đi cùng lúc 2 - 3 xe, ông không ngồi trên chiếc xe quen thuộc của mình, mà ngồi xe khác. Có lúc xe ông chạy trước nhưng không có ông, mà ông đi xe taxi phía sau. Lần ông trực tiếp ra Hà Nội để xin chỉ thị của cấp trên về một quyết định quan trọng liên quan tới vụ án, biện pháp bảo vệ và bảo mật càng nghiêm ngặt, ly kỳ như phim Hollywood. Ông đi lại bằng xe có lắp kính chống đạn...
Đợi cho tôi hỏi hết những điều “ly kỳ”, ông mỉm cười nói: “Lúc đó anh chẳng ngại, chẳng sợ chuyện gì. Lúc chiến tranh anh từng đối mặt với nguy hiểm gấp trăm ngàn lần như thế mà chẳng hề gì thì lẽ nào lại sợ một băng nhóm “xã hội đen” luôn trốn tránh pháp luật. Có những lúc tập thể, tổ chức yêu cầu thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn cho Ban chuyên án theo quy định chung của ngành thì mình phải tuân thủ. Nhưng chuyện lắp kính chống đạn cho chiếc xe anh đi thì hoàn toàn không có, lúc đó anh vẫn đi lại bằng chiếc xe cũ biển số 80B-1917 bình thường”.
Ông Nguyễn Thanh Nhàn - Bí thư Đảng ủy Khối cơ quan tỉnh Tiền Giang, em ruột của ông Tư Bốn - cho biết, lúc đó tập thể cũng lưu ý ông nên cẩn trọng trước khả năng trả thù của băng nhóm Năm Cam. Ông Nhàn không lo cho mình, mà lo cho sự nguy hiểm của ông Tư Bốn và vợ con ông có thể gặp phải.
Ông Chín Nhàn thường xuyên về thăm chị Tư Bốn và các cháu, cũng như quan sát, để ý tình hình xung quanh. Bà Nguyễn Thị Bé Năm - người em kế của ông Tư Bốn - lúc đó công tác ở Công ty du lịch Tiền Giang, vì thế bà hằng ngày luôn nghe nhiều thông tin về chuyên án “Năm Cam và đồng bọn” do khách du lịch từ TPHCM đến bàn tán.
Một trong những chuyện người ta hay bàn tán là sự lo ngại của họ về một sự trả thù nào đó của Năm Cam đối với ông Tư Bốn và gia đình. Vậy là cứ sau giờ làm việc, bà Năm lại vượt mười mấy cây số về Chợ Gạo với chị Tư Bốn để “có chị có em”. Ông bà Tư Bốn có 3 người con, lúc đó người con lớn Nguyễn Tấn Dũng đã công tác ở Công an tỉnh Tiền Giang, người con út Nguyễn Tấn Phúc cũng đang học trường trung cấp công an ở TPHCM, vì vậy việc bảo vệ an toàn cho các anh không phải là khó.
Gia đình ông Tư Bốn quan tâm nhiều tới người con giữa Nguyễn Thị Việt Hồng mới tốt nghiệp Đại học Cần Thơ (ngành y) về nhận công tác ở TPHCM. Tôi hỏi ông Tư Bốn lúc đó Ban chuyên án có thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn cho vợ con ông hay không, ông trả lời rằng, bản thân ông không có yêu cầu, nhưng ông biết anh em trong ngành có quan tâm làm việc đó để ông an tâm tập trung vào chuyên án. Suốt mấy năm trời gia đình ông Tư Bốn phải trải qua không khí căng thẳng, bất an, mãi cho đến khi toàn bộ băng nhóm “xã hội đen” Năm Cam lần lượt bị sa lưới pháp luật.
Trong quá trình thu thập thông tin về băng nhóm Năm Cam, ông Tư Bốn đã phát hiện những dấu hiệu bất thường có liên quan tới những cán bộ nhà nước, trong đó có những bạn bè, đồng nghiệp của ông. Là người từng công tác lâu năm trong ngành công an, ông Tư Bốn hiểu rất rõ một điều: Tệ nạn và tội phạm xã hội khó mà lộng hành nếu không có sự dung dưỡng, bao che, tiếp tay của những cán bộ có trách nhiệm thuộc các cơ quan chức năng được Nhà nước giao nhiệm vụ bảo vệ trật tự xã hội. Ông Tư Bốn không khó để xác định có sự giao du, quan hệ bất thường giữa Năm Cam với những cán bộ Công an TPHCM như Dương Minh Ngọc (Trưởng phòng Cảnh sát hình sự), Nguyễn Mạnh Trung (Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra)…
Còn nữa...
Thanh Thủy/Báo Lao động